Triển vọng phát triển du lịch cộng đồng
Với những lợi thế sẵn có như thiên nhiên, bản sắc văn hóa; cùng với sự hỗ trợ của chính sách, nhà nước…, một số buôn, làng trên địa bàn tỉnh, đã và đang dần hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc.
“Nuôi dưỡng” tiềm năng
Sau một thời gian “thai nghén”, buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) - buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh đã chính thức ra mắt, tạo nền tảng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Trước khi trở thành buôn du lịch cộng đồng, buôn Akô Dhông đã được xem là một trong những buôn đẹp nhất TP. Buôn Ma Thuột, với khung cảnh đậm chất Tây Nguyên, từ những nếp nhà dài trầm mặc, chen giữa cỏ cây hoa lá muôn sắc, đến những con đường uốn lượn dưới rặng cây xanh mát. Bên cạnh đó, nơi này còn có bản sắc văn hóa được gìn giữ qua nhiều thế hệ với 32 nhà dài truyền thống; có đội cồng chiêng, nghệ nhân, đội văn nghệ biết biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc; các nghề truyền thống như nấu rượu cần, dệt thổ cẩm vẫn được bảo tồn và phát triển; ẩm thực phong phú; các điểm du lịch, homestay đáp ứng được yêu cầu của du khách…
Trong hành trình tham quan và trải nghiệm về du lịch Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột, hầu hết du khách đều đến với buôn Akô Dhông để tìm hiểu văn hóa đặc sắc của người Êđê và thưởng thức vẻ đẹp tại nơi này.
Quang cảnh tươi đẹp và sự hạnh phúc của người dân buôn Akô Dhông. |
Bên cạnh tiềm năng, mỗi người dân trong buôn luôn sẵn sàng trong tâm thế phát triển du lịch. Chị H’Min Niê, cư dân của buôn Akô Dhông cho hay: “Cũng như người dân trong buôn, tôi luôn giữ gìn nghề dệt truyền thống của gia đình. Trước đây, tôi cũng đã phối hợp với các công ty du lịch, tham gia các chương trình trải nghiệm như dệt vải, bán các sản phẩm từ dệt, không chỉ nâng cao thu nhập mà còn lan tỏa được giá trị của chúng”. Chị Min thông tin thêm, không cần phải đến ngày lễ hay ngày hội của buôn, mà mỗi ngày người dân đều ý thức gìn giữ buôn xanh, sạch, đẹp; không xả rác, đường sá thoáng đãng, mát mẻ, trồng cây hoa tạo cảnh quan quanh vườn nhà, dọc hai bên đường…".
“Cú hích” về chính sách
Phải khẳng định rằng, để thực sự trở thành buôn du lịch cộng đồng, cần phải có “cú hích” là sự hỗ trợ từ chính quyền; cơ chế, chính sách của Nhà nước… Bởi trước đó, dù rằng trong buôn Akô Dhông đã có một số hộ làm du lịch, một số công ty lữ hành đặt trụ sở nhưng cách làm du lịch nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, chưa có sự đồng bộ, thiếu liên kết. Chia sẻ về vấn đề này, nghệ nhân Y Wôn Knul (buôn Akô Dhông) tâm tình: “Thật ra tinh thần đón khách của chúng tôi đã có từ lâu, tuy nhiên trước đây mang tính chất rời rạc, sự đón tiếp cũng chưa chỉnh chu cho lắm”. Sự phát triển trong buôn trước đây còn ở dạng tự phát, một số sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu, sơ sài, trùng lặp, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch.
“Thực hiện Nghị quyết 08, đối với hai buôn được hỗ trợ trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục rà soát để hỗ trợ 12 hạng mục theo quy định, với mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/buôn. Song song với đó, ngành du lịch sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ hình thành tour/ tuyến du lịch, thúc đẩy phát triển sản phẩm… nâng cao giá trị từ mô hình du lịch cộng đồng” - bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
Triển khai Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 08) về việc hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025, với tiềm năng có sẵn, năm 2021, buôn Akô Dhông chính thức được hỗ trợ để phát triển thành buôn du lịch cộng đồng. Theo đó, buôn được hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất (như bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn địa lý…) và nguồn lực (tập huấn cho người dân các kỹ năng phục vụ khách du lịch, văn hóa, ẩm thực…); thành lập ban quản lý…
“Cú hích” về chính sách này đã giúp buôn Akô Dhông hoàn thiện về mọi mặt. Đến nay, Ban quản lý du lịch cộng đồng buôn và người dân đã sẵn sàng đảm bảo các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 được tổ chức vừa qua, buôn Akô Dhông là một điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách. Đây là kết quả của một quá trình hình thành phát triển, sự nỗ lực, đóng góp của chính quyền và người dân.
Thành công bước đầu của buôn Akô Dhông chính là cơ sở để UBND tỉnh tiếp tục đầu tư nhằm phát triển, nhân rộng mô hình buôn du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục nhân rộng du lịch cộng đồng
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất chọn hai buôn gồm buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong năm 2023 theo Nghị quyết 08. Trong đó, buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) được đánh giá khá cao. Nơi đây có tiềm năng du lịch phong phú để phát triển du lịch cộng đồng, nổi trội nhất là có nhiều ngôi nhà sàn truyền thống có thể làm homestay, sử dụng thực phẩm tự cung, tự cấp từ các gia đình, cảnh quan bình yên và thơ mộng bên cạnh dòng Sêrêpốk, giao lưu văn hóa cồng chiêng và có nhiều điểm du lịch xung quanh, tạo nên tuyến du lịch xuyên suốt, thêm nhiều lựa chọn cho du khách khi đến huyện Buôn Đôn…
Phụ nữ buôn Akô Dhông bên mái nhà dài trong buôn. |
Thông tin về chương trình này, ông Y Lươm Knul, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na bày tỏ: “UBND xã cũng đang tích cực tuyên truyền bà con giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc; nắm bắt chủ trương của tỉnh, huyện, tạo những chuyển biến trong nhận thức về du lịch cộng đồng… Trên tinh thần đó, bà con trong buôn khá hào hứng và nhất trí tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng”.
Gia đình ông Y Kom Hwing, bà H Kiệu Knul (buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) là một trong 5 hộ dự kiến được hỗ trợ kinh phí để phát triển du lịch cộng đồng trong đợt này. Các thành viên trong gia đình rất hào hứng, bà H Kiệu luôn dành thời gian nhàn rỗi để dọn dẹp, chăm chút ngôi nhà sàn của mình, ngoài ra còn trồng thêm hoa, cây cảnh để xung quanh nhà thêm xanh tươi… Tương tự, các hộ gia đình trong buôn Trí cũng đang trong tâm thế sẵn sàng để hòa chung vào dự án xây dựng du lịch cộng đồng, tạo nên một diện mạo mới cho buôn.
Buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) cũng vậy, chính quyền và người dân cũng đang chuẩn bị về mọi mặt để phát triển du lịch cộng đồng buôn. Địa phương này đã được UBND tỉnh đề xuất đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa và nghề truyền thống tại buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk”, thực hiện trong 2 năm (2023 - 2024) theo văn bản số 2532 /UBND-NNMT ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát, bổ sung đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP.
Hy vọng với chính sách, sự hỗ trợ để xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực cùng với quyết tâm của chính quyền, người dân, các buôn sẽ sớm hoàn thành mô hình buôn du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần đưa du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển bền vững và có chiều sâu.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc