Sản xuất vụ Hè Thu 2024 đối diện bất lợi về thời tiết
Mùa khô kéo dài, mùa mưa đến muộn và tập trung vào những tháng gần cuối năm là những yếu tố thời tiết bất lợi cho vụ Hè Thu 2024. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho việc canh tác của nông dân cũng như bảo đảm mục tiêu kế hoạch đề ra của ngành nông nghiệp.
Hồ đập thiếu nước giữa mùa mưa
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa, tổng lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt khá thấp 418,3 mm (bằng 23,5% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm, tương đương 68,3% trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).
Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, mặc dù Tây Nguyên đã vào mùa mưa gần ba tháng nhưng tính đến ngày 15/7, trong 252 hồ chứa do đơn vị quản lý mới có 26 hồ đạt mực nước dâng bình thường; vẫn còn 7 hồ có mực nước dưới cống đáy, 115 hồ dung tích còn dưới 50%. Điều này đã khiến nhiều vùng không có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Hè Thu 2024. Dự báo nếu thời gian tới lượng mưa vẫn ít, các hồ chứa không tích đủ nước thì có 3.600 ha lúa có nguy cơ thiếu nước, khô hạn.
Nhiều diện tích lúa vụ Hè Thu trên địa bàn xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) bị thiếu nước từ đầu vụ sản xuất. |
Đơn cử như xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), vụ Hè Thu 2024, toàn xã gieo trồng 4.545 ha cây trồng các loại, trong đó có 2.100 ha lúa nước. Đến nay, nhiều loại cây trồng đã cơ bản được bà con gieo trồng xong như lúa, khoai lang, một số loại đậu… Tuy nhiên, do mới trải qua đợt hạn nặng ở vụ sản xuất Đông Xuân 2023 - 2024, đến đầu vụ Hè Thu mưa lại ít nên 3 hồ chứa trên địa bàn xã (Vụ Bổn, Suối Hai, Ea Nông) hiện vẫn chưa có nguồn nước để tích trữ, lượng nước trong hồ hiện đang nằm ở mực nước chết.
Để chủ động ứng phó thiên tai, bảo vệ sản xuất cũng như tài sản và tính mạng của người dân, UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, cần tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. |
Ông Võ Văn Đông (thôn Đoàn Kết, xã Vụ Bổn) cho hay, gia đình ông có 8 sào lúa nước. Sau hai trận mưa (vào cuối tháng 5) thì gia đình tiến hành gieo sạ nhưng được một tháng sau thì không có mưa, trong khi mực nước hồ Vụ Bổn vẫn đang ở dưới đáy cống, không chảy được vào hệ thống kênh dẫn khiến cho cánh đồng có 50 ha nằm dọc theo kênh N6 điêu đứng vì không có nước để tưới, nhiều thửa ruộng đã khô nứt nẻ khi mới vào đầu vụ.
Trước tình hình trên, UBND xã Vụ Bổn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk – Chi nhánh huyện Krông Pắc lắp trạm bơm dã chiến, bơm nước từ lòng hồ ra các kênh để phục vụ công tác chống hạn cho người dân trong 10 ngày. Hiện tại, trên địa bàn xã cũng đã có vài trận mưa, nước trên cánh đồng cũng đã cơ bản phục vụ cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Tuy nhiên, nếu thời gian tới mưa vẫn ít, các hồ đập không đủ nước để tích trữ thì nguy cơ thiếu nước vẫn rất cao, có khoảng 500 ha sẽ bị ảnh hưởng. “Chưa có năm nào sản xuất vụ Hè Thu lại rơi vào tình trạng này, hồ chứa cũng thiếu nước ngay trong mùa mưa. Thời tiết năm nay thực sự có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, cực đoan hơn, vì vậy ngành nông nghiệp cần có những giải pháp phù hợp để bảo đảm kế hoạch sản xuất”, ông Lê Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn băn khoăn.
Chủ động ứng phó thiên tai vào cuối vụ
Theo số liệu của Sở NN-PTNT, đến nay một số địa phương vẫn chưa hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu. Toàn tỉnh gieo trồng được 174.954 ha cây trồng ngắn ngày các loại (86,74% kế hoạch); trong đó, lúa 56.720 ha (94,53%), ngô 45.356 ha (94,89%), khoai lang 1.843 ha (76,47% kế hoạch)... Một số địa phương khó khăn về nguồn nước đầu vụ như huyện Ea Súp, nhiều diện tích đến nay bà con mới tiến hành gieo sạ sau đợt mưa hồi giữa tháng 7/2024.
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, vụ Hè Thu 2024, đơn vị phục vụ tưới cho gần 27.300 ha cây trồng ngắn ngày các loại, trong đó có gần 25.200 ha lúa nước.
Hiện nay, đã lên phương án chống hạn cho 48 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đang khó khăn về nguồn nước dời kế hoạch gieo trồng vụ Hè Thu. Đối với những vùng bà con đã gieo sạ xong, công ty bố trí các máy bơm để bơm tát từ mực nước chết vào hệ thống kênh hoặc bơm từ các công trình thủy lợi gần đó để chống hạn cho những diện tích lúa đang thiếu nước.
Song, việc thay đổi lịch thời vụ cũng khiến sản xuất vụ Hè Thu gặp nhiều rủi ro ảnh hưởng đến năng suất do mưa bão, ngập lụt về cuối vụ… Vì theo dự báo, mưa lũ có khả năng xảy ra liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 10, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, ngập úng tại các khu vực trũng, thấp…
Hồ Ea Súp thượng hiện vẫn chưa tích đủ nước để phục vụ sản xuất cho vùng hạ du. |
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, năm nay thiên tai sẽ rất cực đoan. Từ nay đến cuối năm dự báo sẽ có vài trận bão đổ bộ trực tiếp vào Việt Nam. Do đó, các đơn vị và địa phương cần hết sức chú ý, chủ động có những giải pháp để phòng, chống từ bây giờ.
Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức, xây dựng, rà soát, cập nhật phương án, kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh, bao gồm các kịch bản về nguồn nước trữ trong công trình thủy lợi, khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn. Xác định cụ thể những vùng có nguy cơ thiếu nước, ngập lụt theo các kịch bản và giải pháp ứng phó cụ thể.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc