Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Ngày 9-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19

18:25, 09/11/2021

Ngày 9-11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ý kiến đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch đối với các lĩnh vực.

Toàn cảnh phiên họp tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp tại hội trường Diên Hồng. Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể như: công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản, trong đó bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp, cơ chế đặc thù, phân cấp trong phòng, chống dịch COVID-19; tác động của dịch COVID-19 đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; các giải pháp của Trung ương và địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong công tác đầu tư, mua sắm cho phòng chống dịch và các gói an sinh xã hội; các chế độ, chính sách đối với lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch…

Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024, các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thu ngân sách nhà nước; cơ cấu ngân sách nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19... 

ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại hội trường. Ảnh:quochoi.vn

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Thời gian qua, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đắk Lắk đang là “điểm nóng” về dịch COVID-19. Trước tình hình đó, địa phương đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế, Quân khu 5, và các tỉnh bạn về vắc xin, các trang thiết bị y tế, nhân lực…

Thời gian tới, địa phương mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hỗ trợ; cần có đánh giá một cách đầy đủ về ảnh hưởng, tác động của đại dịch trên các khía cạnh như thể chất, tâm lý, tinh thần, lao động việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận với giáo dục đào tạo và các gói hỗ trợ; quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và có những biện pháp căn cơ hơn để giúp các địa phương về lâu dài.

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung nguồn công suất điện gió, điện mặt trời của tỉnh vào Quy hoạch điện VIII giai đoạn 2021 - 2030; bố trí nguồn vốn tiếp tục thực hiện dự án cấp điện nông thôn, đề nghị không cắt giảm quy hoạch, công suất đối với các loại hình năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; sớm sửa đổi, ban hành các chính sách lâm nghiệp đặc thù cho vùng Tây Nguyên; sớm đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế khu vực biên giới, đồng thời sớm phân bổ kinh phí hoàn thành 13 dự án bố trí dân di cư ngoài kế hoạch đang triển khai thực hiện; sớm đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, nhất là tuyến cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột...

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội trường. Ảnh:quochoi.vn
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt đóng góp ý kiến tại hội trường. Ảnh:quochoi.vn

Nêu ý kiến về các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đề ra cho năm 2022, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) đề nghị trong kế hoạch cần đề cập rõ nhiệm vụ, giải pháp đối với hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp; cần có chính sách tăng mức hỗ trợ quản lý bảo vệ rừng; có các giải pháp hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực đất đai, nhất là vấn đề về quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quản lý, sử dụng đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo, điều hành đồng bộ và quyết liệt hơn về bình đẳng giới, nhất là đối với phụ nữ trong các gói hỗ trợ dành cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới ở nước ta hiện nay…

Ngày mai (10-11), dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ về 2 nhóm vấn đề về y tế và lao động, thương binh và xã hội.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.