Cần hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn “đất nước là quê hương”
Những ngày qua, trong khi cả nước khẩn trương thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính các cấp thì xuất hiện những tiếng nói kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên các trang mạng xã hội xuất hiện hiện tượng một số người dân ở các địa phương “đấu khẩu” gay gắt, thậm chí chê bai, hạ thấp địa phương khác, nâng tỉnh mình lên đẳng cấp vượt trội. Các cuộc tranh cãi không hồi kết này dẫn đến những phát ngôn vi phạm pháp luật của các thanh thiếu niên, thậm chí cả một số cán bộ, công chức.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Trung ương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Một số cá nhân vi phạm đã bị xử lý kịp thời. Điển hình như vào ngày 8/3/2025, ông T.D.T. (34 tuổi, cán bộ Sở Tài chính Hà Tĩnh) đã bị Công an tỉnh Hà Tĩnh xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng do có bình luận với nội dung khiếm nhã, phân biệt địa phương trên mạng xã hội Tik Tok. Ông T.D.T. đã gọi người dân một tỉnh lân cận là "dân hạng 2" gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Hay vào ngày 31/3/2025, Công an tỉnh Quảng Trị đã xử phạt hành chính đối với ông L.T.H. (44 tuổi, thường trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh) vì có bình luận xuyên tạc, sai lệch, phân biệt vùng miền giữa hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.
Sáp nhập đơn vị hành chính các cấp là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước lâu dài, phù hợp với xu thế phát triển.
Sáp nhập để tạo động lực, tạo dư địa và tăng cường nguồn lực phát triển. Khi hai hay ba tỉnh được hợp nhất, nguồn ngân sách địa phương có thể được phân bổ hiệu quả hơn, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý, từ đó có điều kiện tập trung đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng, y tế, giáo dục và các ngành kinh tế mũi nhọn. Một tỉnh lớn hơn đồng nghĩa với việc có thể tinh gọn bộ máy, giảm chi phí vận hành hành chính và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu trong Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành khóa XIII sáng 16/4: “Phải vượt lên chính mình, hy sinh lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung của đất nước. Vượt qua những khó khăn, lo lắng, tâm lý, thói quen bình thường, vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn “đất nước là quê hương””.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam... Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Cũng như nước Pháp có vùng Noócmăngđi, Prôvăngxơ, Bôxơ. Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển”.
Từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đó được tạo dựng nên bởi một dân tộc đoàn kết, một đất nước thống nhất chứ không phải của riêng một bộ phận đơn lẻ nào.
Vì vậy, cần phải mạnh mẽ lên án và xử lý nghiêm những hành vi cố tình chia rẽ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ mà các thế hệ đi trước đã phải hy sinh xương máu mới giành được, giữ được.
Mọi người dân cần thận trọng trước các thông tin không rõ nguồn; không chia sẻ, lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những nội dung kỳ thị, phân biệt vùng miền liên quan đến sáp nhập tỉnh, thay đổi đơn vị hành chính. Việc phát tán thông tin sai lệch không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành động tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc