"Muốn con hay chữ..."
Những năm gần đây, tình thầy - nghĩa trò, sự tương kính giữa phụ huynh - giáo viên bỗng trở thành câu chuyện nổi cộm.
Không ít sự việc liên quan đến vấn đề này, nhất là tình trạng tấn công, xúc phạm danh dự nhà giáo xuất hiện ngày càng nhiều đang đặt ra câu hỏi: Có phải những chuẩn mực giá trị đang bị lung lay?
Một tiết học của cô trò Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa |
Nhiều giáo viên tâm tư rằng, họ rất ngại “đụng” đến học sinh. Bởi dù chỉ là một câu nhắc nhở nhẹ thôi cũng có thể khiến họ trở thành đối tượng “tấn công” của phụ huynh. Mới đây, tại một trường THCS trên địa bàn tỉnh, do cậu học sinh viết nhiều môn học vào một quyển vở nên cô giáo đã nhắc nhở. Sau nhiều lần nhắc nhở nhưng tình trạng này không được khắc phục, cô giáo phải tìm hiểu nguyên nhân. Thế nhưng chỉ một vài ngày sau, mẹ của cậu học sinh này đã lên mạng xã hội, cho rằng cô giáo không tôn trọng con mình và dùng những lời lẽ không mấy tốt đẹp “tấn công” cô giáo. Tuy nhiên, bản chất sự việc này là cô giáo muốn biết hoàn cảnh của cậu học sinh để nếu gia đình khó khăn thì cô có phương án hỗ trợ sách vở.
Phản ứng tiêu cực của các bậc phụ huynh hiện nay không hiếm. Nặng thì phụ huynh vào trường mắng nhiếc, chửi bới; nhẹ thì lên mạng xã hội nói bóng nói gió, thậm chí là có những lời lẽ xúc phạm nhân phẩm nhà giáo. Nhiều người cho rằng, đó là hệ quả của việc đổi mới giáo dục và đào tạo chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, còn lúng túng. Liên quan đến đổi mới giáo dục, gần đây người ta nhắc nhiều đến “giáo dục khai phóng”, lấy học sinh làm trung tâm. Thế nhưng dường như học sinh và nhiều bậc phụ huynh đang nhầm lẫn gì đó về sự “khai phóng”. Sự nhầm lẫn đó khiến cho tình trạng “dân chủ quá trớn” diễn ra phổ biến, ngày càng nghiêm trọng, làm mất đi giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc. Đáng tiếc là những phản ứng thái quá của phụ huynh đã vô tình khiến con trẻ tiếp nhận ảnh hưởng tiêu cực của những giá trị lệch chuẩn.
Vai trò của năm chủ thể then chốt trong giáo dục là nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học. Chỉ khi mỗi chủ thể giáo dục hiểu rõ và làm tốt vai trò của mình, đồng thời biết tôn trọng vai trò của các chủ thể khác thì khi đó việc giáo dục đúng nghĩa mới thực sự diễn ra. Đặc biệt, trong số năm chủ thể ấy, mối quan hệ nhà giáo – gia đình – người học gần như mang ý nghĩa quyết định đến kết quả giáo dục. Người thầy không thể nào dạy dỗ học sinh nếu mất “uy”, nhưng cái uy và sự tôn kính đối với nhà giáo vô hình trung trong nhiều trường hợp đã bị chính phụ huynh làm cho méo mó, mờ nhạt. Hậu quả cuối cùng sẽ do con trẻ gánh lấy: không tin thầy, không nghe thầy, không phục thầy. Như vậy giáo dục đã thất bại!
Cha ông ta thường nói: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ hãy yêu lấy thầy”, câu ca dao ngàn đời vẹn nguyên giá trị nhắn nhủ thái độ tương kính, tri ân đối với đội ngũ nhà giáo. “Hãy yêu lấy thầy” trong bối cảnh hiện nay không phải là điều gì đó to tát, chỉ là hãy trả lại đúng giá trị cốt lõi của người thầy, họ xứng đáng được yêu quý và kính trọng. Mỗi bậc cha mẹ học sinh phải ứng xử làm sao hướng con trẻ đến việc tự tin, tự chủ, tự lực, tích cực thể hiện và khẳng định bản thân trong học tập, nhưng vẫn phải giữ lễ nghĩa, kính trọng thầy cô. Các giá trị tự do, bình đẳng và sự kính trọng, lễ phép, thầy ra thầy, trò ra trò không hề mâu thuẫn với nhau.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc