Multimedia Đọc Báo in

Thực hành ứng xử phù hợp với văn hóa truyền thống

06:01, 29/09/2024

Nhiều người băn khoăn rằng, mạng xã hội hiện nay liệu có thiên lệch và đối chọi với các giá trị văn hóa truyền thống không, khi mà rất nhiều hiện tượng tiêu cực liên tục xảy ra với cộng đồng “cư dân mạng”, tác động xấu đến nhận thức xã hội và tâm lý đạo đức.

Ông Nguyễn Văn Thế, nguyên Chủ tịch Hội Văn học dân gian Thừa Thiên - Huế nhìn nhận, nhiều người trẻ hôm nay có một bất cập lớn là “lười” tìm hiểu văn hóa truyền thống, để rồi qua lăng kính trực tuyến, thông tin mạng xã hội, tiếp cận những thông tin tiêu cực và phiến diện dẫn đến hiểu sai những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông.

Nhiều bạn làm bất cứ việc gì cũng “tra trên mạng”, nếu không được sẽ lập tức tự nhận là “không biết”; cứ thế, từ lời lẽ giao tiếp, đối thoại, cho đến chấp hành, thực hiện một nghi lễ nào đó, các bạn đều hạn chế và từ chối.

Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột kết hợp với Viện nghiên cứu  Phát triển Nguồn lực Việt - IRDM đã tổ chức đào tạo Kỹ năng mềm “ Ngôn ngữ và tư duy tích cực” cho sinh viên Trường.
Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột kết hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Nguồn lực Việt - IRDM tổ chức đào tạo Kỹ năng mềm "Ngôn ngữ và tư duy tích cực” cho sinh viên, trong đó có kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Ảnh: Nguyên Thảo 

Bên cạnh đó, cũng tồn tại một xu thế trái ngược: nhất mực tin tưởng và tuân thủ một quy ước, luật lệ nào đó (mà phần lớn là biến tướng từ suy nghĩ cá nhân hoặc nhóm cộng đồng nào đó thành trào lưu). “Đu trend” là biểu hiện phổ biến của nhiều bạn trẻ, đến mức dù không hiểu, không tìm hiểu vấn đề, các bạn cũng thực hành. Điều này đã gây không ít hệ lụy cho các bạn trẻ trong cuộc sống hằng ngày.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế), từng có nhiều năm làm việc với phong trào thanh thiếu niên nhìn nhận rằng, những trào lưu xã hội, thói quen giao tiếp bỗ bã, cạn cợt của các bạn trẻ đều liên quan đến việc thiếu sự rèn giũa định hướng trong giao tiếp, lễ nghi hành xử gia đình từ tấm bé.

Khi mẹ cha đứa trẻ không quan tâm uốn nắn con nhỏ biết phân biệt “chào” và “thưa”, biết khoanh tay cúi đầu lễ phép và biết cách phản ứng lễ độ, chắc chắn đứa trẻ đó sẽ dần có mực thước trong các hành vi, và tiến đến một thái độ sẵn sàng giúp đỡ người khác, chứ không chỉ nói “không biết” rồi quay đi.

Lớn hơn, đứa trẻ sẽ học nói lời xin phép khi vào ra nơi nào đó, biết kính trên nhường dưới, biết giúp người yếu thế, xóa đi tính ích kỷ bản thân, biết thật tâm chia sẻ thương yêu người khác, chứ không phải dựa vào “đu trend”…

Từ những cung cách làm việc, giao tiếp mỗi ngày, đến đảm nhận trọng trách, vị trí công tác nào đó, người công dân sẽ tự biết quyền lợi, nghĩa vụ trách nhiệm của mình đến đâu, bảo vệ những điều mà văn hóa truyền thống luôn đề cao, qua đó có lựa chọn phân minh việc nên làm hay không nên làm, dám chấp nhận hay phủ định vấn đề nào đó.

Ông Nguyễn Văn Thế chia sẻ, đề cao giáo dục, thực hành ứng xử đúng với văn hóa truyền thống sẽ giúp điều chỉnh hiện tượng hành vi xã hội hôm nay, tránh những sai lầm, hệ lụy đáng tiếc. Những giá trị thật từ văn hóa truyền thống như đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần “tương thân tương ái”, những tiêu chí “cần , kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”… cần được biểu đạt và tôn vinh, chú trọng trong giáo dục đạo đức, kỹ năng sống của giới trẻ hôm nay.

Bởi vậy, để giới trẻ có cách ứng xử phù hợp văn hóa truyền thống, trước hết phải giúp các bạn tiếp cận, hiểu rõ các tiêu chí, giá trị văn hóa truyền thống, qua các phần việc cụ thể mỗi ngày. Chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực trong hành xử xã hội, cần phải tái tạo những thói quen, quy tắc văn hóa truyền thống, từ giao tiếp ngày thường đến lễ nghi phong tục.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc