Multimedia Đọc Báo in

Lời giải nào cho bài toán huy động vốn khởi nghiệp?

08:01, 01/11/2024

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang ngày một phát triển và vươn ra thị trường quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề huy động vốn đang đặt ra thách thức không nhỏ đối với đa phần các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp (startup).

"Loay hoay" tìm vốn

Theo kết quả khảo sát về “Thực trạng và tình hình phát triển của các startup tại Việt Nam” do Văn phòng Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng Startup Vietnam Foundation, Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - MSD United Way Việt Nam thực hiện trên gần 200 DN khởi nghiệp sáng tạo thì có đến hơn 50% startup gặp khó khăn chính ở giai đoạn tiếp cận đến các nhà đầu tư.

Hơn nữa, trình độ của các startup hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm, khi có tới 28,1% DN chưa đủ năng lực để thuyết phục các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, có 13,73% startup cảm thấy bị thiếu thông tin khi tiếp cận quỹ đầu tư và 24,18% startup cảm thấy khó đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.

Trưng bày giới thiệu sản phẩm tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024.

Số liệu trong khảo sát đã cho thấy, nguồn vốn từ các quỹ và nhà đầu tư mạo hiểm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của startup. Đồng thời, kết quả này cũng phản ánh sự khó khăn mà các startup phải vượt qua để tiến xa hơn trong quá trình phát triển và gọi vốn.

Chia sẻ về khó khăn của DN trong quá trình khởi nghiệp, anh Y Xim Ndu, Giám đốc Công ty TNHH Chư Yang Sin cho biết, công ty của anh được thành lập từ năm 2022 và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch. Mặc dù được các cấp, các ngành, địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ một số chính sách trong quá trình khởi nghiệp, nhưng cũng như phần lớn các bạn trẻ khởi nghiệp khác, do không có vốn, lại không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng nên anh phải nhờ người thân đứng ra thế chấp để vay giúp. Ngoài ra, để có vốn đầu tư cho DN, anh còn phải vay trả lãi từ người thân quen.

Hiện nay, dù Nhà nước đã có một số nguồn vốn ưu đãi dành cho DN, chẳng hạn như Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng lãi cũng đang ở mức tương đối cao nên việc tiếp cận nguồn vốn đối với DN nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận được nhà đầu tư với các startup cũng không hề dễ dàng vì họ thường dành sự quan tâm cho những mô hình khởi nghiệp "độc lạ", ít người làm, có tiềm năng và có tính thanh khoản, lợi nhuận cao. Vì vậy, để "hóa giải" bớt phần nào khó khăn, sắp tới anh Y Xim sẽ chuyển sang mô hình hợp tác xã để tiếp cận được nhiều ưu đãi hơn về vốn vay, chính sách thuế và hoạt động gắn với cộng đồng dân cư nhiều hơn…

Đối mặt với những cản trở trong tiếp cận nguồn vốn, nhiều startup cũng thể hiện mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư. Nhu cầu nổi bật nhất trong số đó là mong muốn sự đồng hành và định hướng của các nhà đầu tư trong quá trình phát triển của startup.

Mô hình du lịch cộng đồng của startup Y Xim Ndu, Giám đốc Công ty TNHH Chư Yang Sin (huyện Lắk).

"Mảnh ghép" tự thân

Việc giải quyết các khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và thỏa mãn mong muốn hỗ trợ từ nhà đầu tư sẽ giúp xây dựng một môi trường khởi nghiệp mạnh mẽ và thúc đẩy sự phát triển bền vững cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Do vậy, để tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho DN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng – DN bằng hình thức phù hợp. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các chương trình, chính sách tín dụng của ngân hàng đối với DN, mở rộng khả năng tiếp cận vốn của DN; chủ động xử lý kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

 

“Cùng với việc tạo ra giá trị khác biệt cho sản phẩm, việc duy trì, "nuôi lửa" đam mê, dù thử thách, vấp ngã vẫn đứng lên tiếp tục cố gắng sẽ quyết định phần lớn thành công trong con đường tìm kiếm nhà đầu tư của mỗi DN” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ê Đê Café Y Pốt Niê

Bên cạnh đó, thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và những động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn không phải là không có, tuy nhiên vấn đề đặt ra cho các DN khởi nghiệp non trẻ hiện nay là làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn cũng như tìm kiếm các nhà đầu tư. Thời gian qua, đã có những startup trên địa bàn tỉnh tiếp cận được với các quỹ hỗ trợ hoặc nhà đầu tư. Đơn cử như startup Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ê Đê Café (huyện Krông Ana) đã gọi thành công số vốn 5 tỷ đồng tại Chương trình Shark Tank Việt Nam - mùa 6 và nhận được tấm vé Golden Ticket thưởng nóng 100 triệu đồng đến từ Shark Hùng Anh.

Anh Y Pốt cho rằng, bí quyết để gọi vốn thành công không chỉ đến từ một câu chuyện khởi nghiệp chân thật, thu hút mà còn phải thể hiện được mục tiêu rõ ràng, kế hoạch thuyết phục. Tuy cà phê là một sản phẩm phổ biến với hàng nghìn nhà sản xuất lớn nhỏ nhưng Y Pốt đã tạo được giá trị khác biệt từ việc đưa truyền thống văn hóa của dân tộc mình vào sản phẩm. Cà phê do anh tạo ra được sản xuất 100% từ thủ công, tức từ bàn tay các bà, các mẹ. Quá trình rang bắt buộc phải dùng củi cà phê để mùi cà phê hòa quyện với mùi khói. Sau khi tạo được sự khác biệt, nét đặc trưng riêng có cho sản phẩm của mình, Y Pốt tiếp tục chú trọng đến vùng trồng cà phê. Anh thuyết phục bà con trong buôn nơi mình sinh sống trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP để thay đổi thói quen canh tác bao đời nay. Anh còn chịu khó học tiếng Anh, học marketing trên Internet để trau dồi kiến thức, kỹ năng và đưa sản phẩm của mình đi tiếp thị ở khắp các vùng miền trong nước và nước ngoài.

Startup Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH MTV Ê Đê Café (huyện Krông Ana) đã gọi thành công số vốn 5 tỷ đồng tại Chương trình Shark Tank Việt Nam - mùa 6. Ảnh do nhân vật cung cấp

Dù khởi nghiệp trong mùa dịch COVID-19 nhưng nhờ bán hàng trực tiếp, song song với đẩy mạnh bán qua mạng và đưa sản phẩm lên tất cả các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước nên Y Pốt đã duy trì được sự phát triển của DN mình.

Theo quan điểm của Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Phạm Đông Thanh, trên con đường khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, vốn không phải là yếu tố quan trọng nhất và quyết định thành công của một DN. Điều tiên quyết nhất của một startup khi khởi nghiệp là phải có ý tưởng sáng tạo, có khả năng thương mại hóa. Nếu đáp ứng được những yếu tố trên cũng đồng nghĩa với việc tìm được lời giải cho bài toán huy động vốn.

Có thể nói rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh trong việc huy động, tìm kiếm kết nối đầu tư, tạo điều kiện cho các cá nhân, DN khởi nghiệp trong tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, sự nỗ lực từ chính bản thân mỗi startup là "mảnh ghép" quan trọng để giải quyết được bài toán về nguồn vốn đầu tư cho DN khởi nghiệp.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc