Multimedia Đọc Báo in

Tài nguyên khoáng sản: Quản lý chặt để khai thác bền vững

08:18, 04/06/2024

Tỉnh Đắk Lắk không những được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên đất, rừng mà còn rất phong phú và đa dạng về các loại hình khoáng sản. Do đó, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường là vấn đề rất quan trọng.

Nhiều hành vi xâm hại tài nguyên khoáng sản

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có hoạt động khai thác cát, tuy nhiên, công tác quản lý đang gặp nhiều khó khăn.

Đơn cử như ở huyện Krông Bông các con sông chảy qua với chiều dài hơn 85 km, có trữ lượng cát xây dựng rất lớn. Trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát.

Bên cạnh đó, hàng chục ki-lô-mét sông chưa được cấp phép khai thác cát, nhưng nhiều cá nhân, tổ chức vẫn khai thác lén lút trái phép. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay. Các đối tượng huy động tàu hút cát vào lúc đêm hôm vắng vẻ, thường từ 1- 5 giờ sáng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng địa phương đã tập trung truy quét, phát hiện, xử lý 13 vụ, 18 đối tượng khai thác, tàng trữ, vận chuyển cát trái phép.

Tàu khai thác cát trên sông Krông Ana.

Ngoài cát xây dựng, một số tài nguyên khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh cũng bị xâm hại. Cơ quan chức năng đã phát hiện, truy quét, xử lý nhiều trường hợp khai thác khoáng sản trái pháp luật.

Đơn cử như vào tháng 3/2024, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện 11 đối tượng có hành vi dựng lán trại, đưa phương tiện, máy móc vào khu vực suối thuộc thôn 10, xã Ea M’Doal (huyện M’Drắk), khai thác vàng trái phép. Lực lượng chức năng thu giữ 1 máy múc, 1 máy sàng, 2 máy bơm nước, 1,5 kg thủy ngân, 3 máng đãi vàng, 1 máy hàn gió đá, 1 cân tiểu ly điện tử và một lượng mạt màu vàng được gói trong 2 túi nilông.

Cũng trong tháng 3/2024, cơ quan chức năng đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Hoàng (59 tuổi, trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Tuấn Nhân, để điều tra về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Từ tháng 11/2022 – 11/2023, Nguyễn Hoàng đã có hành vi chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động khai thác đá xây dựng ngoài phạm vi khu vực được UBND tỉnh cấp phép khai thác và chế biến tại mỏ đá buôn Kmông, xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin), với khối lượng đá bazan khai thác trái phép hơn 73.000 m3, trị giá hơn 11 tỷ đồng.

Tính từ tháng 7/2022 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 225 vụ (39 tổ chức, 234 cá nhân) vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, trong đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142 vụ, số tiền hơn 8,6 tỷ đồng. Tuy số vụ vi phạm về khai thác khoáng sản (KTKS) có chiều hướng giảm, nhưng tình hình tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực này diễn biến phức tạp hơn, tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn, tăng cả về số lượng tang vật, phương tiện lẫn hậu quả thiệt hại.

Tại một số địa phương, tình trạng KTKS trái phép, vượt quá phạm vi, độ sâu, công suất, kê khai không đúng thực tế sản lượng; tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp… vẫn diễn ra phổ biến, làm thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.

Siết chặt quản lý khoáng sản

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân của tình trạng vi phạm trong lĩnh vực KTKS diễn biến phức tạp là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa thực sự nêu cao tinh thần trách nhiệm; công tác phối hợp giữa các lực lượng, các cấp, các ngành chưa đồng bộ; chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân trong quản lý, bảo vệ khoáng sản, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản.

Một điểm tập kết khoáng sản vật liệu tại xã Yang Reh, huyện Krông Bông.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu và giá cả khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cao, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ; tội phạm, vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh trật tự, đặc biệt là tại các địa phương triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh.

Do đó, ngày 24/5, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu tổ chức đấu giá cấp quyền KTKS đối với các khu vực mỏ là vật liệu xây dựng thông thường đủ điều kiện, cấp phép khai thác đất, đá san lấp; tăng cường công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản, thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các mỏ KTKS về việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản đối với công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Đối với Cục Thuế Đắk Lắk, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực KTKS; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ kế toán đối với các đơn vị khai khoáng; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu từ hoạt động KTKS; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi mua bán hóa đơn để hợp thức hóa chứng từ đầu vào, từ khâu khai thác, sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản.

UBND tỉnh đề nghị Công an tỉnh chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản; nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản như: KTKS trái phép, khai thác vượt công suất, ngoài phạm vi được cấp phép, sử dụng phương tiện khai thác, vận chuyển không có đăng ký, đăng kiểm, không phù hợp đề án, thiết kế kỹ thuật được phê duyệt; gian lận trong kê khai sản lượng khoáng sản, doanh thu thực tế nhằm trốn thuế; mua bán, sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm hợp thức hóa nguồn khoáng sản khai thác trái phép, vượt công suất, không rõ nguồn gốc.

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều mỏ khoáng sản với chủng loại, trữ lượng khác nhau như: sét cao lanh (ở huyện M’Drắk, TP. Buôn Ma Thuột), sét gạch ngói (huyện Krông Ana, Krông Pắc), vàng (huyện Ea Kar, M’Drắk), chì (huyện Ea H’leo), phốt pho (huyện Buôn Đôn), than bùn (huyện Cư M’gar), đá quý, đá ốp lát, đá xây dựng, cát xây dựng…

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.