Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Tạo ưu thế phát triển, xây dựng Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương

15:58, 31/10/2024

Sáng 31/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về Đề án thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương. 

Tham gia thảo luận tại Tổ 13, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đã đóng góp nhiều ý kiến xung quanh nội dung này.

Theo đó, các đại biểu đều cơ bản tán thành việc trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương với các lý do cũng như cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn nêu trong tờ trình và đề án của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) cho rằng, Thừa Thiên Huế có vị trí địa lý rất quan trọng đối với toàn bộ khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng như duyên hải miền Trung và gắn kết các khu vực trong cả nước. Huế có một bề dày về lịch sử, văn hóa, có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Nếu xét về tiêu chuẩn thì Thừa Thiên Huế đã đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của thành phố trực thuộc trung ương; trong đó có 2 tiêu chuẩn/tiêu chí đến thời điểm hiện tại đang áp dụng theo tiêu chuẩn của cơ chế đặc thù đối với thành phố di sản.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Bí thư Thị ủy Buôn Hồ) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng trao đổi thêm, trong trường hợp Quốc hội thông qua nghị quyết để thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương thì chắc chắn còn sẽ có nhiều công việc bề bộn cần phải giải quyết; trong đó thứ nhất là ổn định được đời sống người dân, tâm trạng, tư tưởng. Bởi khi nâng cấp lên thành phố trực thuộc trung ương thì việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng sẽ là vấn đề cần giải quyết. Theo đề án, nếu thành phố Huế trực thuộc trung ương thì có 9 đơn vị hành chính, trong đó có 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã.

Bên cạnh những điều đáng mừng cho người dân TP. Huế thì cũng có nỗi lo lắng, băn khoăn khi sáp nhập, chia tách địa giới hành chính, có những sự xáo trộn nhất định về mặt thủ tục hành chính, về nhiều vấn đề tâm tư, tình cảm… Do vậy, cần phải ổn định về mặt tư tưởng, tâm trạng của người dân, ổn định cuộc sống để mà tính toán tới các vấn đề khác liên quan với thành phố.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng băn khoăn về tiêu chí mức sống, thu nhập bình quân đầu người. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của Thừa Thiên Huế còn thấp so với trung bình cả nước. Mặc dù khi thành lập thành phố trực thuộc trung ương thì dự kiến đạt khoảng 0,95 lần, vượt so với tiêu chuẩn đặc thù (tiêu chuẩn đặc thù chỉ có 0,87 lần), nhưng nếu không áp dụng tiêu chuẩn đặc thù thì phải đạt từ 1,75 lần trở lên.

Như vậy đang mức độ là từ 0,95 lần mà lên tới 1,75 lần là vấn đề lớn, vì thu nhập bình quân đầu người phản ánh về đời sống, mức sống, đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. Do vậy, đại biểu mong rằng TP. Huế tiếp tục có những nỗ lực, quyết tâm hơn trong các giải pháp để hoàn thiện được tiêu chí, tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo tiêu chuẩn chung của cả nước mà không phải áp dụng theo tiêu chuẩn đặc thù…

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT) phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm tới việc xây dựng Huế thành thành phố di sản, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT) cho rằng, Thừa Thiên Huế đang giải quyết tốt bài toán mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản. Đại biểu rất tán đồng với sự cần thiết và cũng thống nhất cao, đồng thời kỳ vọng về một thành phố di sản đầu tiên của Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu cũng mong muốn, TP. Huế cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn lực đất đai một cách hợp lý. Để giải quyết vấn đề này thì cũng phải xây dựng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh để gắn việc bảo tồn, phát huy di sản, thành phố di sản để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa việc bảo tồn và phát triển di tích.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng mong muốn, TP. Huế có sự nghiên cứu để xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục tương xứng với sự phát triển của một thành phố trực thuộc trung ương để xứng tầm, song song với các ngành, các lĩnh vực khác…

Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) quan tâm đến việc bảo đảm chính sách dân tộc trong đề án thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương. Đại biểu đánh giá cao ban soạn thảo đã quan tâm đến một số nội dung quan trọng đến phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ở biên giới trong tổng thể phát triển TP. Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Lưu Văn Đức (Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: quochoi.vn

Đặc biệt, đề án cũng đã nghiên cứu các mục tiêu trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 để có các mục tiêu cụ thể cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Thừa Thiên Huế và đảm bảo sự thống nhất trong quy hoạch phát triển chung của thành phố sau này.

Song đại biểu cho rằng, đề án mới chỉ tập trung nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực trung tâm (chủ yếu tập trung 2 quận nội thành của TP. Huế hiện tại; còn các huyện, các thị xã xung quanh thì trình độ phát triển so với các địa phương khác để lên thành phố trung ương cũng chưa được đáp ứng); chưa đánh giá sâu những thách thức, vướng mắc khi lên thành phố trực thuộc trung ương đối với các địa phương vùng ven.

Do vậy, đại biểu đề nghị Thừa Thiên Huế cần quan tâm hơn nữa đến các huyện vùng ven, nhất là đối với hai huyện miền núi còn khó khăn A Lưới và Nam Đông. Bởi đây là hai huyện khá xa trung tâm thành phố; người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và là lao động nông nghiệp; nên việc giải quyết công ăn việc làm cũng như các vấn đề có liên quan khác cũng cần được quan tâm, hỗ trợ.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc