Giữ vững “hạt nhân” ở cơ sở (kỳ 1)
Thôn, buôn đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk không chỉ là nơi cư trú mà còn không gian gắn kết, xây dựng tính cộng đồng, bảo tồn bản sắc văn hóa. Trải qua bao thăng trầm, buôn làng luôn giữ vai trò “hạt nhân” ở cơ sở từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương và nỗ lực, quyết tâm vươn lên của chính chủ thể ở mỗi buôn làng.
Kỳ 1: Những "cơn bão làng"
Đói nghèo, hủ tục lạc hậu là những “cơn bão” tác động đến các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. “Bão” tràn qua trong từng thời điểm đã để lại nhiều hệ lụy…
Những ngày gian khổ, thử thách do đói khát, bệnh tật vẫn còn đọng trong tâm trí của bà con ở một số buôn làng như bài học thực tiễn và lời nhắc nhở trên hành trình dựng xây và phát triển quê hương.
Một thời sinh sống nhờ… trời
Khoảng vài chục năm về trước, các buôn làng trên địa bàn tỉnh không chỉ phải chịu sự chống phá của FULRO mà còn đối diện với đói nghèo, khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Di cư từ phía Bắc vào xã Cư Pui (huyện Krông Bông) từ những năm 1990, đồng bào Mông sống ở thôn Cư Tê vẫn còn nhớ như in những ngày đói khổ, đến ngô, sắn cũng không đủ ăn. Bí thư Chi bộ thôn Cư Tê Hùng Xuân Thành, một trong những người Mông đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, nhớ lại: “Ngày đó, nơi đây địa hình đồi núi cách trở, cách xa trung tâm xã cả mấy chục cây số. Đường sá chưa có, đất sản xuất cũng không nên người dân chỉ sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, cái cây, con thú trong rừng không thể nuôi sống họ mãi. Từ cái đói dẫn đến cái kém. Bệnh tật tìm đến mà không có tiền đi chữa, con cái không được đi học. Cuộc sống không chỉ đói nghèo mà còn tù mù về văn hóa”.
Đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) vui Tết Độc lập. |
Những năm tháng đói kém cũng là đoạn ký ức khó quên của ông Vàng Seo Phì và nhiều hộ dân ở thôn Cư Tê cũng như các thôn đồng bào Mông những địa bàn lân cận. Đến Cư Pui từ năm 1996 theo lời thuyết phục của họ hàng, gia đình ông Phì cùng 4 hộ khác trong dòng họ chọn một khoảnh đất trên cổng trời Ea Rớt, tận sâu trong rừng để dựng lều ở tạm. “Những ngày mới đến, địa hình chưa quen thuộc, nhà cửa không có, đường sá cũng không nên cuộc sống các hộ dân bấp bênh, chỉ dựa tự nhiên, cây cỏ. Có khi mưa to gió lớn cuốn mất lều, người dân phải di chuyển đến nơi khác dựng lại. Cuộc sống du canh, du cư, sản xuất thì phụ thuộc cả vào trời nên đói kém liên miên”, ông Phì hồi tưởng.
Hơn 40 năm gắn bó với xã Cư Pui, ông Nguyễn Văn Tâm, Nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Pui được xem là người theo sát từng bước đi của người dân trên địa bàn xã nói chung và các thôn đồng bào Mông nói riêng. Ông Tâm chia sẻ, những năm đầu mới đến Cư Pui là những ngày tháng khó quên với đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống và cả cán bộ, chính quyền nơi đây. Đồng bào di cư vào với số lượng đông, sống trong rừng, nơi định canh, định cư chưa có, nạn đói kém và phức tạp về an ninh trật tự đã gây nên áp lực không nhỏ cho chính quyền địa phương.
Các đồng chí lãnh đạo của Trung ương và tỉnh lắng nghe tâm tư người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Luẩn quẩn nợ - nghèo vì hủ tục
“Đối với tỉnh Đắk Lắk, thôn, buôn là địa bàn chiến lược và là “hạt nhân” ở cơ sở. Buôn làng có lúc trải qua khó khăn, bà con thiếu ăn, thiếu mặc nhưng luôn nỗ lực, đoàn kết xây dựng buôn làng phát triển”- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Y Luyện Niê Kđăm. |
Cùng với các vấn đề về an ninh, đời sống kinh tế, người dân các thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từng phải đối diện với những hệ lụy do hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Sự tàn phá của nó cũng khiến bà con lao đao và rơi vào vòng xoáy đói nghèo, lạc hậu.
Tổ dân phố Cư Blang (trước đây là buôn Cư Blang), thị trấn Pơng Drang (huyện Krông Búk) có 320 hộ, 1.620 nhân khẩu, trong đó 99% là đồng bào Êđê. Cách đây hơn 20 năm, nơi đây tồn tại rất nhiều hủ tục như: cúng bái khi có người đau ốm; hôn nhân cận huyết thống; lấy vợ, lấy chồng sớm cho con để có người giúp việc nhà, lao động sản xuất…
Đặc biệt hủ tục tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, kéo dài 5 - 7 ngày, trung bình một đám ma, cưới hỏi, việc làm thịt mấy chục con heo, con bò, rất tốn kém và lãng phí. Mỗi lần có cưới hỏi là cả buôn nghỉ làm một tuần để chung vui. Nếu không có kinh phí tổ chức thì gia đình phải vay mượn khắp nơi hoặc ký nợ ở các đại lý thu mua nông sản, sau đó bán cà phê, bắp giá rẻ để trừ nợ. Nghèo đói vì vậy cứ dai dẳng vây bám năm này qua năm khác.
Phụ nữ dân tộc Êđê ở buôn M'Oa, xã Cư Huê (huyện Ea Kar) giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. |
Bà Vũ Thị Oanh, hiện là Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cư Blang, người đã hơn 40 năm gắn bó với địa bàn này, vẫn nhớ như in ký ức về tập tục để người chết trên sạp đan bằng cây tre, lồ ô ở giữa nhà của người dân trong vùng. Thi hài chỉ được đắp tấm chăn thổ cẩm truyền thống, đến khi đi chôn mới khâm liệm đưa vào quan tài. Khi đào huyệt chôn, người chết không được xây mộ mà đắp đất lên trên. Sau khi chôn thì cắm một ống lồ ô rỗng ruột thông xuống miệng người chết, người nhà mang cơm, rượu, thức ăn cho người chết qua ống đó 1 - 2 lần mỗi ngày, kéo dài vài tháng thì mới chấm dứt.
Hệ lụy sau mỗi đám tang truyền thống của người Êđê không chỉ là những món nợ lớn về kinh tế, kìm hãm sự phát triển, dễ lây lan mầm bệnh mà còn kéo dài tâm lý u uất, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc của những người thân trong gia đình.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Chung một chữ “đồng”
Xuân Lan – Chuyên Quỳnh
Ý kiến bạn đọc