Multimedia Đọc Báo in

Trên xa lộ thông tin - Ai bạn, ai thù?

09:35, 28/06/2022

Mấy năm trước, tôi từng bình luận bài viết của một người bạn đăng trên Facebook, và bất ngờ nhận được tới hơn 1.400 lượt like (thích) cho riêng câu bình luận ngắn gọn ấy.

Đó là câu tôi phản bác đám đông đang đổ xô “ném đá” một sự việc mà họ chỉ căn cứ vào một vài bức ảnh để “kết tội”. Chứng tỏ mạng xã hội cũng có nhiều người còn tỉnh táo, biết nhận thức đúng sai, không sa vào tâm lý “bầy đàn”. Nhưng còn hàng nghìn những tài khoản Facebook khác đã chia sẻ, phát tán cách nhìn sai trái, lệch lạc trong câu chuyện trên, cùng hàng trăm nghìn câu bình luận xấu độc trong thời gian khá dài, thì sao? Ai ngăn cản nổi? Sự độc hại đã ngấm đến đâu?

Bà Nguyễn Thị Phương Hằng là một đại gia, có hàng triệu fan (người hâm mộ) nhưng cuối cùng cũng không thể đứng trên pháp luật. Về phương diện nào đó, có thể nói bà Phương Hằng với những lần livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội thời điểm đầu đã góp phần “lật mặt”, phơi bày mặt trái của không ít nhân vật vốn từ lâu khuynh loát truyền thông và dư luận, giúp cơ quan pháp luật cũng như dư luận xã hội nhận rõ chân tướng việc làm sai trái của những nhân vật này. Nhưng ngược lại, đa phần những điều bà ta tung lên mạng xã hội với tần suất dày đặc trong suốt một thời gian dài, đều là những thông tin sai trái, lệch lạc… 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Rõ ràng, “mạng xã hội” là một căn bệnh khi mặt trái của nó là những thứ tin giả, tin cắt ghép có dụng ý xấu, độc hại, và vô vàn những tin tức, hình ảnh, video clip được phát tán một cách “tự nhiên chủ nghĩa” đầy bạo lực, máu me, chết chóc…

Những thứ tin tức giật gân, câu khách, đen tối, giả tạo trên xa lộ thông tin, từ phim ảnh tới mạng xã hội và không ít báo chí dựa trên nền tảng F.E.A.R – False Evidence Appearing Real (bằng chứng giả nhưng trông giống thật), có thể hiểu theo nghĩa đen trong tiếng Anh là “Nỗi sợ” (fear). Nỗi sợ đã đi cùng con người từ thuở còn ăn lông ở lỗ, tạo cho họ thứ bản năng luôn hướng về những thứ đáng sợ, chết chóc để đề phòng. Qua hàng vạn năm tiến hóa, không ngờ thứ bản năng kỳ lạ ấy vẫn đeo đuổi con người. Điều này đã trở thành cơ hội làm giàu béo bở của các kênh truyền thông, thông qua việc đánh vào nỗi lo âu của khán giả và biến họ thành con tin trong chính thứ gọi là “sự thật”.

Loại tin tức này dựa vào nỗi sợ nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của khán giả bằng như hình ảnh và thông tin càng giật gân và kinh dị càng tốt, sau đó thuyết phục người xem rằng những thông tin cần thiết về tin tức đó sẽ nằm trong bản tin ngày hôm sau. Vậy là khán giả sẽ có xu hướng theo dõi tin tức đó đến cùng để cảm thấy… “an toàn”! Tin tức dựa trên nỗi sợ đã trở thành nền tảng của truyền thông đại chúng, và hậu quả của xu hướng này là con người ta sẽ cảm thấy bất an về tình hình xã hội, tin rằng tỷ lệ tội phạm ngày càng tăng cao và sống trong nỗi sợ rằng mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo…

Ở cấp độ cao hơn, loài người hiện đang trở thành “con tin” của một hình thái mới của chủ nghĩa tư bản, đó là “chủ nghĩa tư bản giám sát”. Shoshana Zuboff - GS. Đại học Harvard (Mỹ) – người đầu tiên đưa ra khái niệm này vào năm 2014, đã đúc kết ngắn gọn: “Có một thời chúng ta tìm kiếm Google, giờ thì Google tìm kiếm chúng ta. Có một thời chúng ta nghĩ những gì các nền tảng số cung cấp là miễn phí, giờ thì các nền tảng số xem chúng ta là món hàng miễn phí”. Với tư bản giám sát, tư liệu sản xuất chính là nguồn thông tin kinh nghiệm, hành vi và thông tin nhân thân của con người. Nên có thể hiểu vì sao thông tin cá nhân của mỗi người lại được “bán mua” sôi động như vậy. Nhu cầu, sở thích, thói quen, mức độ quan tâm, và cả những thông tin cá nhân đều được thu giữ và khai thác tận cùng. Sẽ không chỉ bị “bóc lột” túi tiền một cách khôn ngoan và đều đặn, chủ nghĩa tư bản giám sát còn sẵn sàng phớt lờ các chuẩn mực xã hội và vô hiệu hóa các quyền cơ bản đi kèm với quyền tự chủ cá nhân.

Ở một cấp độ quan trọng khác, xa lộ thông tin hiện nay đang trở thành “chiến trường” của những cuộc chiến tranh phi quy ước đáng sợ, có thể khiến những quốc gia, những tập đoàn lớn đổ gục, phá sản mà nhiều khi không phải vì đạn bom hay lý do kinh tế. Vũ khí hủy diệt ở đây chính là mọi thứ tin tức giả mạo, cắt ghép, nhồi nhét ý đồ triệt hạ nhau. Đơn cử như xung đột giữa Nga và Ukraine, đang diễn ra cuộc chiến truyền thông khổng lồ mà nếu thiếu sự tỉnh táo cần thiết, chính mỗi chúng ta cũng trở thành những “con tin” lúc nào không biết. 

Sơn Tùng M-TP, thần tượng ca nhạc của giới trẻ vừa mới đây đã bị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xử phạt 70 triệu đồng và buộc phải thiêu hủy MV (video âm nhạc) “There’s no one at all” vì nội dung, hình ảnh tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.

Sản phẩm âm nhạc “gây sốt” ấy chỉ trong mấy tiếng sau khi phát hành trên nền tảng YouTube đã có tới gần 4 triệu lượt xem, kể về nỗi bế tắc của một chàng trai trẻ, để kết thúc bằng cảnh lao đầu xuống từ tầng cao. Đáng nói là sản phẩm âm nhạc ấy xuất hiện khi giữa đời thực vừa xảy ra không ít vụ nhảy lầu tự tử của những cô cậu học trò. Sự vô lý, quẫn bách của đời sống là có thực, nhưng chàng nghệ sĩ trẻ Sơn Tùng với tác phẩm của mình đã chưa đủ sức diễn tả thấu đạt, sâu sắc và nhân văn hơn những điều cần thiết nhất. Đó là sự vượt lên bi kịch và cái chết. Ngược lại, MV này dù vô tình hay cố ý có thể nói đã lại càng kích hoạt thêm nhiều cái chết bi quan như vậy.

Trên xa lộ thông tin – Ai bạn, ai thù? Câu trả lời hẳn mỗi người đã tự tìm được cho mình.

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.