Multimedia Đọc Báo in

Những bài học không quên trên hành trình phát triển

08:17, 30/09/2024

Trên hành trình dựng xây, phát triển tỉnh Đắk Lắk, có những sự kiện, biến cố không mong muốn. Sau những sự việc ấy là nhiều bài học quý báu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó đưa ra chủ trương, giải pháp mới để giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ bình yên cho buôn làng và từng bước nâng cao đời sống người dân.

Đầu tháng 2/2001, các thế lực thù địch đã huy động khoảng gần 1.000 người dân ở các huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng, Buôn Đôn và một số buôn ở TP. Buôn Ma Thuột tụ tập, chuẩn bị lực lượng kéo về thành phố đòi lập “Nhà nước Đêga độc lập”. Số người này sử dụng phương tiện như máy cày tay, xe độ, xe máy, mang theo hung khí như xà gạc, cuốc xẻng…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo lực lượng an ninh chốt chặn từ xa và các cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, vận động họ trở về; đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện bảo vệ những mục tiêu trọng yếu; huy động cán bộ Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, ban ngành, cán bộ chủ chốt người dân tộc thiểu số ở các cơ quan, đơn vị, vận động người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo để thuyết phục, giải thích.

Sau sự kiện này, Tỉnh ủy đã rút ra bài học kinh nghiệm là phải luôn đề cao cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với nước ta, Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Từ đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt sâu sắc quan điểm "phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và đảm bảo an ninh - quốc phòng là nền tảng" trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk.

Quá trình phát triển kinh tế cũng chú trọng giải quyết vấn đề công bằng xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo, chính sách đại đoàn kết các dân tộc của Đảng. Xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở và đội ngũ cán bộ vững mạnh, làm việc phải vì dân, gần dân, sát dân, nắm và giải quyết tốt các nguyện vọng chính đáng của nhân dân; lấy công tác vận động quần chúng làm chính trong giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở; xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk chung vui trong ngày hội.

Biến cố thứ hai diễn ra vào tháng 4/2004, gần 900 hộ, gồm 4.850 người dân tộc thiểu số tại chỗ từ các huyện Cư M’gar, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột đã tập trung ở nhiều điểm, sử dụng hàng trăm xe máy cày tay, xe độ chế, xe máy kéo về TP. Buôn Ma Thuột, mang theo khẩu hiệu, hung khí, máy quay phim, máy ảnh, loa phát thanh...

Đây thực chất là cuộc bạo động chính trị, có sự chỉ đạo của các thế lực phản động từ bên ngoài và sự phối hợp của lực lượng FULRO lưu vong. Nhờ nắm được âm mưu của địch và có sự chủ động chuẩn bị nên khi sự việc xảy ra, được sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thực hiện đúng phương châm “kiên trì giáo dục, thuyết phục vận động quần chúng là chính; kiên quyết giải tán biểu tình, bắt gọn bọn cầm đầu, chỉ huy; nghiêm trị những kẻ xâm phạm tính mạng người dân, tài sản của Nhà nước, phá hoại an ninh quốc gia”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã họp, phân công các đồng chí phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo các huyện và chủ động xử lý tình hình.

Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy và chính quyền các cấp chủ động, thực hiện nhiều biện pháp tích cực để tập hợp lực lượng đấu tranh triệt phá số cầm đầu và bóc gỡ các khung ngầm của bọn phản động, ngăn chặn hoạt động đưa đón người vượt biên trái phép, củng cố hệ thống chính quyền cơ sở. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là ở những vùng trọng điểm. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị của tỉnh đã dần ổn định, lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên. Sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân được phát huy.

Một sự kiện cũng để lại bài học lớn cho chúng ta chỉ mới xảy ra hơn một năm trước. Rạng sáng 11/6/2023, nhóm đối tượng mang theo súng và các hung khí nguy hiểm tấn công, đập phá trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin làm 9 người chết, 2 người bị thương, nhiều tài sản bị đốt phá. Trên đường tháo chạy, nhóm đối tượng bắt 3 người dân làm con tin. Lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc, ráo riết truy bắt các đối tượng, kiểm soát tình hình và bảo đảm an toàn cho nhân dân. 100 bị cáo sau đó được đưa ra xét xử về các tội danh: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm.

Qua những sự việc trên cho thấy, các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm kích động ly khai ở các vùng dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ một phút chúng ta lơ là, mất cảnh giác là chúng huy động lực lượng để quấy phá.

Những biến cố trên là những bài học thấm thía mà chúng ta cần nhớ trên hành trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Và bài học quan trọng nhất chính là bài học của tinh thần đoàn kết, sự chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp như Bác Hồ từng căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta”.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.