Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp “khát” nhân công

09:01, 10/06/2024

Dù đã đi vào hoạt động ổn định, thậm chí đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh lại gặp khó trong việc tuyển dụng lao động.

Nhu cầu cao

Hoạt động trong lĩnh vực gia công các mặt hàng may mặc để xuất khẩu, Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang có hơn 1.000 lao động làm việc. Tuy nhiên, công ty vẫn đang thiếu nhiều công nhân.

Ông Trần Chí Vĩ, Giám đốc công ty chia sẻ, đơn hàng năm 2024 của đơn vị tăng 20% so với năm 2023 nên có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 300 lao động nữa. Công ty còn dự định mở rộng nhà xưởng, tăng công suất hoạt động nên số lượng cần tuyển dụng sẽ còn cao hơn. Theo kế hoạch, công ty sẽ phát triển lực lượng nhân công lên tới 2.500 người.

95% lao động của Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk là người dân tộc thiểu số.

Tương tự, Công ty TNHH KVD VINA (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) thành lập năm 2021 và hiện đang có hơn 2.000 công nhân sản xuất lông mi giả. Thị trường chủ yếu của DN này là Mỹ và châu Âu. Trung bình mỗi ngày công ty xuất khẩu khoảng 2 container lông mi giả ra nước ngoài.

Bà Phạm Thị Thùy, Phụ trách nhân sự của công ty cho hay, hiện đơn vị vẫn thiếu khoảng 400 nhân công thực hiện các công đoạn vắt chỉ, quét keo, dập tay… Để bù đắp lượng nhân công đang thiếu, công ty đã tăng cường công tác tuyển dụng thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đăng thông tin trên các trang mạng xã hội và phát tờ rơi…

Theo Ban Quản lý các chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), trong cụm công nghiệp hiện có 73 DN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 100%. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lại thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là lao động nữ. Dù lượng lao động nội tỉnh đã tăng mạnh so với trước dịch COVID-19 nhưng việc tuyển dụng nhân lực hoạt động trong các ngành như: may mặc, cơ khí… vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhằm phát huy thế mạnh của mỗi đơn vị, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong 5 năm (2023 - 2028) với Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk (Trường Đại học Tây Nguyên) và Trường Trung cấp Đắk Lắk.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk cũng cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay có khoảng 1.114 lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm, tăng 2,29 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó lực lượng lao động phổ thông 662 người, chiếm 59,42%.

Những tháng đầu năm cũng có 531 lượt đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng 7.947 lao động, trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 6.681 người (chiếm tỷ lệ 84%). Như vậy, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, DN qua kênh Trung tâm tương đối lớn so với nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.

Chệnh lệch cung - cầu

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, mặc dù nhu cầu lớn nhưng các đơn vị, DN vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động là do mức lương chưa hấp dẫn.

Hiện nay, lương lao động phổ thông tại Đắk Lắk chỉ khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Điều kiện làm việc xa nhà, gò bó về thời gian, chi phí sinh hoạt hằng ngày cao… Trong khi giá thuê nhân công hiện bình quân khoảng 300.000 – 400.000 đồng/ngày tùy từng thời điểm, từng khu vực. Điều kiện làm việc lại gần nhà, tiết kiệm được nhiều khoản sinh hoạt phí. Vì vậy, người lao động đang có sự so sánh về mức tiền công hằng ngày với tiền lương công nhân hằng tháng ở các đơn vị, DN.

Chưa kể, xét về một khía cạnh nào đấy, tiền lương công nhân hiện thấp hơn so với mặt bằng mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh nên chưa hấp dẫn được người lao động. Điều này dẫn đến cung - cầu lao động “chưa gặp nhau”.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH KVD VINA (Cụm công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột).

Một nguyên nhân khác nữa là hiện nay, lao động phổ thông thường tập trung ở các huyện, còn lao động có tay nghề, trình độ tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột. Ngược lại, các DN cần tuyển lao động phổ thông lại đứng chân ở TP. Buôn Ma Thuột. Trong khi đó, tâm lý của người lao động phổ thông lại muốn làm việc tại địa phương mình sinh sống để thuận tiện chăm sóc gia đình, tranh thủ làm rẫy.

Theo đánh giá của nhiều DN, lao động tỉnh Đắk Lắk có sức khỏe, chịu khó nhưng không ổn định. Đa số lao động chỉ làm việc tại DN khoảng 6 - 8 tháng trong năm, thời gian còn lại trở về địa phương làm rẫy, nhất là lao động người dân tộc thiểu số… Vậy nên khi tuyển dụng, DN có phần e ngại. Hơn nữa, DN thường có nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguồn “cung” không đáp ứng được “cầu”.

Để người lao động và DN “gặp” được nhau, đáp ứng được yêu cầu hai bên, song song với việc duy trì các kênh tuyên truyền truyền thống như: tờ rơi, pa nô, áp phích, cung cấp thông tin thị trường lao động cho chính quyền các địa phương hằng tháng, tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã và đang tiếp tục “làm mới” nội dung, hình thức thông tin trên website và các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, tập trung tuyên truyền theo nhóm đối tượng, tuyên truyền ở các xã vùng sâu, vùng xa và tăng cường công tác thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động ở các DN cũng như cung cấp thông tin thị trường lao động đến các địa phương, người lao động.

Về phía DN, nhiều đơn vị cũng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tuyển dụng đủ lao động phục vụ cho sản xuất. Đơn cử như Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk, hiện nay 95% lao động của công ty là người dân tộc thiểu số. Ban đầu họ đều chưa có tay nghề. Vì vậy, để thu hút người lao động, ngoài bảo đảm thu nhập, các chế độ, công ty còn tổ chức đào tạo tay nghề, tạo điều kiện linh động về thời gian,  động viên công nhân gắn bó với nhà máy sản xuất.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc