Multimedia Đọc Báo in

Đừng để danh tiếng đô thị chỉ còn… “vang bóng”

08:23, 12/05/2025

Dòng tin nhắn bạn gửi “thấy sống mũi cay cay khi thành phố di sản Hội An dự kiến chỉ còn được đặt tên là một phường” cũng làm tôi thấy mắt mình ngân ngấn khi nghĩ về Buôn Ma Thuột có bề dày lịch sử trăm năm với cồng chiêng, với cà phê...

Chủ trương sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp mà Đảng và Nhà nước đang triển khai nhằm hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Việc sáp nhập có thể giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm bớt sự chồng chéo trong quản lý, tạo điều kiện cho sự phát triển. Nhưng đối với những đô thị đã hình thành và phát triển hàng trăm năm, mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc cũng đặt ra nhiều trăn trở.

Ngã Sáu Ban Mê. Ảnh: Hoàng Gia
Ngã Sáu Ban Mê. Ảnh: Hoàng Gia

Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của một vùng, nơi lưu giữ bao dấu ấn của thời gian, từ những công trình kiến trúc, lễ hội truyền thống đến nếp sống, phong tục tập quán đặc trưng của người dân, khi cấp huyện không còn, liệu những "danh tiếng trăm năm" này có bị phai nhạt trong một cấu trúc hành chính mới? Bản sắc riêng của từng địa phương, tầm vóc của danh tiếng đô thị với những di sản văn hóa, lịch sử liệu có được quan tâm gìn giữ, phát triển đúng mức, xứng tầm… Cho nên khi những thành phố với cái tên quen thuộc như: Hoa Lư, Phủ Lý, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Sa Đéc, Long Xuyên… dự kiến trở thành “phường” khiến bao người tiếc nuối.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06). Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên mang tầm nhìn chiến lược, thể hiện sự quan tâm của Ðảng đối với công tác quy hoạch, phát triển đô thị trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa; là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, mục tiêu tổng quát đặt ra từ Nghị quyết 06 là đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Khi thay đổi cấp hành chính, liệu những giá trị, không gian phát triển cũng như mục tiêu nâng tầm đô thị mà Nghị quyết 06 đã đặt ra có bị ảnh hưởng?

Cho nên, có ý kiến cho rằng, đối với những đô thị có lịch sử lâu đời, danh tiếng đã được định vị trong lòng người dân và du khách... thì nên chăng giữ nguyên chính quyền thành phố hiện có, bỏ chính quyền cấp phường. Có nghĩa là đưa thành phố về cấp cơ sở để bảo đảm được không gian phát triển mà chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp của Đảng vẫn được triển khai hiệu quả.

Trong lịch sử cải cách hành chính ở các quốc gia phát triển, dù tiến hành tái cấu trúc quy mô lớn, các nước đều duy trì và thậm chí tăng cường vai trò của chính quyền thành phố như một thiết chế không thể thiếu trong quản trị đô thị hiện đại. Đây cũng là ý kiến rất đáng tham khảo để những quyết sách khi được thực thi bảo đảm tính toàn diện, thực sự là động lực thúc đẩy đô thị không ngừng khẳng định danh tiếng, lan tỏa giá trị quốc gia, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Ngọt ngào câu ví, giặm
Với người dân xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh), dù xa quê hương lập nghiệp nơi miền đất mới nhưng họ vẫn không thể quên được làn điệu dân ca ví, giặm. Bởi đó chính là "máu thịt" gắn bó với đời sống của mỗi người, chất chứa tình cảm, cốt cách tâm hồn người xứ Nghệ…