Multimedia Đọc Báo in

Giữ gốc rễ sâu bền của Tây Nguyên (kỳ 1)

08:04, 24/09/2024

Trên dáng hình chữ S của đất nước có một đại ngàn xanh thẳm, nơi những bản trường ca “chảy” bất tận qua thời gian, không gian.

 Trên dáng hình chữ S của đất nước, có một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đồng bào các dân tộc anh em từng đồng cam cộng khổ, kiên cường, bất khuất làm nên những mốc son trong lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trên dáng hình chữ S của đất nước có một vùng đất trù phú, nơi khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam không ngừng được đắp bồi bằng chính sức mạnh nội sinh qua bao thăng trầm của lịch sử. Đó là Tây Nguyên! 

Kỳ 1: Đập tan “tà bóng”

Máu của đồng chí, đồng bào vẫn đổ xuống mảnh đất vừa trải qua chiến tranh, những buôn làng chìm trong sự giết chóc, ám ảnh…, chẳng thể nào kể hết những tội ác mà tổ chức phản động FULRO đã để lại trên khắp buôn làng ở 5 tỉnh Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Sau 17 năm đấu tranh, bóc gỡ, năm 1992, tổ chức FULRO đã bị phá rã hoàn toàn trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống bình yên của nhân dân. 

Chúng dọa dẫm, kích động, lôi kéo người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia; phục kích, giết hại và làm bị thương cán bộ, chiến sĩ; cướp súng đạn, hàng hóa, tập kích đường giao thông, đốt phá trụ sở. Chúng giết bất cứ ai nếu người đó không theo chúng…

Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát triển góp phần thắt chặt tình đoàn kết của các dân tộc ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Nỗi ám ảnh bị bắn, giết, bắt vào rừng

Chúng tôi gặp Y Bhók Mlô trong căn nhà nhỏ ở buôn H’đing (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk). Trên khuôn mặt gầy gò, rúm ró, toàn bộ phần mũi gần như không còn, những vết sẹo lớn kéo đôi mắt ông hõm sâu, làm miệng méo xệch.

Ông Y Bhók bảo: "“Dấu tích” của FULRO đấy!". Vết thương theo năm tháng đã liền sẹo, da thịt đã không còn đau, nhưng nỗi ám ảnh một thời bị bắn, giết, bắt bớ với ông vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. 50 năm trước, khi là một thanh niên 17 tuổi, Y Bhók rong ruổi theo người Kinh đi buôn bán ở khắp vùng Buôn Hồ - Krông Búk. Giữa năm 1975, khi đang trên đường thì ông bị một tốp FULRO chặn lại, chĩa súng vào người. Để bảo toàn tính mạng, Y Bhók và người bạn vét sạch tất cả tiền bạc, vốn liếng đưa cho chúng. “Vừa sợ, vừa tức. Giải phóng rồi, đường của mình, mình đi sao chúng nó dám chặn, dám cướp tiền, đe dọa”! Suy nghĩ ấy thôi thúc Y Bhók băng qua các lối mòn, chạy nhanh đến báo tin cho chốt bộ đội ở khu vực đèo Hà Lan. Nhưng khi dẫn đường cho bộ đội đến nơi mình bị cướp, FULRO đã lẩn vào rừng. Cũng từ hôm ấy, Y Bhók xin theo bộ đội làm du kích, quyết tâm đuổi sạch FULRO ở buôn làng.

Nhiệt tình, năng nổ, Y Bhók được giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng tiểu đội du kích, vừa nắm tình hình ở các buôn, vừa tham gia bảo vệ trụ sở và bộ máy chính quyền non trẻ sau giải phóng. Ban ngày thì gác trụ sở nhưng cứ chiều đến, cán bộ, du kích chia nhau đến ngủ nhờ ở nhà dân để dễ nắm tình hình và cũng là để tránh FULRO tập kích, tấn công.

Khoảng 3 - 4 giờ chiều 20/10/1976, khi Y Bhók đang trực tại Ủy ban xã Ea Đê (thuộc địa phận huyện Krông Búk ngày nay) thì một tốp FULRO ập đến nã đạn vào trụ sở. Không kịp trở tay, Y Bhók bị trúng đạn ở giữa mặt, lịm đi. Ngay sau khi nghe tin, cán bộ xã đã nhanh chóng đưa Y Bhók đi cấp cứu. Suốt 3 - 4 năm ròng, ông được đưa đi nhiều bệnh viện từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh, rồi lại ra Huế và trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Nhờ nỗ lực của các y bác sĩ, ông đã giữ được tính mạng nhưng đã mất hoàn toàn phần mũi, mặt biến dạng do vết thương FULRO gây ra.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà trao đổi về công tác đấu tranh chống FULRO.

Tuổi thơ của ông Y Phim Êban, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng gắn liền với những ngày tháng buôn làng sống co cụm trong các gian nhà sàn bởi nỗi sợ hãi FULRO.

Ông Y Phim kể: “Ngày ấy, những buôn làng ở Cư Êbur tách biệt giữa núi rừng, nơi náu mình của nhiều đối tượng thuộc Trung ương FULRO ở Đắk Lắk và cũng là nơi xảy ra nhiều vụ FULRO thảm sát đồng bào vô tội. Buôn Ea Bông, nơi mình sống luôn bị FULRO chặn đường đi rẫy, cướp lương thực. Người lớn trong nhà lúc nào phải dặn trẻ nhỏ không được đi ra đường. Đi rẫy thì sợ FULRO chặn cướp, đi ra khỏi buôn gặp người Kinh thì sợ FULRO trả thù vì nghĩ mình đi báo cho bộ đội, chính quyền. Chống lại là bị đánh, bị giết, bị bắt mang vào rừng nên người trong buôn ai cũng sợ hãi, chẳng dám đi đâu”.

Một quyết sách soi đường, mở lối

 

“Cuộc truy quét FULRO thắng lợi có ý nghĩa chính trị hết sức to lớn, góp phần đập tan âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, làm cho tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung ngày càng ổn định; lòng tin của nhân dân các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa được tăng lên, khối đoàn kết, gắn bó cộng đồng các dân tộc ngày càng được củng cố, phát triển” – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Lê Chí Quyết.

Gần 40 năm gắn bó với Tây Nguyên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên - Bộ Công an được mệnh danh là “khắc tinh của FULRO” bởi đã dành trọn sự nghiệp của mình tham gia giải quyết các vấn đề FULRO.

Ông chia sẻ, nhận diện rõ âm mưu, ý đồ của những người cầm đầu FULRO, cũng như các thế lực thù địch với Việt Nam là thực hiện chính sách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia để trị, chia để làm suy yếu Việt Nam, ngày 2/2/1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 04-CT/TW về việc “Tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam khu V cũ". Chỉ thị 04 là bước chuyển hướng quan trọng trong vấn đề đấu tranh giải quyết FULRO.

Đảng ta đã nhận định rõ: “Vấn đề FULRO không đơn thuần là vấn đề quân sự mà chủ yếu là vấn đề chính trị, phải được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài. Việc truy quét FULRO phải gắn liền với thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, đối với tôn giáo, gắn liền với các nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Tây Nguyên”. Thực hiện Chỉ thị 04, các tỉnh Tây Nguyên đã nhanh chóng thành lập các “Ban Chỉ đạo 04” cùng “Lực lượng 04”.

Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (lúc đó là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 04 tỉnh Đắk Lắk) nhớ lại, đó là thời kỳ gian khổ, khó khăn nhất mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã trải qua.

Thực hiện Chỉ thị 04, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đã toàn diện và chặt chẽ hơn, trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội. Trong điều kiện chính quyền cơ sở còn non yếu, lại phải tập trung cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới nên Tỉnh ủy đã động viên toàn Đảng, toàn quân tập trung phát huy tối đa mọi khả năng, nguồn lực.

Một mặt chỉ đạo truy quét lực lượng cầm đầu, cốt cán FULRO ở ngoài rừng, bóc gỡ cơ sở ngầm, một mặt tăng cường vận động quần chúng, lấy công tác dân vận làm chìa khóa kêu gọi các đối tượng lầm đường lạc lối quay trở về với buôn làng.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng cơ động biên phòng, xây dựng tốt quan hệ với các đồn biên phòng bạn (Mondulkiri) để giúp nhau khép chặt hành lang biên giới… Đến năm 1992, những tốp FULRO cuối cùng đã ra đầu hàng, kết thúc 17 năm gian khổ của quân và dân Tây Nguyên.

Là một trong những thanh niên trẻ, nhiệt huyết tham gia trong “Lực lượng 04”, ông Y Sơk Byă (buôn Kdun, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) nhớ lại: “Mình tham gia “Lực lượng 04” của Công an tỉnh Đắk Lắk chống FULRO ở các buôn làng từ Cư Jút (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) đến Buôn Ma Thuột, Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) khi 21 tuổi. Hành lý mang theo chỉ hai bộ quần áo, xin ở nhờ ngay trong chính gia đình của những người đi theo FULRO để tìm hiểu đời sống của họ, vận động, thuyết phục họ kêu gọi con em mình trở về.

Ngày ấy, số đối tượng bị lôi kéo vào rừng muốn trở về nhiều lắm nhưng họ sợ quay về sẽ bị bắt giữ, trừng phạt như lời đe dọa của những đối tượng cầm đầu. Vì thế, mình đã viết hàng trăm lá thư đưa cho người nhà của đối tượng, đưa cho cả trẻ con chăn trâu, chăn bò để khi gặp các đối tượng FULRO ở đâu thì đưa cho họ.

Nội dung thư ghi rõ, ai muốn trở về thì cầm thư này về gặp Y Sơk, Y Sơk sẽ đứng ra bảo đảm, cam kết với đối tượng là Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho những người lầm đường lỡ bước trở về với gia đình, vợ con, dòng họ. Từ đó, rất nhiều người tin tưởng, mang theo vũ khí trở về giao nộp cho công an và chính quyền".

Ông Y Sơk Byă ở buôn Kdun, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (bên phải) kể lại kỷ niệm khi tham gia “Lực lượng 04".

Hơn 5 năm trước, trong một lần dự đám cưới người họ hàng ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), ông Y Sơk gặp lại một đối tượng FULRO từng được ông và lực lượng du kích cứu mạng khi trúng đạn tại khu vực buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Sau hơn 40 năm, cả hai nhận ra nhau ngay, tay bắt mặt mừng, cùng kể về chuyện FULRO dù mỗi người từng ở một “chiến tuyến”.

Ông Y Sơk chia sẻ, đối tượng FULRO ấy bị trúng đạn ở cả hai chân, bị bỏ lại khi những đối tượng khác tháo chạy vào rừng. Ông đã cùng với anh em du kích thay phiên nhau cáng người này ra đến cầu 14 mới liên lạc được với Công an tỉnh Đắk Lắk điều xe chở đi bệnh viện. Nhờ chữa trị kịp thời, người này đã giữ được tính mạng, hiện đang sinh sống cùng gia đình ở huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk). Lúc cáng đối tượng FULRO đi, phần mệt vì đường xa, phần vì căm phẫn những tội ác của chúng, anh em có lúc muốn bỏ đối tượng lại ở bờ suối. Nhưng nghĩ đến chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nghĩ đến tình cảm đồng bào, anh em du kích lại động viên nhau cố gắng làm tròn sứ mệnh nhân đạo mà Đảng và Nhà nước đã giao.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Dập tắt ảo vọng

Lê Hương - Đinh Nga - Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.