Multimedia Đọc Báo in

Kim chỉ nam để phát triển tỉnh Đắk Lắk

08:25, 14/10/2024

Trong quá trình hình thành và phát triển, Đắk Lắk đã có nhiều bản quy hoạch được phê duyệt với đa ngành, đa lĩnh vực nhằm định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) là bản quy hoạch tổng thể, thể hiện tư duy sáng tạo và là kim chỉ nam cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

Nền tảng vững chắc

Quy hoạch là một trong những công tác cốt lõi trong phát triển quốc gia nói chung và địa phương nói riêng. Đây được xem như một công cụ quản lý mang tính định hướng, định hình, đồng thời đảm nhiệm vị trí tiên phong, mở đường dẫn dắt tiến trình phát triển. Quy hoạch cấp địa phương có tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương, kiến tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện bức tranh phát triển tổng thể của quốc gia.

Xây dựng TP. Buôn Ma Thuột phát triển theo hướng đô thị Xanh - Sinh thái - Thông minh - Bản sắc. Ảnh: Nguyễn Gia

Khẳng định vai trò to lớn của Quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị từng nhấn mạnh, Đắk Lắk xác định quy hoạch là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong công tác hoạch định chiến lược phát triển nhằm khai thác tiềm năng, khơi thông nguồn lực, hiện thực hóa khát vọng vươn lên của tỉnh. Đồng thời, có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp tỉnh điều chỉnh lại những mảng màu kinh tế - xã hội không hợp lý trước đây, tạo nên những mảng màu mới trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực nội tại của địa phương. Từ đó đẩy mạnh liên kết vùng, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực bên ngoài nhằm hoàn thiện bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội mới cho tỉnh, đưa Đắk Lắk tham gia “đường đua” để đạt được các mục tiêu trong giai đoạn mới. Đây cũng là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Quy hoạch tỉnh xác định mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân tỉnh Đắk Lắk đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là một cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những nội dung cơ bản của quy hoạch đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khoa học trong thực hiện quy hoạch. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ nhưng phải linh hoạt, phù hợp với quy hoạch tổng thể. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quản lý quy hoạch, kịp thời rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo đột phá trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng trọng điểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo vệ môi trường.

Tạo động lực phát triển

Trong công tác hoạch định chiến lược phát triển, nhằm khai thác tiềm năng, khơi thông nguồn lực, Quy hoạch tỉnh định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào việc tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư. Song song đó, đề ra các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường quyền lợi và bảo vệ các nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch…

Cũng theo Quy hoạch tỉnh, trên địa bàn tỉnh sẽ có 178 chương trình, dự án được ưu tiên đầu tư thực hiện giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể: lĩnh vực nông nghiệp có 31 dự án; lĩnh vực công nghiệp: 7 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch: 24 dự án; lĩnh vực văn hóa, bảo tồn: 6 dự án; lĩnh vực thể dục, thể thao: 15 dự án; lĩnh vực thông tin, truyền thông: 6 dự án; lĩnh vực y tế: 19 dự án; lĩnh vực giáo dục, đào tạo: 5 dự án; lĩnh vực trợ giúp xã hội: 5 dự án; lĩnh vực đô thị, nhà ở: 9 chương trình, dự án; lĩnh vực giao thông: 43 dự án; trung tâm logistics và cảng cạn (ICD): 8 dự án.

Thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. (Trong ảnh: Cụm nhà máy Điện mặt trời Sêrêpốk 1 và Quang Minh tại huyện Buôn Đôn).

Trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm, dự án có tính chất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội để xác định các dự án và thứ tự ưu tiên đầu tư, thu hút đầu tư. Quy mô, tổng vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư và nguồn vốn của các dự án sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập, trình duyệt dự án đầu tư phù hợp với nhu cầu, khả năng cân đối, huy động nguồn lực của địa phương từng thời kỳ, bảo đảm đúng định hướng, đúng quy định của pháp luật.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Võ Ngọc Tuyên, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư là rất quan trọng để hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu tháo gỡ những rào cản về cơ chế, chính sách và hoàn thiện các quy định của pháp luật. Trên cơ sở hồ sơ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung phát triển đô thị, phương án sử dụng đất của các nông lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt những dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Đắk Lắk cũng sẽ tập trung nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía đông TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại Cửa khẩu Đắk Ruê, Dự án Khu công nghiệp Phú Xuân…

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai việc cung cấp hồ sơ Quy hoạch tỉnh đến các đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định.

Kim chỉ nam đã có, hy vọng rằng, trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, Quy hoạch tỉnh sẽ được thực hiện thành công. Từ đó góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí, vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.