Huyện Krông Ana:
Đẩy mạnh thu hút đầu tư tạo động lực phát triển
Xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng để khai thác phát triển và bứt phát mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng kinh tế, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, huyện Krông Ana đã và đang huy động các nguồn lực, tập trung kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công.
Huyện đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; tuyên truyền, vận động tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu, đầu tư, tiếp cận các nguồn lực trên địa bàn.
Ngoài ra, địa phương cũng tập trung rà soát, nghiên cứu và ưu tiên lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực có thế mạnh để mời gọi, thu hút đầu tư; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển DN và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, địa phương, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Krông Ana đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, đã có 8 dự án đầu tư trên địa bàn huyện với tổng kinh phí đăng ký hơn 5.455 tỷ đồng được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư ở các lĩnh vực: năng lượng, du lịch, giáo dục, thương mại dịch vụ, thể thao.
Đó là Dự án thủy điện Buôn Kốp (công suất 280 MW) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 4.991 tỷ đồng; Dự án Nhà máy cấp nước sạch Krông Ana (Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng ITOM), tổng vốn đầu tư 325 tỷ đồng; Dự án chợ Ea Bông của Công ty TNHH MTV Cao Thống U Minh, tổng vốn đầu tư 54,37 tỷ đồng; Dự án Xây dựng khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur (Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê), tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; Dự án Trường Mầm non Âu Lạc (Công ty TNHH Vận tải Hai Hùng), tổng vốn đầu tư 14,9 tỷ đồng; Dự án Nhà máy gạch Tuynel (Công ty TNHH Gạch Tuynel Việt Tân), tổng vốn đầu tư 8 tỷ đồng; Dự án Khu thể dục thể thao Tâm Tình của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tâm Tình, tổng vốn đầu tư 7,4 tỷ đồng; Dự án Trạm xăng dầu số 12 (Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Nai), tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng.
Chế biến cà phê theo cách truyền thống của đồng bào Êđê tại Công ty TNHH ÊĐê cafe (xã Dray Sáp) là một trong những thế mạnh để cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư tại huyện Krông Ana. |
Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn với các ngành, nghề công nghiệp chế biến nông sản, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp hỗ trợ; dệt may, da giày; các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Huyện Krông Ana hiện có 200 DN, 46 hợp tác xã, 13 tổ hợp tác và 1.982 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. |
Theo quy hoạch, trên địa bàn huyện Krông Ana có 3 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là: Cụm công nghiệp buôn Chăm (thị trấn buôn Trấp) có quy mô 50 ha; Cụm tiểu thủ công nghiệp tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp) quy mô 18,26 ha và Cụm tiểu thủ công nghiệp tại buôn Tuôr B (xã Dray Sáp), quy mô 10,2 ha. Đây là những dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là tạo việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện nay, UBND huyện Krông Ana đã lập Tờ trình đề xuất, triển khai các nội dung tiến tới thành lập Cụm công nghiệp buôn Chăm và kêu gọi nhà đầu tư triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật để thu hút các dự án đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, có một nhà đầu tư đang đề nghị đăng ký chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp buôn Chăm.
Huyện Krông Ana cũng đang chỉ đạo các phòng chuyên môn khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, tiếp tục thực hiện Dự án Điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Buôn Trấp... Đây được xem là tiền đề quan trọng để huyện tạo chuyển biến tích cực trong kêu gọi, thu hút đầu tư thời gian đến.
Công trình mới được xây dựng tại khu du lịch cụm thác Dray Sáp Thượng và Dray Nur phục vụ du khách. |
Theo ông Trần Phước Ku Ba, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, để thu hút càng nhiều DN vào đầu tư, huyện đề ra nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương như: chủ động đề xuất xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư, bảo đảm các tiêu chí vị trí khu đất phù hợp quy hoạch, hiện trạng, sơ đồ vị trí khu đất; lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện để sẵn sàng mời gọi đầu tư; tiếp tục triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm để đảm bảo thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các dự án đầu tư có tính khả thi cao.
Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để mời gọi các nhà đầu tư thực hiện đầu tư theo hình thức xã hội hóa thuộc các lĩnh vực: Y tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục và đào tạo, các chợ trung tâm xã, đầu tư sản phẩm nông nghiệp và công nghệ chế biến, sơ chế…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc