Multimedia Đọc Báo in

Có cần thiết phải "lo xa" như thế?

16:07, 05/12/2021

Dư luận đang bàn tán, tranh luận sôi nổi, thậm chí phản ứng gay gắt về việc một nhà khoa học đề xuất bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong trường học vì lo lắng bị ảnh hưởng nền giáo dục phong kiến.

Từ năm 2019, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà văn hóa Hữu Ngọc có bài viết trên Báo Quốc tế bàn về  học “lễ” và học “văn”. Cụ Hữu Ngọc năm nay đã 103 tuổi, có nhiều công trình khảo cứu văn hóa tầm cỡ; đặc biệt năm 2020 cụ cho xuất bản cuốn “Cảo thơm lần giở” viết về hơn 180 danh nhân Đông Tây kim cổ, đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại.

Theo cụ Hữu Ngọc, “lễ” là một khái niệm cơ bản của Khổng học và có một cơ sở lý luận phức tạp. Nghĩa gốc của lễ là hình thức cúng tế, cầu thần ban phúc, nghĩa rộng là những quy tắc cho đời sống chung trong một cộng đồng xã hội (như cưới xin, ma chay, thăm hỏi, quan hệ chính quyền, làng xóm, gia đình, họ hàng...), lối cư xử hằng ngày (lời nói, cử chỉ, thái độ) trong các mối quan hệ ấy.

Theo Nho giáo, lễ để thể hiện trật tự của trời đất: Trời đất và xã hội có trên có dưới, cần có lễ để phân biệt tôn ti trật tự. Lễ nhằm ngăn cản những cá nhân có hành vi và tình cảm không thích đáng với vị trí của mình (cha mẹ ra cha mẹ, con cái ra con cái, thầy ra thầy, trò ra trò...). Chữ “văn” có nhiều nghĩa, nhưng có thể hiểu khái quát là đạo trời, đạo Khổng (thể hiện trong Tứ thư và Ngũ kinh).

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyên Hoa
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyên Hoa

Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” nghĩa gốc là phải ứng xử lễ phép đối với thầy trước đã, trước khi học chữ để tiếp thu đạo thánh hiền (văn). Khi vào Việt Nam, “Tiên học lễ, hậu học văn” trong dân gian hiểu đơn giản là: đi học thì phải trọng thầy, còn ứng xử thể hiện chữ lễ như thế nào lại thay đổi tùy từng thời kỳ… Cụ Hữu Ngọc cũng kể câu chuyện mình từng là nhân chứng sống của “tiên học lễ, hậu học văn”: Hồi lên 6 tuổi, cụ đi học chữ Nho với ông thầy đồ ở phố Hàng Quạt, Hà Nội. Vì “tiên học lễ”, cha mẹ cụ làm mâm lễ (xôi gà) kính thầy cho cụ “nhập môn”. Như vậy, theo cụ Hữu Ngọc thì ở Việt Nam, “tiên học lễ, hậu học văn” cũng gần nghĩa với “Tôn sư trọng đạo”, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Mới đây, giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng: "Tiên học lễ, hậu học văn" là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ "lễ" với người trên là yêu cầu số một. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển. Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện. "Tiên học lễ" rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. "Tiên học lễ" đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn sức sáng tạo và sự phản biện tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Chừng nào còn đề cao chữ "lễ" thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều…

Đồng ý rằng, Nho giáo với những thuyết Thiên mệnh, Tam cương – ngũ thường, Tam tòng tứ đức… là nhằm hướng con người đến sự an phận thủ thường, phục tùng tuyệt đối sự thống trị của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, từ năm 1945 chế độ phong kiến ở nước ta đã sụp đổ, nền giáo dục Nho giáo chấm dứt và được thay thế bằng nền giáo dục cách mạng. Đó là chưa nói đến cách đây gần 100 năm “tiên học lễ, hậu học văn” được hiểu đơn thuần là “trọng thầy” – tôn sư trọng đạo như “nhân chứng sống” (cụ Hữu Ngọc) đã xác định và ngày nay, “lễ” từ chỗ là “trọng thầy” còn được hiểu thêm là “đạo đức làm người”. Câu thành ngữ có xuất xứ từ Nho giáo Trung Quốc đã được thay đổi ý nghĩa phù hợp với nhận thức mới của người Việt Nam, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Vậy nên việc cho rằng khẩu hiệu “Tiên học lễ” sẽ đào tạo ra những người chỉ biết thừa hành, không biết sáng tạo, không biết phản biện là sự “lo xa” hoàn toàn thiếu căn cứ, bởi chúng ta đã đoạn tuyệt với chế độ khoa cử “tầm chương trích cú” của Nho học xưa. Hơn nữa, một triết lý giáo dục chỉ được thực hành trong một chế độ giáo dục có hệ tư tưởng tương ứng. Óc phản biện, sự sáng tạo của của học sinh được quyết định bằng phương pháp giáo dục khoa học và tiên tiến mà ngành giáo dục nước ta đang phấn đấu vươn tới. Việc đề xuất bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” vô tình thể hiện sự xem nhẹ truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc, xem nhẹ việc giáo dục đạo đức trong nhà trường nên đã gặp phải sự phản ứng của dư luận là đương nhiên.

Tình trạng bạo lực học đường, học sinh vô lễ với thầy cô hiện nay đang nhức nhối càng cho thấy sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện “tiên học lễ”. Vấn đề đặt ra đối với các nhà trường là, việc treo khẩu hiệu phải đi đôi với giải thích cặn kẽ ý nghĩa, thường xuyên nhắc nhở học sinh rèn luyện theo tinh thần của khẩu hiệu. Đồng thời “tiên học lễ” cũng đặt ra với cả phụ huynh học sinh, vì nơi đầu tiên trẻ “học” chính là gia đình.

Dương Thế Hoàn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.