Sử thi Tây Nguyên là “trường học lớn”
Cố GS.TS khoa học Tô Ngọc Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) từng nhận xét: Cứ hình dung xem, Tây Nguyên ngày xưa trùng điệp núi rừng, sông suối - mỗi bon/ buôn/ làng của các tộc người bản địa cư trú và tồn tại như một đơn vị hành chính độc lập; vì thế việc đi lại, giao lưu với bên ngoài lúc ấy còn hết sức khó khăn và hạn chế.
Người ta thường tụ tập lại ở một ngôi nhà nào đó để cùng nhau múa hát, đánh chiêng, kể khan (sử thi) vào những lúc nông nhàn hay mùa lễ hội được cộng đồng tổ chức. Những sinh hoạt này ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, nó còn là môi trường/không gian cố kết, học hỏi, trao truyền tri thức, đạo đức cho mọi thành viên trong cộng đồng.
Nói cách khác, đó là “trường học lớn” giúp người ta tiếp nhận, hiểu biết hơn về thế giới xung quanh mình, trong đó sử thi được xem là pho “bách khoa toàn thư” đồ sộ, đủ sức nuôi dưỡng đời sống tinh thần của cộng đồng qua nhiều thế hệ.
Nghệ nhân Y Wang H'Wing truyền dạy hát kể sử thi và đệm kèn đing buốt cho lớp trẻ huyện Cư M'gar. |
Nhận định trên được người trong cuộc như nhạc sĩ Y Phôn Ksor hay họa sĩ Y Kô Niê đồng tình và chia sẻ: Quả đúng như vậy, sử thi Tây Nguyên nói chung có sức mạnh chi phối và dẫn dắt cộng đồng tìm đến học hỏi, thực hành trong đời sống hằng ngày.
Sử thi “sống” được trong sinh hoạt cộng đồng là nhờ vậy, người ta gắn bó với sử thi như một nhu cầu. Mỗi đối tượng, thành phần, lứa tuổi đều tìm thấy trong đó những giá trị khác nhau, ít nhiều có liên quan đến tâm tư, suy nghĩ cũng như cách hành xử của bản thân trong sinh hoạt đời thường.
Đến nay đã có 98 sử thi của người Êđê, Bana, J'rai, Xê Đăng, M’nông được lựa chọn biên dịch, xuất bản (bằng hai thứ tiếng bản ngữ và Việt) nhằm đưa về hệ thống thư viện các cấp và trường học, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số với hy vọng làm sống lại đời sống sinh hoạt hát kể sử thi trong các buôn làng. |
Có lẽ vì thế mà ai cũng muốn nghe hát kể sử thi và cố gắng thuộc lòng càng nhiều sử thi của dân tộc mình càng tốt. Từ nhu cầu thiết thân ấy nên di sản văn hóa độc đáo và đặc sắc này được hầu hết các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên mặc định là “sử thi sống”. Và tất nhiên nó khác với “sử thi chết” của một số dân tộc trên thế giới, tức là chỉ tồn tại trên văn bản mà thôi (chẳng hạn như Ôđixê-Iliat của Hy Lạp, Ramayana của Ấn Độ, hay Kalêvala của Phần Lan).
Hát kể được nhiều sử thi đồng nghĩa với việc hun đúc, bồi dưỡng tinh thần đề cao cộng đồng, tin yêu những điều tốt đẹp, nghĩa khí và hào hiệp trước đời sống. Nghệ nhân trẻ hát kể khan Y Pul Niê (buôn AKô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tâm tình như vậy - và cho rằng ai thuộc khan Đam San mà chẳng ngưỡng vọng chàng dũng sĩ tài ba ấy đã vì sự bình yên, hạnh phúc của mình và cả cộng đồng để chiến đấu và chiến thắng các thế lực M’tao hung ác, đen tối. Hoặc khi nghe câu chuyện M’Drông Dăm (sử thi cùng tên), mọi người đều xúc động, nể phục qua hành động “đội đá vá trời” của chàng trai trẻ đã dốc lòng, dốc sức tìm nguồn nước mát từ Yàng về cho buôn làng tưới tắm, gieo trồng trong cơn đại hạn thuở nào… Theo anh Y Pul Niê, sử thi Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung không chỉ mang đặc trưng, nét văn hóa độc đáo của một vùng/miền, mà còn thể hiện tính thống nhất nội tại của nó qua nhiều giá trị tiêu biểu khác như: âm nhạc cồng chiêng, kiến trúc, mỹ thuật cũng như luật tục, tập quán và tín ngưỡng dân gian tương đồng, gần gũi - và đó thực sự là “trường học lớn” giúp mọi người tham cứu và lĩnh hội.
Đoàn nghệ nhân huyện Ea Súp tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 3 năm 2024. Ảnh: Duy Thương |
Hiện tại sử thi Tây Nguyên đang được các nghệ nhân lớn tuổi nắm giữ và cũng chính vì thế nên nhiều người trắc ẩn: Đến một lúc nào đó, họ trở về với “thế giới ông bà” mà chưa có thế hệ kế thừa thì di sản văn hóa quý báu này khó tránh được sự đứt gãy. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm chia sẻ, điều đó cũng là mối bận tâm, bởi sử thi vốn là tổng thể nguyên hợp các giá trị văn hóa hàm chứa trong đó - và hát kể (được xem như hoạt động nghệ thuật âm nhạc, vũ điệu) được nghệ nhân thể hiện như một kỹ năng/ tài năng bẩm sinh, nên tạo được sự thu hút đối với người thưởng thức. Còn thuộc lòng sử thi qua những ấn phẩm (sách) từ đề án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007, mà thiếu những yếu tố nghệ thuật trên thì đương nhiên sức sống của nó ít nhiều bị hạn chế. Thực tế đó, suy cho cùng vai trò nghệ nhân vẫn là quan trọng nhất, vì chỉ thông qua họ, sử thi ở đây mới thật sự “sống” trong đời sống cộng đồng.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc