Chữ và nghĩa
Nhiều người cho rằng, hiện nay cách dùng từ, lối hành văn tùy tiện, cẩu thả, chấm, phẩy, mở, đóng ngoặc lung tung rất phổ biến, kể cả trong các loại giấy tờ, văn bản. Quả thật, hằng ngày không khó thấy cách dùng từ ngữ sai nghĩa, làm mất nghĩa nguyên gốc, thậm chí méo mó tiếng Việt.
Ví như hai từ “khốn nạn” vốn có ý nghĩa là khó khăn, bi đát thì nay chủ yếu lại dùng để chỉ những kẻ hèn mạt, vô nhân cách, đáng khinh bỉ.
Từ kép “sự cố” cũng được sử dụng một cách vô lý: “Xin lỗi! Tôi bị sự cố nên đến trễ”.
Sự cố là vụ việc đã xưa cũ thì tại sao việc vừa mới xảy ra lại cho là chuyện xưa? Từ “thương hiệu” lại đang được dùng quá rộng rãi.
Gần đây, trên mạng xã hội giới trẻ sử dụng cụm từ "một chiếc cây" thay vì "một cái cây" - Đây là sự lệch chuẩn ngôn ngữ giao tiếp. |
“Thương hiệu” được hiểu một cách ngắn gọn nhất là để chỉ một cái tên gắn với một sản phẩm hàng hóa hoặc một nhà sản xuất nào đó, song không ít trường hợp lại dùng chỉ cho một cá nhân, tổ chức chính trị, xã hội có nhiều thành tích trong công tác mà không liên quan gì đến hàng hóa cả!
Từ “bao biện” có ý là làm cả những việc lẽ ra phải để cho người khác làm thì lại dùng để nói lý lẽ bảo vệ cái sai trái. Câu thành ngữ “té nước theo mưa” tồn tại bao đời nay rõ ràng như thế mà lại viết “tát nước theo mưa” (!). Cụm từ “té nước theo mưa” là chỉ những kẻ có hành vi lợi dụng cơ hội, hoàn cảnh nào đó để thực hiện ý chí của mình, vừa đạt được mục tiêu lại vừa che giấu hành vi, khó bị phát hiện việc làm không tốt. Hai chữ “té nước” là động tác tung nước lên thành những giọt nhỏ, giống như những hạt mưa, sự trà trộn này khó phân biệt được đâu là nước mưa, đâu là nước té. Còn “tát nước” là múc chỗ này đổ sang chỗ khác kia mà!
Lại có người viết cụm từ “tối ưu nhất” với hàm ý không còn cách nào hơn. Từ “tối” là hơn hết, là nhất rồi thì thêm chữ “nhất” làm gì cho thừa ra? Một bản tin thông báo: “Đêm nay bão sẽ đổ bộ vào thành phố”. Hai từ “đổ bộ” ở đây được hiểu là dưới mặt đất còn trên không trung thì sao, chắc không có bão? Đúng ra chỉ cần dùng từ “đổ” là đủ rồi. Hay một vụ việc gì đó xảy ra thường được viết “nguyên nhân là do”, hai chữ “nguyên nhân” đã đề cập đến khởi đầu sự việc rồi thì cần gì đến chữ “do” nữa nhỉ?
Và còn rất nhiều các loại giấy tờ, văn bản… dùng từ lệch chuẩn song vẫn rất phổ biến. Cụm từ “phụ huynh học sinh” đang được dùng phổ biến mà không nhiều người biết rằng có tính chất phân biệt đối xử của xã hội phong kiến, gia trưởng, vứt bỏ vai trò to lớn của người mẹ, chỉ đề cập đến tính chất quan trọng của người cha, người anh (phụ, huynh), mặc dù tại Điều 96, Luật Giáo dục không dùng cụm từ này mà thay bằng “cha mẹ học sinh”…
Viết và nói đều cùng hình thức trao đổi, truyền đạt thông tin nhưng đặc biệt đối với viết càng phải cần đến sự chuẩn xác, bởi chữ bao giờ cũng gắn liền với nghĩa. Nếu đánh mất yếu tố này sẽ tai hại vô cùng. Để tiếng Việt giảm dần lệch lạc, không ai khác hơn ngoài sự giáo dục ở các cấp nhà trường mà khâu đầu tiên là các thầy cô phụ trách bộ môn phải thật sự am hiểu sâu rộng nghĩa của tiếng Việt.
Tiếng Việt và nghĩa của tiếng Việt là ngôn ngữ của quốc gia, là di sản văn hóa thiêng liêng, do đó việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là góp phần bảo tồn hồn cốt văn hóa dân tộc.
Thái Mỹ
Ý kiến bạn đọc