Multimedia Đọc Báo in

Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam

18:59, 11/10/2023

Chiều 11/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Tham dự buổi gặp mặt có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; hơn 220 đại diện các doanh nghiệp (DN), hiệp hội DN trong cả nước.

Buổi gặp mặt diễn ra tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự tại điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hiệp hội và đại diện hơn 20 DN trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng năm 2023, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp phát triển ổn định. Hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác quy hoạch được tập trung hoàn thiện; bảo đảm an ninh năng lượng. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm (8 triệu lượt người). Kim ngạch xuất nhập khẩu ước xuất siêu gần 21,7 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ.

Các đại biểu tham dự buổi gặp mặt tại điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị và các đại biểu tham dự buổi gặp mặt tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, trong 9 tháng có hơn 165.000 DN đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn quốc có hơn 881.000 DN đang hoạt động. Kết quả hoạt động kinh doanh của DN ở cả khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách.

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, trong 9 tháng, các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97.000 tỷ đồng, thuế thu nhập DN đạt gần 248.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ…

Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt tại điểm cầu tại tỉnh Đắk Lắk.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, 9 tháng năm 2023, khu vực DN đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp linh hoạt, hiệu quả, thích ứng với tình hình mới.

Tại buổi gặp mặt, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tập đoàn, DN, hiệp hội DN đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như những giải pháp để ổn định, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và trình bày các tham luận về phát triển các mô hình kinh tế; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong phát triển kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Đồng thời đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi gặp mặt cũng đề xuất gợi mở một số định hướng và giải pháp nhằm nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN; hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước…

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: baochinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân vào sự phát triển chung của nước nhà. Đồng thời khẳng định Đảng và Nhà nước luôn đồng hành, tạo điều kiện về mọi mặt để DN, doanh nhân phát triển. Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng DN, doanh nhân đang phải đối mặt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đang cản trở DN. 

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí trong hoạt động đầu tư kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khuyến khích DN tham gia vào ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đối với các hiệp hội DN, cần tăng cường tính liên kết giữa các DN và tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Cùng với đó, phát huy tính đại diện cho DN trong việc vận động chính sách, bảo vệ quyền lợi hội viên. Phát huy vai trò cầu nối vững chắc giữa cộng đồng DN với cơ quan quản lý nhà nước.

Quan trọng hơn, cộng đồng DN cần phải nỗ lực, chủ động điều chỉnh kế hoạch, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, theo sát diễn biến của thị trường, tập trung cắt giảm chi phí, nắm bắt từng cơ hội. Đồng thời, tận dụng tối đa lợi thế của 16 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết...

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.