Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng không thể xem là áp dụng!

08:36, 22/07/2024

Gần đây, khi đề cập một số hoạt động truyền thông công nghệ, cộng đồng mạng xã hội có nhầm lẫn trong sử dụng từ ngữ mô tả việc triển khai số hóa với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), gọi “ứng dụng AI” và “áp dụng AI” giống nhau. Điều này cần được nhìn nhận lại để tránh nhầm lẫn về ngữ nghĩa từ tiếng Việt.

Theo từ điển tiếng Việt, nghĩa “ứng dụng” và “áp dụng” có thể được hiểu gần giống nhau. Định nghĩa theo từ điển, “áp dụng”: là đem điều đã nhận thức được dùng trong thực tế; “ứng dụng”: là đem lý thuyết dùng vào thực tiễn.

Để làm rõ ý nghĩa hai từ này, có thể đối chiếu nghĩa từ Hán Việt. Trong Hán tự, chữ "áp" được tạo bởi bộ thổ (đất) hàm nghĩa, và chữ yếm làm âm đọc, có nghĩa là bị đè, bị nén xuống, ghim chặt vào; chữ "ứng" được tạo bởi bộ tâm (trái tim) để hàm nghĩa và chữ ưng (loài chim lớn) làm âm đọc.

Như thế, sự khác biệt của hai chữ này rất rõ ràng. Chữ "áp" thể hiện sự ấn định, bắt buộc, bởi bộ thổ luôn có nghĩa là khô cứng, khuôn phép; còn chữ "ứng" lại có bộ tâm, hiển thị sự thấu hiểu, nắm bắt, biến cải hợp lý.

Với cách hiểu này, áp dụng là cứ tuân thủ cái đã có sẵn để triển khai, tuân theo khuôn mẫu, sản phẩm, hình thái đã có làm chuẩn mực mà tiến hành, qua đó tiếp tục nhân đôi, nhân rộng những sản phẩm, hình thái ấy. Còn ứng dụng, sẽ đòi hỏi người thực hiện phải có sự hiểu biết, nắm rõ vấn đề, nội dung của sản phẩm, hình thái, để vận dụng hợp lý vào hoạt động nào đó, qua đó có thể sáng tạo, cải tiến thêm, hoàn thiện hơn sản phẩm, hình thái đã có.

Với nghĩa từ khác nhau như vậy, khi sử dụng hai từ này vào công nghệ số, dùng các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra sản phẩm, thành quả mới, nội dung truyền thông sẽ cần biểu hiện khác nhau.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, chuyên gia tư vấn và ứng dụng công nghệ số tại TP. Hồ Chí Minh, người dùng cũng như giới truyền thông không thể đánh đồng tương đương hai khái niệm này, sẽ gây nhầm lẫn tai hại về hiệu quả triển khai số hóa trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Ông Phúc chỉ rõ: “áp dụng AI và sử dụng AI có ý nghĩa giống nhau, là cá nhân hay tổ chức sử dụng các sản phẩm AI (như Chatbot AI...) để tạo những sản phẩm AI như văn bản, hình ảnh, nhạc, video… Còn ứng dụng AI, sẽ là các cá nhân, tổ chức đưa công cụ AI vào trong quy trình thực hiện một công việc cụ thể, một hệ sinh thái cụ thể. Công cụ AI ở đây sẽ đóng vai trò là một phần trong chuỗi công việc của cá nhân hoặc doanh nghiệp đó, kết quả có thể làm ra chính ứng dụng AI, dùng để làm ra các sản phẩm từ AI”.

Với phân biệt như vậy, việc dùng "áp dụng" và "ứng dụng" công cụ AI vào thực tiễn, vì thế không thể dùng thay thế nhau được.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc