Multimedia Đọc Báo in

Tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại Ea Súp

17:21, 21/05/2024

Ngày 21/5, Đoàn giám sát số 22 của Thường trực HĐND tỉnh do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng làm Trưởng đoàn đã giám sát việc sử dụng kinh phí quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng giai đoạn 2021 – 2023 trên địa bàn huyện Ea Súp.

Huyện Ea Súp hiện có hơn 147.511 ha đất có rừng và đất quy hoạch phát triển rừng; tỷ lệ độ che phủ rừng là 41%. Cụ thể: Diện tích đã giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, khoanh nuôi bảo vệ rừng trên 94.642 ha; diện tích do lực lượng vũ trang quản lý bảo vệ trên 26.217 ha; diện tích giao cho UBND xã, thị trấn quản lý trên 26.428 ha.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Ea Súp.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

Trên địa bàn huyện Ea Súp hiện nay có 4 đơn vị chủ rừng được UBND tỉnh hỗ trợ nguồn kinh phí từ chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững là Công ty TNHH chế biến thực phẩm lâm nghiệp Đắk Lắk; Công ty TNHH cao su và lâm nghiệp Phước Hòa Đắk Lắk; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng; Dự án Làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp.

Theo số liệu báo cáo từ hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Cao su và lâm nghiệp Phước Hòa Đắk Lắk; Công ty TNHH Chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk), trong giai đoạn 2021 – 2023, tổng vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho hai doanh nghiệp trên 24 tỷ đồng; kinh phí của doanh nghiệp gần 26 tỷ đồng để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, phòng cháy chữa cháy rừng.

Thành viên của Đoàn giám sát phát biểu ý kiến tại buổi làm việc với UBND huyện.
Ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với chủ rừng là UBND các xã, thị trấn, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Quyết định số 07/QĐ-TTg, ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng gần 3 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 99,42%.

Theo UBND huyện Ea Súp, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện gặp rất nhiều khó khăn khi diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng rất lớn (chiếm 82,83% diện tích tự nhiên) nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội mang lại cho huyện từ các dự án có liên quan về rừng không đáng kể. Bên cạnh đó, dân di cư tự phát vào địa bàn huyện với số lượng lớn kéo theo nhu cầu về đất ở, đất sản xuất, dẫn đến tình trạng phá rừng, xâm chiếm đất lâm nghiệp làm nương rẫy, tranh chấp, sang nhượng đất lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Trong khi, diện tích rừng giao cho UBND cấp xã là quá lớn, cán bộ, lực lượng tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng mỏng, kinh phí được bố trí theo quy định của nhà nước là 100.000 đồng/ha/năm là quá thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế của đơn vị, do đó, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng giải trình các vấn đề của Đoàn giám sát nêu ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Ngô Văn Thắng giải trình một số nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Ea Súp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm trên lâm phần các công ty lâm nghiệp diễn ra phức tạp. Tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn cao... Do đó, huyện cần chủ động đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, trong đó có việc đề xuất các chính sách liên quan.

Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế tại các tiểu khu do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý.
Đoàn giám sát đi kiểm tra thực tế tại các tiểu khu do Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk quản lý.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Phú Hùng đề nghị huyện cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã, chủ rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường biện pháp bảo vệ rừng, chú trọng đến giải pháp khoanh nuôi tái sinh rừng nhằm khôi phục rừng tự nhiên đã bị suy giảm trong những năm qua; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Minh Thuận

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.