Chống "giặc COVID-19", sức mạnh của lòng dân (Kỳ 1)
Cuộc chiến với vi rút SARS-CoV-2 vô hình đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt, nhất quán và vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Việc phát huy sức mạnh toàn dân sẽ tạo thành những “pháo đài” vững chãi bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Kỳ 1: Mỗi người dân là một chiến sĩ
Tinh thần quyết tâm chống dịch được mỗi người dân cụ thể hóa một cách phù hợp, hiệu quả theo diễn biến tình hình dịch COVID-19. Trên từng mặt trận, mỗi người dân là một chiến sĩ, gắn kết, đồng lòng tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp chống lại “giặc COVID-19”.
Già, trẻ đều “xông trận”
Trưởng thành từ phong trào Đoàn và phụ trách công tác Đoàn tại Trường THPT Buôn Ma Thuột nhiều năm nên dù đã nghỉ hưu, ông Hoàng Tuấn (tổ dân phố 7, phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn tích cực với hoạt động xã hội.
Là Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường và thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ thiện nguyện phường Thống Nhất, từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đến nay không ngày nào ông Tuấn ở nhà mà thường túc trực tại trụ sở ủy ban, cùng các tình nguyện viên sắp xếp hậu cần phục vụ các phiên “Siêu thị 0 đồng”, “Tủ bánh 0 đồng” của phường và Bếp cơm chay miễn phí tại Chùa Hòa Lạc, tham gia vận chuyển kịp thời đến những nơi cần.
Những chuyến đi vào khu vực phong tỏa, đến gia đình có F1 dày hơn đồng nghĩa với nhiều nguy cơ hơn nhưng ông luôn tự nhủ: “Đánh “giặc” luôn có rủi ro nhưng không vì thế mà chùn bước, cẩn thận và tuân thủ 5K thì mình sẽ an toàn, người dân cũng an toàn”.
Thanh niên tình nguyện xã Cư Né (huyện Krông Búk) dùng xe cày vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ các hộ dân trong khu vực phong tỏa ở buôn Drao. |
Gần 1 tháng nay, ngày nào hai chàng trai Y Kôi Kpă (SN 1996) và Y Đăp Niê (SN 1995) ở buôn Drao - một trong những điểm nóng dịch bệnh ở xã Cư Né, huyện Krông Búk - cũng khoác lên mình bộ đồ bảo hộ phòng, chống dịch để tham gia giúp đỡ bà con buôn làng.
Y Kôi tâm tình: “Dịch bệnh ai chả sợ, nhất là xung quanh có đến hàng trăm ca đã bị lây nhiễm nhưng mình trẻ, khỏe thế mà rút lui thì những công việc này ai sẽ làm".
Với chiếc xe cày của gia đình Y Kôi, bất kể ngày nắng hay mưa, hai bạn trẻ vẫn rong ruổi khắp buôn làng để cắt cỏ, chặt lá chở đến tận nhà những hộ F0, F1, giúp họ chăm sóc gia súc. Không những thế, hai bạn còn trở thành những “shipper” đa năng, nào là gom đơn, mua hộ, giao hàng tận nhà, nào là chở quà, lương thực, nhu yếu phẩm trao tận tay người dân, rồi cả chở lúa đi xay.
Tất bật cả ngày trong bộ đồ bảo hộ kín mít nhưng được góp sức giúp buôn làng “khỏe” lại, các bạn không một lời ca thán.
Vững tâm trong "điểm nóng"
Khi đồng hồ đã điểm sang ngày mới, các bệnh nhân đều ngủ ngon, hồ sơ sổ sách được hoàn thiện mới là lúc bác sĩ Chuyên khoa 2 H’Nuen Hđơk, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiêm Phó Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh kết thúc một ngày làm việc. Đã hàng tháng rồi chị cùng nhiều đồng nghiệp chưa được về nhà. Nỗi nhớ gia đình cứ dày thêm, chị chỉ biết mở điện thoại ngắm hình ảnh các con một lúc, rồi tranh thủ nghỉ ngơi để có sức tiếp tục chiến đấu.
Ông Hoàng Tuấn (bìa phải) cùng các tình nguyện viên chuẩn bị cho "Siêu thị 0 đồng" của phường Thống Nhất. |
Ai hỏi chúng tôi có mệt không, chắc chắn là có chứ, nhưng chỉ cần bệnh nhân không trở nặng, không phải chuyển tuyến điều trị thì mọi áp lực, mỏi mệt đều tiêu tan. Đã vào đến đây thì bệnh nhân chỉ còn chúng tôi là điểm tựa nên mọi người đều nỗ lực hết mình cứu chữa, chăm sóc họ. Bệnh nhân khỏe, dịch bệnh bị đẩy lùi, chúng tôi cũng sẽ nhanh được về với gia đình”. Bác sĩ Chuyên khoa 2 H’Nuen Hđơk, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiêm Phó Trưởng khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh
|
Số bệnh nhân COVID-19 của tỉnh ngày càng tăng, công việc tại Bệnh viện dã chiến số 1 ngày càng nhiều nên các y, bác sĩ, nhân viên y tế ở đây đều phải làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường. Các bệnh nhân không được có người nhà theo cùng, hoặc người nhà cũng nhiễm bệnh, nên thường có chung tâm trạng hoang mang, lo lắng. Do đó, mỗi bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện không chỉ đơn thuần làm công việc điều trị mà còn trở thành người nhà, an ủi, động viên bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
"Tác chiến" tại bệnh viện từ những ngày đầu, bác sĩ H'Nuen chứng kiến nhiều trường hợp bệnh trở nặng phải chuyển tuyến điều trị nhưng vẫn không qua khỏi đã ám ảnh tâm trí chị và các y, bác sĩ. Vì vậy, khó khăn, vất vả bao nhiêu họ vẫn luôn tự nhủ lòng cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để bệnh nhân được trở về với gia đình.
Rất lâu rồi Trung úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phùng Văn Chiến, nhân viên Ban Cán bộ (Phòng Chính trị) và Thượng úy QNCN Đoàn Văn Nam, nhân viên lái xe (Phòng Hậu cần), Bộ đội Biên phòng tỉnh chưa thể về thăm gia đình vì nhiệm vụ tại đơn vị. Và khi miền Nam cần chi viện lực lượng tham gia chống dịch, cả hai lại xung phong cùng đồng đội bước vào cuộc chiến không tiếng súng tại những "điểm nóng".
Thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh Bình Dương bắt đầu từ ngày 1-9, các anh đảm nhận việc điều khiển xe bán tải và vận hành, sử dụng hệ thống loa công suất lớn để tuyên truyền phòng dịch trên địa bàn TP. Dĩ An. Di chuyển tại địa bàn “nóng” với số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt mỗi ngày, các anh có mặt tại từng ngóc ngách, ngõ hẻm để tuyên truyền cho người dân những thông tin về tình hình phòng, chống dịch và được người dân chú ý lắng nghe. Sự quan tâm, đón nhận đó đã thể hiện tinh thần chống dịch của mỗi người và là động lực để các anh thêm vững lòng đi giữa muôn vàn thử thách.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Mỗi gia đình, khu phố… là một “pháo đài”
Nguyễn Xuân - Quỳnh Anh - Thúy An
Ý kiến bạn đọc