Những quyết sách trên hành trình thế kỷ (kỳ 1)
Năm 2024 là dấu mốc Đắk Lắk 120 tuổi. Trên hành trình dọc dài thế kỷ đấu tranh, bảo vệ, dựng xây và phát triển, biết bao con người, biết bao công trình, thành quả trên mặt trận kinh tế, đặc biệt là những quyết sách đánh thức, phát huy những tiềm năng, lợi thế chủ lực, đã và đang được ghi dấu để chung sức gây dựng một cơ đồ Đắk Lắk như hôm nay…
Kỳ 1: Kỳ tích đất hoang... "hóa vàng"
Đắk Lắk cũng có những cánh đồng mẫu lớn, những vựa lúa với dẻo thơm hạt gạo nức tiếng nhiều vùng miền. Sẽ rất bình thường nếu không phải những cánh đồng ấy được khai sinh từ vùng đầm lầy hoang hóa hoặc đất đai khô cằn đá sỏi, được cải biến, “hóa vàng” bằng sự phi thường của sức người và gây dựng nên cơ đồ cho ngành lúa gạo trên cao nguyên.
Sau giải phóng, dân số Đắk Lắk có khoảng 321.000 người thì trên 30.000 người bị đói đứt bữa cần cứu trợ khẩn cấp. Tháng 6/1975, Trung ương đã phân phối khẩn cấp cho tỉnh 2.000 tấn lương thực, hàng trăm tấn xăng dầu, vải, đường, vật tư để cấp cho dân nhằm giải quyết phần nào yêu cầu cấp thiết. Lương thực được coi là mục tiêu số một, phải bằng mọi cách để làm ra lương thực.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cánh đồng Ea Kuăng (huyện Krông Pắc) tháng 2/1980. Ảnh tư liệu |
“Đánh thức” đất hoang
Giải quyết bài toán lương thực, cùng với làm thủy lợi, Tỉnh ủy Đắk Lắk phát động phong trào đẩy mạnh khai hoang, phục hóa, tăng gia sản xuất hoa màu để tạo nguồn lương thực, thực phẩm. Các ban, ngành, đoàn thể sát cánh cùng nông dân cải tạo đồng ruộng, tháo gỡ bom mìn, dây kẽm gai để lấy đất trồng cây lương thực. Từ sự bức thiết của thực tiễn, ngày 24/11/1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo nông – lâm nghiệp gồm 14 thành viên do đồng chí Phan Tấn Trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban.
Chỉ một năm sau giải phóng, một bước tiến vượt bậc là toàn tỉnh đã khai hoang được 2.040 ha; định canh, định cư 46 xã với 13.589 hộ. Tổng sản lượng lương thực của tỉnh đạt 114.600 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm 1975.
Đầu năm 1977, một chiến dịch rầm rộ 100 ngày sản xuất lương thực, thực phẩm theo phát động của Tỉnh ủy và đã được các địa phương hưởng ứng thi đua bằng các công trình thủy lợi, khai hoang, xây dựng các cánh đồng sản xuất lúa. Cuối tháng 5/1978, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân quyết tâm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Đảng bộ đã mở công trường khai hoang, xây dựng cánh đồng định canh định cư tại vùng Buôn Triết với diện tích từ 10.000 lên 15.000 ha.
Khí thế của những ngày ấy vẫn còn in sâu trong ký ức của nhiều người. Đại công trường Buôn Triết có lúc đông nhất lên đến hàng vạn người, một số cơ quan chuyển xuống làm việc tại đây để vừa chỉ đạo công việc chung của tỉnh, vừa quản lý công trường. Đồng chí Trần Kiên, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp xuống ăn ở giữa vùng đầm lầy để chỉ huy. Chinh phục vùng đầm lầy hoang vu, bạt ngàn lau sậy, những người đi khai hoang mở đất chặt tre nứa làm lán trại, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, công việc nặng nhọc, cộng thêm muỗi, vắt bu bám dày đặc nên tình trạng ốm đau, sốt rét xảy ra thường xuyên. Không có phương tiện cơ giới, dao, rựa, cuốc xẻng là công cụ chủ yếu được dùng để phát dọn, đốt cây cỏ rồi chia đất ra thành từng ô và đắp thành bờ ruộng.
Krông Búk hạ là một trong những công trình thủy lợi ghi dấu ấn trên hành trình xây dựng và phát triển Đắk Lắk. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đánh dấu bước phát triển quan trọng, đưa nền kinh tế của tỉnh bước vào giai đoạn đổi mới. Nghị quyết Đại hội xác định lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, lương thực làm bàn đạp, phấn đấu đến năm 1990, dù dân số biến động vẫn phải đạt mức lương thực bình quân đầu người 300 kg/năm.
Ngày 26/3/1987, Tổng đội Thanh niên xung phong được thành lập với nhiệm vụ tiếp tục khai hoang, mở rộng cánh đồng. Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thanh Tương kể lại: Thời điểm đó, ông là Bí thư Tỉnh Đoàn kiêm Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong.
Vạch lau lách tạo đường tạo lối mà đi, phát quang cỏ dại, dụng cụ chủ yếu là cuốc xẻng, dao, rựa, lực lượng thanh niên xung phong phối hợp với các lực lượng khác khai hoang 3.000 ha, cùng người dân khai khẩn đã mở rộng cánh đồng Buôn Triết nối liền từ các xã Buôn Triết, Buôn Tría của huyện Lắk sang huyện Krông Ana, Quảng Phú, Đức Xuyên (Krông Nô – Đắk Nông ngày nay).
Đến năm 1990, với dân số tăng gần 1 triệu người (vượt dự kiến 130 nghìn người), lương thực bình quân vẫn đạt 300 kg/người theo chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
Năm 1990, diện tích lúa nước toàn tỉnh là 30.000 ha, sản lượng 251.400 tấn. Đến nay, với diện tích hơn 100.000 ha, sản lượng năm 2023 khoảng 800.000 tấn, sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. |
Quyết sách khai hoang phục hóa đặt nền móng, tạo hình tạo dáng cho những cánh đồng rộng lớn trên địa bàn tỉnh. Bà con nông dân đã biết cấy lúa nước, bài toán lương thực từng bước được giải quyết, tạo đà để hoạch định chính sách, mở ra hành trình mới trên con đường phát triển.
“Đổi đời” cho cây lúa
Trên những vựa lúa Quảng Điền (huyện Krông Ana), Buôn Tría (huyện Lắk), Ea Lê (huyện Ea Súp) hôm nay, “cây cứu đói” dần được sang tên đổi họ thành “cây làm giàu”, hơn thế còn được gây dựng thương hiệu để sánh vai cùng nhiều hàng hóa trên thương trường.
Krông Ana là một trong những địa phương có diện tích trồng lúa nước lớn của tỉnh, hằng năm gieo trồng khoảng 12.000 ha. Lúa gạo đóng góp vào giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của huyện khoảng 20%.
Địa phương đã xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”. Để có thêm “trợ lực” cho nông dân trồng lúa, các hợp tác xã được thành lập, đứng ra đảm nhiệm vai trò tìm kiếm, kết nối, cung ứng giống lúa đa dạng, chất lượng, hướng dẫn quy trình canh tác, chuyển giao kỹ thuật, sản xuất, công nghệ sau thu hoạch.
30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lần lượt được ra đời, trong đó có 7 hợp tác xã liên quan đến lúa gạo, góp phần thúc đẩy liên kết trong sản xuất, đưa sản phẩm lúa gạo trở thành hàng hóa, từng bước chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhật Minh (thôn 6, xã Bình Hòa) đã liên kết với người dân sản xuất hơn 300 ha lúa nước. Hiện, hợp tác xã có 18 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Đây cũng là đơn vị đầu tiên đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”.
Cơ giới hóa trên những cánh đồng mẫu lớn ở Đắk Lắk. Ảnh: Đàm Quỳnh Lan |
Nghề trồng lúa truyền thống đã trở thành nghề “làm giàu” cho không ít hộ, hợp tác xã ở đây. Hộ ít có vài sào, đôi ba héc ta, hộ nhiều có đến 5 - 7 ha. Đặc biệt, việc trồng giống lúa ngon nhất thế giới - ST25 bằng phương pháp hữu cơ, VietGAP đang được người dân, hợp tác xã ở địa phương áp dụng và nhân rộng diện tích. Anh Lê Quang Thuận (thị trấn Buôn Trấp) chia sẻ, đã qua rồi cái thời… làm lúa chỉ để cứu đói. Gia đình anh có 6 ha trồng lúa, canh tác hai vụ/năm. Mấy năm trở lại đây, anh “trung thành” với giống lúa ST24, ST25 – lúa chất lượng cao, cho năng suất và giá trị vượt trội. Trung bình mỗi héc ta, anh thu hoạch được khoảng 10 tấn lúa. Mà cây lúa được tận thu từ gốc đến ngọn: Thu hoạch lúa xong thì gom rơm về bán, gốc rạ trở thành phụ phẩm, tiếp tục bón cho cây trồng.
Nơi miền biên Ea Súp mà một thời cấp ủy và chính quyền địa phương nhiều lần họp chỉ để bàn về 7 chữ: “Đất này có làm ăn được không” bởi nỗi lo khô cằn, nắng cháy, sa mạc hóa, non nửa thế kỷ nay, những cánh đồng lúa của Ea Lê là điểm sáng gieo niềm vui no ấm. Giữa muôn vàn khó khăn thì cây lúa trở thành “điểm tựa” vững chắc cho kinh tế của địa phương. Ea Lê có gần 2.400 ha trồng lúa, cho sản lượng hơn 17.000 tấn/năm. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hoa cho biết, với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững và xây dựng sản phẩm mang thương hiệu "Gạo Ea Lê", xã đã triển khai đồng bộ các giải pháp trong sản xuất nông nghiệp để từng bước hình thành quy trình sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn.
Không phụ công người, cây lúa đã bén rễ sâu trên nhiều vùng đất khó của Đắk Lắk, thương hiệu đang ngày càng được định hình và tạo lợi thế phát triển kinh tế cho cư dân. Tiếp tục “đổi đời” cho cây lúa, nhiều địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề như Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 28/02/2022 của Huyện ủy Lắk về định hướng xây dựng thương hiệu lúa gạo huyện Lắk với mục tiêu phát triển các sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn OCOP, xây dựng thương hiệu lúa gạo sạch huyện Lắk; Nghị quyết số 96-NQ/HU, ngày 28/12/2021 của Huyện ủy Krông Ana về phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đối với lúa gạo và một số sản phẩm chủ yếu của huyện Krông Ana giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Một ngành sản xuất lúa gạo gia tăng giá trị, hiện đại đang hiện hữu với nhiều “cánh đồng không dấu chân người” được cơ giới hóa hầu như toàn bộ các quy trình sản xuất… Lúa gạo cũng nằm trong danh mục OCOP (mỗi xã/phường một sản phẩm) với những cái tên như: Gạo sạch Thái Hải, Gạo sạch Mười Đào, gạo sạch Thăng Bình HTB…
(Còn nữa)
Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ... đất trời
Đàm Thuần - Đỗ Lan - Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc