Multimedia Đọc Báo in

Đánh thức đại ngàn (kỳ 1)

08:21, 16/08/2022

Đắk Lắk – vùng đất đại ngàn đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng giàu mạnh và trở thành thủ phủ vùng Tây Nguyên. Đó là thành quả của hành trình đem khát vọng khai phá tiềm năng thiên nhiên, kiến tạo phát triển và dựng xây cuộc sống mới của Đảng bộ, chính quyền và nhiều thế hệ người dân tỉnh nhà.

Kỳ 1: Một thời "nằm ngửa thấy… ông Kiên"

Tỉnh Đắk Lắk sau ngày đất nước thống nhất đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn. Dù là nơi có diện tích lớn, đất đai màu mỡ nhưng người dân vẫn chịu cảnh thiếu lương thực. Trước tình thế ngặt nghèo đó, chủ trương dồn sức khai hoang, mở rộng diện tích cây trồng của Đảng bộ tỉnh đã thực sự tạo bước ngoặt để bảo đảm an ninh lương thực cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế sau này.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Triết, huyện Lắk. Ảnh: Vạn Tiếp

Từ một chủ trương lớn

Thời gian đầu sau ngày hòa bình lập lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk tập trung cho nhiệm vụ ổn định chính trị, truy quét lực lượng phản động FULRO. Bên cạnh đó, vấn đề bức thiết nhất là giải quyết nạn đói, bởi khi đó tỉnh thiếu lương thực trầm trọng. Toàn tỉnh lúc này có trên 30.000 người bị đói, đứt bữa cần cứu trợ khẩn cấp. Trong năm 1975, tỉnh đã xuất hàng nghìn tấn gạo, muối và nhu yếu phẩm để cứu đói. Cùng với đó, Tỉnh ủy còn phát động phong trào đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất hoa màu, rau, đậu… để tạo nguồn lương thực, thực phẩm. Từ tháng 3 đến tháng 10/1975, phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm diễn ra sôi nổi ở tất cả các địa phương, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Chí Quyết.

Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy nhớ lại: Sau chiến tranh, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, phương thức canh tác rất thô sơ và lạc hậu; đất đai tuy màu mỡ nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả; trồng lúa chủ yếu là một vụ vào mùa mưa nên không đáp ứng được nhu cầu lương thực mà phải trông chờ vào trợ cấp lương thực từ Trung ương. Thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải sống trong cảnh “gạo chợ nước sông” vì hàng hóa chẳng tự túc sản xuất được gì. Nhưng không thể trông chờ trợ cấp mãi được, tỉnh xác định rõ là phải chủ động trong việc phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Chính vì vậy, Tỉnh ủy chủ trương khai thác nguồn lực đất đai, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ đi đôi với khai hoang, xây dựng cánh đồng để mở rộng diện tích trồng cây lương thực các loại. Các cấp ủy và chính quyền trong tỉnh đã phát động sâu rộng phong trào khai hoang, mở rộng diện tích, phấn đấu đạt bình quân 3 nhân khẩu có thêm 1 ha đất canh tác. “Khi đó, đồng chí Trần Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thể hiện quyết tâm chính trị rất rõ ràng là phải vượt qua khó khăn để phát triển sản xuất, đáp ứng được nhu cầu lương thực, giải quyết nạn đói trên địa bàn tỉnh”, ông Quyết nhớ lại.

Các đơn vị phối hợp tổ chức phun thuốc bằng thiết bị bay cho cánh đồng lúa rộng lớn tại xã Buôn Tría (huyện Lắk). Ảnh: Nguyễn Xuân

Với chủ trương đúng đắn, hợp với lòng dân, hàng vạn người đủ mọi tầng lớp đồng loạt xuống đồng, tay cuốc, tay xẻng dọn từng bụi cây, cuốc từng lát đất để biến vùng đất hoang vu thành những mảnh ruộng, ươm mầm cho ấm no, hạnh phúc.

 

Năm 1975, diện tích cây trồng toàn tỉnh có 45.000 ha; năm 1978, tăng lên gần 115.000 ha, trong đó, lúa nước từ 200 ha lên gần 10.000 ha; tổng sản lượng lương thực quy thóc từ 75.000 tấn lên 161.000 tấn, bình quân lương thực trên đầu người từ 214 kg lên 347 kg.

Quân dân một lòng

Ông Lê Chí Quyết khi đó đang là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy thừa lệnh của lãnh đạo tỉnh yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ quan dân chính đảng để đi khai hoang, ngày ra đồng, đêm thì làm việc cơ quan. Ông Quyết cũng được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát lực lượng của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. 

Ông kể, đồng chí Trần Kiên cũng trực tiếp xuống ăn ở giữa vùng đầm lầy, xắn quần xuống đồng chỉ huy, động viên cán bộ, quân và dân huyện Lắk, thị xã Buôn Ma Thuột và một số địa phương lân cận đi khai hoang, xây dựng cánh đồng Buôn Triết. Đây là vùng đầm lầy bên sông Krông Ana, rộng hàng vạn héc-ta. Vùng đất này bạt ngàn lau lách, nước ngập quanh năm, phải đạp trên mà đi. Lực lượng khai hoang phải khơi thông cho nước rút ra sông rồi phát, đốt dọn, lớp dưới ướt không cháy thì phải vác đi. Khung cảnh nơi đây giống như đại công trường, thời điểm đông nhất lên đến hàng vạn người. “Lúc này, máy móc không có, mọi việc hoàn toàn làm bằng sức người. Khó khăn thiếu thốn nhiều vô kể nhưng cán bộ, quân dân một lòng, động viên nhau "có cháo ăn cháo, có rau ăn rau" để hoàn thành nhiệm vụ”, ông Quyết nói.

Nguyên Bí Thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh.

Cũng “ăn dầm ở dề” trên những cánh đồng hoang mấy chục năm trước là ông Nguyễn An Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, năm 1977 đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách nông nghiệp. Ông cho biết, những người đi khai hoang mở đất phải chặt tre nứa làm lán trại, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, công việc nặng nhọc, cộng thêm muỗi, vắt bu bám dày đặc nên tình trạng ốm đau, sốt rét xảy ra thường xuyên. Ông vẫn còn nhớ như in cái lần “thập tử nhất sinh” trên cánh đồng Buôn Trấp. Hôm đó, trời mưa gió to, nồi ngô độn nấu không chín nhưng anh em phải cố gắng ăn để có sức làm việc. Công việc vất vả, sức khỏe bị xuống, ông bị mày ngô đâm thủng dạ dày. Anh em ở công trường phải dùng thuyền chở ông lên bờ đưa đi cấp cứu. Vén áo lên “khoe” với chúng tôi xem vết sẹo ở bụng do vết mổ năm nào, ông Nguyễn An Vinh chia sẻ: “Hồi đó ai cũng biết đến câu nói: "Nằm ngửa thấy ông Kiên (Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên - PV), nằm nghiêng thấy Buôn Trấp, nằm sấp thấy Buôn Ja Wầm". Đắk Lắk phát triển như bây giờ, công lao to lớn đầu tiên là của ông ấy”.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn An Vinh (người đội mũ cối) và đại diện các sở, ngành kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cánh đồng Buôn Triết năm 1987 (chụp lại từ ảnh tư liệu do ông Nguyễn An Vinh cung cấp).

Ngoài hai cánh đồng lớn nhất là Buôn Triết và Buôn Trấp, trong hai năm 1978 - 1979, tỉnh đẩy mạnh công tác khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, mở được thêm 60 công trường khai hoang, khai phá được trên 50.000 ha. Tiêu biểu như công trường Buôn Trấp - Ea Chai, Điện Bàn (nay thuộc huyện Krông Ana), Ea Yiêng, Ea Kuăng, Hòa Tiến (huyện Krông Pắc), Cuôr Đăng (TP. Buôn Ma Thuột), Tam Giang (huyện Krông Năng) và Quảng Khê, Đức Xuyên, Đạo Nghĩa, Đức Minh, Đức Mạnh (nay thuộc tỉnh Đắk Nông).

(Còn nữa)

Kỳ 2: Bám đất, lập làng, xây cuộc sống mới

Vạn Tiếp - Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.