Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại: Còn nhiều thách thức

10:09, 14/06/2024

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Điều này đã gây ra không ít khó khăn, thách thức cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng như xử lý hành vi vi phạm.

Phương thức, thủ đoạn tinh vi

Đắk Lắk là tỉnh có địa giới hành chính tương đối rộng với trên 13.000 km2 (với 15 huyện, thị xã, thành phố) và là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước (khoảng 650.000 ha). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên phần lớn hàng hóa đều được nhập từ các địa phương khác để phục vụ cho nhu cầu của người dân.

Nắm bắt được nhu cầu đó, các gian thương đã lén lút trà trộn những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ với hàng thật rồi vận chuyển đem về Đắk Lắk bày bán, tiêu thụ tại các quầy hàng nhằm thu lợi bất chính. Nhiều đối tượng đánh vào tâm lý ham rẻ, thích hàng ngoại và hiểu biết hạn chế của một bộ phận người dân để kinh doanh, tàng trữ các loại hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lừa bán cho người tiêu dùng…

Lực lượng quản lý thị trường tuyên truyền cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) để thực hiện các hành vi buôn bán hàng lậu, hành giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của sản phẩm, giả mạo các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng và các hành vi gian lận khác. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này là thường sử dụng các tài khoản trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, lập các nhóm kín trên Zalo để bán hàng hoặc thiết lập website để quảng bá và giao dịch; thường xuyên thay đổi địa điểm kho hàng hoặc thuê những vị trí ở nơi ít dân cư nhằm mục đích trốn tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng; không cung cấp địa chỉ để người mua đến nhận hàng, xem hàng trực tiếp để che giấu địa điểm bán hàng. Thậm chí, một số đối tượng không có cửa hàng, kho hàng mà chỉ thực hiện qua quảng cáo sản phẩm của các tổ chức, cá nhân khác sau đó khi khách hàng đặt mua thì mới nhập hàng về hoặc giao dịch trung gian hưởng chênh lệch giữa người bán và người mua… Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có mạng lưới bao phủ rộng khắp trong và ngoài nước để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

Nhiều thách thức

Trong thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, tiến hành các đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong hoạt động buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong năm 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 3.234 vụ việc vi phạm (trong đó xử lý hình sự 28 vụ, với 40 đối tượng; xử lý hành chính 3.206 vụ), với tổng số tiền thu qua xử lý hơn 121 tỷ đồng.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa được bày bán tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn việc lợi dụng TMĐT để hoạt động vi phạm pháp luật, cuối năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thành lập Tổ công tác thương mại điện tử - truyền thông để nâng cao hiệu quả trong việc theo dõi, giám sát, thu thập thông tin và kiểm tra, xử lý kịp thời các hoạt động bán hàng trên nền tảng TMĐT. Qua hơn ba năm hoạt động, Tổ công tác thương mại điện tử - truyền thông đã tiến hành theo dõi, phát hiện, phối hợp kiểm tra và trình người có thẩm quyền xử lý vi phạm 244 vụ, tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 5,2 tỷ đồng. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý 58 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT, phạt hành chính trên 1 tỷ đồng.

 

Để công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục thực hiện có hiệu quả thì cần có sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp, ngành, lực lượng chức năng và sự tích cực tham gia của toàn xã hội. Trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng, thực hiện; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong việc trao đổi thông tin, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tự bảo vệ mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa”.

 

Ông Vương Minh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk

Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bình ổn thị trường. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn ra với những phương thức hoạt động mới, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng, nhất là đối với lực lượng quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý các đối tượng vi phạm, đặc biệt là trên nền tảng TMĐT.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk Vương Minh Sơn, hoạt động kinh doanh trực tuyến ngày càng mở rộng với nhiều mô hình, chủ thể tham gia chuỗi cung ứng khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc xác định đối tượng vi phạm. Bởi, các đối tượng kinh doanh trên nền tảng TMĐT thường không có giấy phép kinh doanh, không hoạt động kinh doanh tại một địa điểm nhất định, hàng hóa được phân tán nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi; tất cả các thông tin về người bán và người mua gần như được ẩn danh và bảo mật bởi các đơn vị chủ trang TMĐT, các thông tin về việc giao dịch hàng hóa được mã hóa hoặc được trao đổi trực tiếp giữa các bên mua và bán nên việc xác minh hành vi vi phạm rất phức tạp.

Trong khi đó, các văn bản pháp luật quy định về kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đồng bộ, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung nên không kịp điều chỉnh những phát sinh mới trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên nền tảng TMĐT.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa các đơn vị chức năng chưa được thường xuyên, cũng như chưa có sự phối hợp chặt chẽ, tổng thể để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả…

Minh Tâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.