Cà phê đã trở lại “ngôi vương”? (Kỳ 1)
Hiện tại giá cà phê đang “lập đỉnh” mới (tính đến ngày 21/4 là trên 120 nghìn đồng/kg nhân xô), mức cao nhất từ trước đến nay. Vì thế, từ người trực tiếp sản xuất cho đến các nhà rang xay, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đang ra sức đầu tư có chiều sâu hơn nhằm lấy lại “ngôi vương” cho ngành hàng chiến lược này.
Kỳ 1: Những chuyển biến từ vùng nguyên liệu
Cà phê được xác định là cây trồng chủ lực và chiến lược của Đắk Lắk, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc định vị cho loại cây trồng này trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh nhà luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến nay diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đã xấp xỉ con số 221.000 ha, chiếm khoảng 43% diện tích cà phê của khu vực Tây Nguyên và hơn 34% diện tích cà phê của cả nước với sản lượng hằng năm đạt từ 460.000 – 500.000 tấn nhân xô.
Vùng nguyên liệu rộng lớn ấy luôn gắn bó với hàng vạn nông hộ trực tiếp sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh, giúp họ giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Hoài Dương, người đứng đầu ngành nông nghiệp Đắk Lắk rằng: Để bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả kinh tế từ cây cà phê mang lại là một loạt vấn đề đặt ra - từ quy hoạch, sản xuất, công nghệ, chế biến cho đến hạ tầng cơ sở kỹ thuật, dịch vụ nông nghiệp kèm theo đều phải được tính toán một cách khoa học và phù hợp.
Kiểm tra chất lượng, độ đường của cà phê trước khi thu hoạch cà phê chất lượng cao ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng). Ảnh: Nguyễn Gia |
Từ nhìn nhận trên, ông Nguyễn Hoài Dương cho biết, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan đã nỗ lực cùng với cộng đồng sản xuất, kinh doanh cà phê không ngừng tìm tòi và đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, hữu hiệu nhằm khẳng định ngôi vị “số 1” cho loại cây trồng chiến lược này.
Đặc biệt là ngày 13/7/2017, Nghị quyết 24/2017/NQ - HĐND về “Phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” được HĐND tỉnh ban hành đã cụ thể hóa lộ trình phát triển cho ngành hàng chủ lực ấy; đồng thời tạo động lực mới giúp “thủ phủ” cà phê Việt Nam vươn xa trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu.
Từ định hướng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch đến năm 2020, diện tích cà phê ở đây ổn định khoảng 180.000 ha, sản lượng 430.000 – 450.000 tấn/năm; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống thủy lợi để bảo đảm nguồn nước tưới từ 75 – 80% diện tích cà phê được quy hoạch; đẩy mạnh chương trình tái canh diện tích cà phê già cỗi, gắn với việc xây dựng vùng nguyên liệu cà phê có chứng nhận; tăng cường mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) nhằm gia tăng chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng quan trọng này.
Để thực hiện mục tiêu đặt ra, chính quyền địa phương đã tiến hành rà soát, phân loại và xác định diện tích cà phê cần phải được tái canh; xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình được xem là then chốt ấy.
Đến nay, sau gần 7 năm thực hiện đề án tập trung tái canh cà phê với sự tham gia đầy quyết tâm của các cấp, ngành, đơn vị liên quan cùng hàng vạn nông hộ trực tiếp trồng cà phê trên địa bàn tỉnh đã từng bước tạo ra nhiều vùng nguyên liệu có chất lượng cao.
Sở NN-PTNT cho biết: Cùng với việc tái canh cà phê (giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025) được thực hiện liên tục, thì diện tích cà phê có chứng nhận cũng được quan tâm và không ngừng tăng lên qua hằng năm.
Đến nay, tổng diện tích cà phê được tái canh hơn 46.000 ha, đạt gần 110% so với kế hoạch; diện tích cà phê có chứng nhận cũng ở mức 30.320 ha với tổng sản lượng thu hoạch hơn 100.065 tấn/niên vụ.
Số nông hộ tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận gần 24.000 hộ; có khoảng 90% sản lượng cà phê được thu hái, phơi sấy và bảo quản theo đúng quy trình kỹ thuật được cơ quan chuyên môn hướng dẫn.
Thu hoạch cà phê đạt 99% quả chín để nâng cao chất lượng. Ảnh: Minh Thuận |
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích người trồng cà phê liên kết với các doanh nghiệp mở rộng diện tích sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, 4C, RFA, FLO.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 160.000 ha cà phê được chứng nhận theo tiêu chuẩn trên. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều thị trường trên thế giới.
Theo đó, tăng cường đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất cho các nông hộ làm cà phê theo hướng tích tụ đất đai, hình thành ngày càng nhiều hợp tác xã trong ngành cà phê dựa trên mối liên kết “4 nhà” trong hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Ngoài sự nỗ lực của địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ một số chính sách tái canh, thu mua, chế biến, tạm trữ, quảng bá và xây dựng thương hiệu để hướng tới nền sản xuất cà phê đặc sản và bền vững.
Theo Sở NN-PTNT, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị được giao trách nhiệm tập trung các nguồn lực nghiên cứu, lai tạo các giống cà phê mới có ưu điểm vượt trội như chống chịu khô hạn, dịch bệnh và cho năng suất, chất lượng cao để chuyển giao cho người trồng cà phê trên địa bàn Đắk Lắk. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Tìm giải pháp "giữ ngôi" bền vững
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc