Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

08:32, 13/09/2024

Việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, thiết lập kênh phân phối mới và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Công ty Cổ phần Ê Đê Café (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) là DN sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm từ cà phê.

Trước đây, công ty chủ yếu bán hàng qua kênh truyền thống là bán lẻ hoặc phân phối cho các đại lý nên nguồn khách hàng còn hạn chế. Với mục tiêu mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và thị trường, từ năm 2023, công ty đã chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Công ty đã lập website, mở các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo để giới thiệu và bán hàng trực tuyến. Đồng thời, sử dụng công nghệ thực tế ảo giúp khách hàng khám phá, trải nghiệm sản phẩm từ mọi góc độ nhằm tăng cường sự tin tưởng và thu hút người mua.

Bên cạnh đó, công ty xây dựng những kênh truyền thông số trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, TikTok… để có thể tương tác trực tiếp và thu thập phản hồi nhanh chóng từ khách hàng; thường xuyên đăng tải, chia sẻ những video, câu chuyện kể về nguồn gốc, quá trình sản xuất ra sản phẩm nhằm tăng cường sự nhận diện thương hiệu cho sản phẩm. Ngoài ra, công ty cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích dữ liệu khách hàng, dự đoán xu hướng tiêu dùng giúp tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, quảng cáo và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk kết nối giao thương với doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị bằng hình thức trực tuyến.

Theo ông Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty Cổ phần Ê Đê Café, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ số trong xúc tiến thương mại không chỉ giúp DN giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm mà còn tiếp cận thị trường, khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Hiện nay, kênh bán hàng trực tuyến đã chiếm 60% doanh thu của công ty. Cùng với thị trường tiêu thụ trong nước thì công ty đã xuất khẩu nhiều lô hàng cà phê bột và cà phê hòa tan sang các nước Malaysia, Singapore, Mông Cổ và Canada.

 

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 248 website bán hàng đã thông báo với Bộ Công Thương, có hơn 2.000 gian hàng trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và có một website cung cấp dịch vụ TMĐT của tỉnh là chonongsandaklak.vn. Ngoài ra, xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối hàng hóa cũng đang được nhiều cá nhân, DN lựa chọn.

Tương tự, nhờ sớm nhận thấy tiềm năng của TMĐT, từ năm 2019, HTX Nông nghiệp Hena (TP. Buôn Ma Thuột) – chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh các loại tinh dầu và dầu ép lạnh đã chú trọng phát triển kinh doanh trên các nền tảng công nghệ số.

Đến nay, HTX đã tạo dựng được thương hiệu và kinh doanh có hiệu quả trên các nền tảng mảng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và TMĐT (Alibaba, Shopee, Lazada, Chus, Alibaba). Từ đó, giúp HTX tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng mới và ký kết được nhiều hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các DN lớn trong và ngoài nước như Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Úc.

Bà Tống Thị Hoài Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hena cho biết: “Thông qua các nền tảng số, khách hàng ở khắp nơi trên thế giới, từ thành phố lớn đến các vùng nông thôn đều có thể dễ dàng tìm kiếm và mua các sản phẩm của đơn vị. Từ đó giúp đơn vị mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng doanh số bán hàng”.

Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, hiện nay trong thời đại 4.0, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòn bẩy quan trọng để các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao vị thế, sức cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường.

Doanh nghiệp Đắk Lắk livestream bán hàng trên TikTok Shop

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp để hỗ trợ các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình hội thảo, hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, những giải pháp kinh doanh trực tuyến hiệu quả trên các sàn TMĐT góp phần thay đổi nhận thức, tư duy thương mại cho các DN, HTX, tổ chức kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, tổ chức kết nối cho các DN, HTX tham gia trưng bày, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại những hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến; hỗ trợ xây dựng website bán hàng trực tuyến, giúp tạo dựng gian hàng và đưa các sản phẩm hàng hóa lên các sàn TMĐT uy tín trong nước và quốc tế như: Sendo, Voso, Buudien.vn, Ecofarmpay.com, Shopee, Alibaba.com…

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho DN, HTX như: hướng dẫn kỹ năng bán hàng thông qua livestream, cách thức xây dựng nội dung quảng cáo hiệu quả, phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc