Multimedia Đọc Báo in

Phong sắc đại ngàn

09:56, 14/02/2024

Đắk Lắk có gì mời gọi và níu giữ mỗi bước chân để mảnh đất bazan này đã hóa tâm hồn, trở thành nơi cư ngụ, quê hương thứ hai của biết bao người con trên dải đất hình chữ S tụ hội mà được ví như một Việt Nam thu nhỏ?

Phải chăng chính bởi Đắk Lắk giữ trong mình một kho báu vừa hữu hình, vừa vô hình, đó là PHONG SẮC ĐẠI NGÀN.

Ban Mê vào Xuân. Ảnh: Bảo Hưng
Ban Mê vào Xuân. Ảnh: Bảo Hưng

Cái phong vị và sắc màu làm nên đặc trưng của cao nguyên Đắk Lắk khởi nguyên từ rừng. Từ thuở hồng hoang, rừng là môi sinh cho cuộc sinh tồn, là không gian nảy nở và nuôi dưỡng biết bao giá trị văn hóa của đồng bào; là cội nguồn, tâm linh. Rừng là quà tặng của tạo hóa, con người bé nhỏ được rừng bao bọc, chở che qua nhiều thế hệ. Hàng ngàn đời nay có những con người đã sống ở đây bằng đạo lý của rừng. Sinh ra thấy rừng, lớn lên với rừng, buồn vui cùng rừng, trở về rừng và tan biến trong đó. Tâm thức về đại ngàn khiến rừng xanh có tiếng, có hình, có hồn để có thể lắng nghe, cảm nhận, thao thiết, nặng lòng, gắn bó duyên nợ với rừng như một thực thể đời người.

Văn hóa cao nguyên Đắk Lắk bản nguyên từ văn hóa rừng. Trong sử thi Đam San, nhà dài được ví như một tiếng chiêng. Sử thi không chỉ là nghệ thuật, sử thi là cuộc đời, cho thấy chiều kích bất tận của rừng. Trong hàng ngàn thanh âm của đại ngàn, có những thứ thanh âm đã tạo nên phong sắc đặc biệt và đậm vị cho mảnh đất này. Đó là âm vọng của cồng chiêng, thứ thanh âm được lấy làm đơn vị đo lường trong sử thi; là tiếng đàn đá khi thì thánh thót xa xăm, khi lại như dội vào vách đá; là lời nỉ non, réo rắt của cung đàn từ tre, nứa. Lại thấy hoài vọng từng đêm dài kể khan huyền sử; những vòng xoang quanh ánh lửa bập bùng và hương rượu cần ngây ngất men say hòa điệu, cùng thăng hoa trong những thanh âm như tiếng lòng của núi rừng, sông suối ấy. Lại gặp phong sắc đại ngàn trong đáy mắt của những chàng trai, cô gái Êđê trong trẻo, một chút sắc lạnh, một chút thăm thẳm và hoang dã.

“Gặp quê hương trên mọi quê hương”, sự tụ hội của 49 dân tộc anh em đã tạo nên bức tranh đa sắc màu văn hóa. Hành trang mỗi người đem theo trên quê hương thứ hai của mình không chỉ có giọng nói, trang phục mà còn nhiều lễ hội và phong tục tập quán khác. Được gìn giữ, nuôi dưỡng và trân quý, Đắk Lắk vinh hạnh “ôm chứa” trong mình những kho tàng văn hóa. Để rồi trên mảnh đất cao nguyên, không chỉ có lễ hội của những cư dân bản địa, người ta còn được trải nghiệm cả những lễ hội vùng cao Tây Bắc; được thưởng cảm cả cái vang, rền, nền, nảy của quan họ vùng Kinh Bắc hay lời ca khi vui tươi, trang trọng, khi chất chứa nỗi buồn, ai oán, nỉ non của điệu Bắc và điệu Nam trong ca Huế và nhiều sắc màu của mỗi vùng miền trong nghệ thuật bài chòi…

Ảnh: Hữu Nguyên
Chương trình nghệ thuật "Mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Giáp Thìn 2024.  Ảnh: Hữu Nguyên

Phong sắc đại ngàn còn hiện diện ở một Việt Nam thu nhỏ trong văn hóa ẩm thực. Những món ăn không đậm các vị cay, béo, ngọt của miền Bắc; vừa cay, vừa mặn của miền Trung; ngòn ngọt của miền Nam đã tạo nên đa hương vị, sẵn sàng chiều lòng gọi mời mọi thực khách khi dừng chân Đắk Lắk. Gặp quê hương qua từng đặc sản cũng là vậy. 

Đắk Lắk đại ngàn: một chút cồng chiêng, một chút nhà dài, một chút đàn đá, một chút say nồng với rượu cần và cả vũ điệu hào phóng của gió… Những sâu lắng của cuộc sống ở đây thức dậy, âm vang trong mùa lễ hội. Tất cả đều là “đặc sản” - PHONG SẮC ĐẠI NGÀN!

                                                                                     Đắk Lắk

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.