Xây dựng đô thị Buôn Ma Thuột xanh, hiện đại, bản sắc
Trong lịch sử phát triển của mình, đô thị Buôn Ma Thuột đã không ít lần đặt ra câu chuyện cần quy hoạch, phát triển kiến trúc như thế nào, để vừa bảo toàn được những giá trị riêng biệt, vừa cập nhật hài hòa những tiêu chuẩn phát triển hiện đại.
Mới đây, ngành xây dựng Đắk Lắk đề xuất Quy chế quản lý kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột, càng tỏ rõ quyết tâm và mong ước về một thành phố đẹp đẽ, văn minh hơn.
Trong dự thảo quy chế được công bố rộng rãi để lấy ý kiến cộng đồng và các nhà chuyên môn, có 13 điều trong 3 chương trực tiếp đặt ra những tiêu chí, tiêu chuẩn về kiến trúc đô thị cần được giám sát, tổ chức xây dựng ở TP. Buôn Ma Thuột. Hướng nhìn nhận của các nhà tư vấn là cần định hình rõ ràng, và triển khai nghiêm ngặt một hệ thống các tiêu chuẩn, yêu cầu, dữ liệu đồng bộ, chuẩn mực về các hạng mục, công trình, nhóm quy hoạch… về kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột, đảm bảo củng cố và giữ vững hình hài một đô thị hài hòa thiên nhiên, kết hợp các yếu tố văn minh, thời đại với bản sắc văn hóa truyền thống…
Biệt điện Bảo Đại - công trình được thiết kế hài hòa giữa chất cổ điển tinh tế trong kiến trúc châu Âu cùng dáng dấp của những mái nhà dài truyền thống của người Ê đê. Ảnh: Hoàng Gia |
Xanh và nguyên bản
Nhìn qua những nội dung, yêu cầu quy định kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột ở dự thảo quy chế, người ta thấy ngay hai yêu cầu quan trọng. Thứ nhất, là phải quản lý tốt không gian cảnh quan, kiến trúc ở đô thị này theo tiêu chí bản sắc đặc thù, là tự nhiên hóa, ưu tiên yếu tố “xanh” của không gian rừng núi cao nguyên bao đời. Thứ hai, phải bảo vệ, tôn tạo những kiến trúc có giá trị nguyên bản địa phương, và phát triển thiết kế những kiến trúc mới hài hòa theo đó.
Hai yêu cầu này chính là nền tảng để nhà tư vấn tiến hành khảo sát, đánh giá và đề xuất các nội dung giá trị, liên quan đến thể chế quản lý, giám sát kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột, theo cả hướng quản lý nhà nước, tuân thủ các tiêu chuẩn xây dựng, quy hoạch vùng và quốc gia, lẫn hài hòa, cân chỉnh với nhu cầu, năng lực đầu tư kiến trúc trong xã hội, của các tổ chức và người dân. Khuyến khích quan trọng của quy chế là bắt buộc những chủ đầu tư các công trình kiến trúc, và nhất là đội ngũ những kiến trúc sư, công trình sư địa phương tuân thủ những định hướng, tiêu chí về kiểm soát kiến trúc đô thị được phê duyệt. Tầm nhìn quản lý của các cấp chức năng, cụ thể là Sở Xây dựng cùng các cấp chính quyền cơ sở được củng cố và kiến nghị phát huy trong quy chế này. Những phân khu được quy hoạch trong tầm nhìn phát triển TP. Buôn Ma Thuột hiện tại là đã tổng hợp từ các văn bản, quy định quy hoạch, cơ chế đầu tư của địa phương, từ đó hình thành cái nhìn tổng quan, toàn diện về hướng đầu tư, mở rộng không gian kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột tương lai, bảo đảm các tiêu chí “xanh hơn” và “nguyên bản bảo tồn”.
Bảo tàng Đắk Lắk - một công trình kiến trúc độc đáo mang phong cách hiện đại kết hợp với truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng |
Cần bản lĩnh của những kiến trúc sư
Tham gia vào quy chế này, đội ngũ các nhà tư vấn chuyên môn ở TP. Đà Nẵng cho rằng, để thực hiện được quy chế kiến trúc, tuân thủ và phát triển hữu hiệu những giá trị kiến trúc đô thị Tây Nguyên qua quy chế, căn bản nhất vẫn là chính bản lĩnh những kiến trúc sư đang hoạt động tại Buôn Ma Thuột và có tham gia vào thiết kế các công trình kiến trúc, xây dựng ở địa phương.
Kiến trúc sư Nguyễn Cửu Loan, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng trong một bài viết mới đây về hiện trạng phát triển kiến trúc hiện nay cho rằng, cần phải có những thúc đẩy trách nhiệm mạnh mẽ hơn ở đội ngũ các kiến trúc sư Việt Nam nói chung và ở các đô thị nói riêng.
Trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, kiến trúc nước nhà đã ghi nhận những khởi sắc, thay đổi lớn lao, với những đô thị mới ngày càng khang trang, đẹp đẽ hơn. Nhưng sáng tác kiến trúc tại các đô thị vẫn dính căn bệnh hình thức, sao chép thành tựu đi trước, có sẵn ở các nền kiến trúc khác, tạo những kiểu kiến trúc đô thị lộn xộn, nhạt nhòa bản sắc.
Nhà dài truyền thống trong buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Sự tham gia của các nhà kiến trúc sư đô thị trẻ thời gian qua, với những ứng dụng công nghệ số hóa mới mẻ, đang bị biến tướng lạm dụng những trường phái kiến trúc khác nhau, xu hướng pha tạp từ kiến trúc “chóp”, “nhại cổ”, “nhại kiến trúc Pháp” đến những tiêu chí khẩu hiệu như kiến trúc “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “hiện đại mới”, “kiến trúc bền vững” và mới đây là “kiến trúc 4.0”.
Nguy hại nhất, là đội ngũ những kiến trúc sư đô thị hiện nay lại thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh để nghĩ đến và bảo vệ những ý tưởng, công trình kiến trúc đúng năng lực của mình. Nhiều kiến trúc sư không dám bảo vệ ý tưởng của mình, chỉ quen chấp nhận ý kiến chủ đầu tư để rập khuôn, áp đặt những mô hình kiến trúc nào đó vào thực tế xây dựng.
Vấn đề này, khi soi rọi lại thực tế hoạt động kiến trúc tại các đô thị mới, trong đó có TP. Buôn Ma Thuột, có thể nhận ra rất rõ ràng. Khi ở những khu đô thị, cụm dân cư dần dần định hình nên những khu nhà phố theo mẫu kiến trúc đâu đó, hoàn toàn không ăn khớp môi trường tự nhiên xung quanh, cần thiết phải có sự can thiệp của các cơ quan chức năng về giám sát kiến trúc đô thị, tư vấn kiến trúc nhà ở hợp lý. Bản thân các kiến trúc sư, và cả đội ngũ những người quản lý kiến trúc, xây dựng địa phương đều phải hết sức nghiêm khắc về vấn đề này, mới bảo đảm giữ gìn và tôn tạo được những mảng kiến trúc, công trình đô thị ở địa phương được đầu tư, thiết kế đúng tầm vóc, các chi tiết và cấu trúc hợp lý, hài hòa với chính không gian và tiêu chuẩn kiến trúc đô thị đã quy hoạch.
Ưu tiên không gian xanh, ưu tiên mặt nước, ưu tiên những kiến trúc bản địa, như mô hình nhà dài Êđê, công trình tôn giáo, văn hóa đặc sắc để kết hợp hài hòa, phát triển vào những khu đô thị mới…, là yêu cầu cần thiết của đô thị Buôn Ma Thuột hiện tại.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc