Báo chí - “vũ khí tư tưởng” sắc bén của Đảng
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, báo chí ngày càng tham gia tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân, thể hiện rõ nét vai trò “vũ khí tư tưởng” sắc bén của Đảng trong sự nghiệp đổi mới.
Phát huy vai trò “bộ lọc” thông tin
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình; hơn 40.000 người công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí của Đảng, Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong hoạt động và tác nghiệp. Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, góp phần định hướng dư luận xã hội, là diễn đàn tin cậy của nhân dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân.
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Lễ hội đua voi Buôn Đôn. |
Trước tác động của cuộc các mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông diễn ra mạnh mẽ, báo chí không chỉ đóng vai trò phản ánh mà phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt việc quy hoạch, sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí, truyền thông... Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy yêu cầu các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt việc Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, Nhà nước về báo chí, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hỗ trợ, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động báo chí, xuất bản... Các cơ quan báo chí, xuất bản chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phục vụ cho công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng.
Báo chí đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 3 cơ quan báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động gồm: Báo Đắk Lắk; Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk; Tạp chí Chư Yang Sin; 2 cơ quan báo chí thường trú; 13 cơ quan báo chí có văn phòng đại diện; 16 cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú tại tỉnh; 14 cơ quan báo chí đăng ký, phân công phóng viên tác nghiệp thường xuyên tại tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp, chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, định hướng và quản lý hiệu quả hoạt động báo chí trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao giải A cho các tác giả đạt Giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III - năm 2021. Ảnh: Thế Hùng |
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương, báo ngành có cơ quan thường trú, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại Đắk Lắk đã tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ theo quy định. Thông tin trên báo chí đã chủ động, kịp thời, hiệu quả trong tuyên truyền những vấn đề, sự kiện quan trọng của tỉnh, thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nhiều vụ việc báo chí phát hiện, phản ánh được cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền tiếp thu, phản hồi, xử lý khách quan, đúng pháp luật.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Cảnh cho biết, để phát huy hơn nữa vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn. Các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức của người làm báo cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ; đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, mô hình mới, cách làm hay, đổi mới công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. …
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc