Multimedia Đọc Báo in

Rộng đường thu hút đầu tư

08:25, 28/03/2024

Với phương châm “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương”, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa như kỳ vọng, vẫn cần những giải pháp căn cơ hơn nữa để rộng đường cho nhà đầu tư vào tỉnh.

Khó về quỹ đất

Những năm qua, với chính sách “trải thảm đỏ” của tỉnh, đã có nhiều nhà đầu tư đến với Đắk Lắk sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung cả nước thì kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh còn khá khiêm tốn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), giai đoạn 2016 - 2020, Đắk Lắk đã thu hút được 329 dự án đầu tư trên các lĩnh vực, với tổng số vốn 57.000 tỷ đồng. Tính bình quân trong giai đoạn này, mỗi năm tỉnh kêu gọi đầu tư 65 dự án với tổng số vốn khoảng hơn 11.400 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh chỉ thu hút được 57 dự án, với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 29.000 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm Đắk Lắk chỉ thu hút được 19 dự án với tổng số vốn khoảng gần 10.000 tỷ đồng. So với giai đoạn trước, cả số dự án và tổng vốn đầu tư vào tỉnh đều giảm. Nhà đầu tư rót vốn chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, quy mô các dự án vừa và nhỏ là chủ yếu, tổng mức đầu tư thấp.

Cánh đồng điện gió của Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’leo.

Kết quả thu hút đầu tư giảm có thể kể đến các nguyên nhân do đặc thù về vị trí địa lý, hạ tầng hay bất cập về các quy định pháp luật liên quan và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân chủ quan khác đã tạo rào cản trong công tác thu hút đầu tư. Đơn cử như, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực tại địa phương theo Luật Đất đai 2013 và các pháp luật khác có liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt còn chậm. Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa tính toán hết tiềm năng, lợi thế đất đai, nhu cầu đất cho các ngành, lĩnh vực; cũng chưa dự báo, định hướng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp (DN). Điều này dẫn đến có nơi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lập thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, mất nhiều thời gian. Vì vậy, đất chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến việc giao đất, cho thuê đất triển khai dự án.

Hiện nay, tỉnh còn quỹ đất từ các công ty nông lâm nghiệp chuyển giao về cho các địa phương quản lý là điều kiện thu hút các dự án phát triển nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định phải lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và phương án sử dụng đất thì mới đảm bảo điều kiện để giải quyết chủ trương đầu tư, nhưng nội dung này trong thời gian qua chậm được thực hiện. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn quỹ đất lâm nghiệp không còn rừng, không còn khả năng phục hồi, có thể phát triển các dự án cải tạo rừng, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, quy định về chuyển đổi đất lâm nghiệp không còn rừng sang đất khác còn phức tạp. UBND tỉnh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Trạm biến áp của Nhà máy điện gió Ea Nam tại huyện Ea H’leo.

Đối với quỹ đất các nhà đầu tư đề xuất khảo sát, tìm hiểu đầu tư đều khó khăn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, tỉnh gần như không có quỹ đất sạch để sẵn sàng mời gọi đầu tư. Nhà đầu tư đề xuất dự án tại vị trí khu đất có nguồn gốc của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý, nhưng chưa lập phương án sử dụng đất; một số quỹ đất còn vướng tài sản nhà nước chưa được xử lý theo quy định để đủ điều kiện kêu gọi thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, thời gian qua, một số sở, ngành và UBND cấp huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác thu hút, kêu gọi đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách. Trong quá trình lấy ý kiến thẩm định đối với đề xuất đầu tư của DN, vẫn có lúc các đơn vị phối hợp chưa nhịp nhàng, dẫn đến tình trạng thời gian giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không đảm bảo theo quy định.

Khẩn trương tháo gỡ "điểm nghẽn"

 

“Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch, tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải pháp quan trọng nhất là cần xác định đúng thế mạnh của tỉnh để triển khai các bước thu hút đầu tư trong giai đoạn tiếp theo” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà.

Để cải thiện môi trường đầu tư, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN, gặp gỡ nhà đầu tư nhằm lắng nghe nhu cầu và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, các sở, ban, ngành phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình thực hiện, tăng tỷ lệ người dân và DN hài lòng về việc giải quyết TTHC, nhất là các TTHC về đăng ký DN, cấp phép kinh doanh có điều kiện, lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, phòng cháy chữa cháy… Điển hình như Sở KH-ĐT đã rút ngắn thời gian giải quyết một số thủ TTHC thuộc lĩnh vực đăng ký DN.

Tỉnh cũng đã ban hành quy định về trình tự, trách nhiệm phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư và quản lý dự án đầu tư, tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN tiếp cận được các hồ sơ quy hoạch, địa điểm đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc cho DN.

Theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư (Sở KH-ĐT) Niê Knơng Y Sơn, để rộng đường hơn cho nhà đầu tư vào tỉnh, trước mắt cần tháo gỡ những "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, nhất là cải thiện hạ tầng giao thông kết nối và chính sách về đất đai, TTHC.

Cụm nhà máy Điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh do Công ty Cổ phần Đầu tư - Phát triển điện Đại Hải và Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sêrêpốk đầu tư tại thôn 9, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn.

Đối với “điểm nghẽn” là vấn đề kết nối giao thông, năm 2023, tuyến đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được khởi công, tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến cũng sẽ khởi công vào cuối năm 2024. Theo Bộ Giao thông vận tải, từ nay đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư 8 tuyến cao tốc với chiều dài 830 km, tổng vốn đầu tư khoảng 151.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống cao tốc sẽ giúp Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng gần hơn với hệ thống cảng biển và các trung tâm dịch vụ, hậu cần, kỹ thuật lớn của cả nước.

Mới đây, Bộ KH-ĐT đã xây dựng Dự thảo báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên. Hy vọng với những cơ chế, chính sách này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho Tây Nguyên cũng như Đắk Lắk trong thu hút đầu tư.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.