Quản lý, phát huy giá trị mã vùng trồng sầu riêng: Cần minh bạch ở các khâu
Trước sự tăng trưởng “nóng” của sầu riêng, Đắk Lắk đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm ổn định thị trường sầu riêng niên vụ 2024, trong đó có việc tăng cường quản lý, giám sát mã số vùng trồng nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu, tạo đà phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.
Nhiều khó khăn trong khâu quản lý
Vì mang lại giá trị kinh tế cao nên nông dân đổ xô trồng sầu riêng, đưa Đắk Lắk trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích, với 32.785 ha, sản lượng đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang chỉ trong thời gian ngắn. Cùng với việc tăng nhanh về diện tích thì việc xây dựng mã số vùng trồng sầu riêng được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Đến nay, Đắk Lắk đã có 68 mã vùng trồng (khoảng 2.521 ha), còn 147 vùng trồng sầu riêng (3.500 ha) đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra phê duyệt. Đối với mã vùng trồng do các doanh nghiệp (DN) đại diện đứng tên thì việc sử dụng mã số theo hai hình thức: sử dụng mã số để trực tiếp xuất khẩu sản phẩm; ủy quyền cho DN khác sử dụng mã số (DN được ủy quyền phải mua sản phẩm từ vùng trồng của DN ủy quyền). Trường hợp do hợp tác xã (HTX) làm đại diện đứng tên vùng trồng mà không trực tiếp xuất khẩu thì ủy quyền cho DN mua sản phẩm từ vùng trồng của HTX.
Nông dân phường Thiện An (TX. Buôn Hồ) chăm sóc vườn sầu riêng. |
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), việc xây dựng mã số vùng trồng được tỉnh triển khai trong nhiều năm qua, nhất là khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi nhận thức của đại diện vùng trồng còn nhiều hạn chế, chưa thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia chuỗi liên kết, cũng như giá trị, tầm quan trọng của mã số được cấp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, nhiều đại diện vùng trồng chưa thực hiện ghi sổ nhật ký canh tác thường xuyên, liên tục; chưa phối hợp tích cực với cơ quan chuyên môn trong việc điều tra nguyên nhân vi phạm và đưa ra các biện pháp khắc phục khi nhận được thông báo vi phạm của nước nhập khẩu…
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% tổng diện tích. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng tốt để làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích 5.400 ha. Diện tích tập trung tại thị xã Buôn Hồ và các huyện Cư M'gar, Krông Pắc, Ea H'leo, Krông Năng, Krông Búk. |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, địa phương hiện có khoảng 8.000 ha sầu riêng, trong đó có gần 4.000 ha đang cho thu hoạch.
Huyện Krông Pắc là đơn vị đi đầu trong xây dựng mã vùng trồng, với 37 mã được cấp (trên 2.000 ha).
Sau khi thực hiện phân cấp cho cấp huyện làm đầu mối triển khai công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu, hồ sơ của các mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phê duyệt bàn giao lại về cho huyện còn quá đơn giản, chưa chặt chẽ; có những mã số vùng trồng không có hồ sơ, nhưng vẫn được cấp, dẫn đến công tác quản lý, theo dõi, giám sát mã vùng trồng gặp rất nhiều khó khăn.
Qua kiểm tra thực tế mã vùng trồng, có nhiều hộ dân không biết mình đã tham gia vùng trồng, thậm chí có sự chồng lấn về diện tích mã vùng trồng giữa các đơn vị quản lý…
Cần “gia cố” mối liên kết
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc, một trong những “nút thắt” cần phải gỡ trong quản lý mã vùng trồng, đó là việc liên kết giữa đại diện vùng trồng hoặc các đơn vị xuất khẩu với người dân chưa thực sự công khai, minh bạch, rõ ràng, dẫn đến tình trạng một số hộ dân tại vùng trồng chưa có sự đồng thuận cao trong suốt cả quá trình cấp mã số.
Bên cạnh đó, tính bền vững của các chuỗi liên kết chưa cao, có thể thấy rõ ở chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết này vẫn còn lỏng lẻo theo hình thức “thuận mua, vừa bán”, chưa đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Búk kiểm tra mô hình liên kết sản xuất sầu riêng ở xã Ea Ngai trong vụ sầu riêng năm 2023 |
Chính vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần hỗ trợ huyện trong việc yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được phê duyệt mã số vùng trồng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối của huyện (Phòng NN-PTNT) và UBND các xã, thị trấn trong quá trình tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo các vùng trồng luôn luôn duy trì tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số quản lý mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, tăng tính minh bạch, trách nhiệm và hiệu quả.
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho rằng, Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành tiêu chuẩn cụ thể cho ngành hàng sầu riêng. Trên cơ sở tiêu chuẩn chung, hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu Đắk Lắk. Đồng thời, để “gia cố” chuỗi liên kết, cần đảm bảo quyền, lợi ích của các bên tham gia trong chuỗi; thực hiện test mẫu trước khi thu hoạch để giúp nông dân chứng minh được năng lực hàng hóa, đảm bảo quyền lợi chung cho nông dân và doanh nghiệp, giảm gian lận trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT), Việt Nam đã mất nhiều thời gian và công sức để trái sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Do đó, để ngành hàng này phát triển lâu dài, các địa phương phải duy trì được sự tuân thủ đối với các quy định của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng uy tín ngành hàng sẽ giúp mở rộng thị trường, các địa phương cần chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, cùng chia sẻ lợi nhuận để thúc đẩy phát triển ngành hàng sầu riêng.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc