Sạt lở bờ sông Krông Nô: Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài
Tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đã diễn ra trong nhiều năm qua. Các cơ quan chức năng đã giải quyết theo hướng hỗ trợ, giảm thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần có giải pháp căn cơ dựa trên đánh giá khoa học và cơ sở pháp lý.
Đất canh tác trôi sông
Theo khảo sát của chính quyền địa phương, hiện nay trên địa bàn xã Ea R’bin (huyện Lắk) có 35 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở, với tổng diện tích hơn 156 ha, chiều dài 15 km dọc bờ sông Krông Nô từ buôn Plao Siêng đến đoạn giáp ranh với xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).
Các vị trí bị sạt lở chủ yếu là đất trồng cây lâu năm, hằng năm và lúa. Nhiều tài sản trên đất như: nhà kho, nhà tạm để trông coi vườn rẫy, chuồng chăn nuôi gia súc… của người dân cũng bị dòng sông “nuốt chửng”. Do đất canh tác đã bị sạt lở hết, có một hộ phải chuyển về quê ở Thanh Hóa sinh sống.
Đất canh tác của người dân tại xã Ea R’bin (huyện Lắk) bị sạt lở. |
Gia đình ông Võ Ngọc Quang khai hoang 5 ha đất tại buôn Plao Siêng để trồng trọt nhiều năm qua. Thế nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, hơn 1 ha đất của gia đình đã bị trôi sông. Hiện tại, việc sạt lở bờ sông vẫn xảy ra khiến ông “đứng ngồi không yên”. Ông cho biết, tháng trước, gia đình vừa kéo máy cày để cách bờ sông 10 m bơm nước cho hoa màu nhưng nay đã bị rơi xuống sông cùng đất canh tác nên phải thuê máy múc lên. “Cứ đà này thì sắp tới gia đình tôi sẽ không còn đất canh tác nữa”, ông Quang than thở.
Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea R’bin cho hay, vấn đề sạt lở đất sản xuất dọc sông Krông Nô qua địa phận của xã trong những năm qua diễn biến phức tạp, với tốc độ nhanh. Chính quyền xã kiến nghị các cấp ngành quan tâm, chia sẻ, cùng với địa phương có những giải pháp phù hợp. Đồng thời, doanh nghiệp (DN) có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lưu vực sông Krông Nô cùng đồng hành với chính quyền địa phương trong việc giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân theo quy định.
Tại xã Nam Ka (huyện Lắk) hiện nay cũng có 3 vị trí sạt lở bờ sông, chiều dài 2,4 km, với gần 35 ha đất của 54 hộ dân. Đơn cử, gia đình ông Lò Kim Sơn (buôn Krái) có 8 sào đất trồng cà phê, mía cạnh bờ sông Krông Nô; song, hiện chỉ còn khoảng 4 sào do đất bị cuốn trôi theo dòng sông.
Chủ tịch UBND xã Nam Ka Mai Chí Dũng chia sẻ, địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát một số đoạn dọc tuyến sông Krông Nô để tổ chức hòa giải giữa các hộ dân bị sạt lở với DN có liên quan như thủy điện, đơn vị hút cát trong thời điểm tuần tra phát hiện được. Xã cũng hướng dẫn người dân kê khai diện tích đất bị sạt lở đợt 7 và lâu dài làm cơ sở cho UBND tỉnh tổng hợp, thẩm định để hỗ trợ, đền bù trong thời gian chờ ngành chức năng xác định nguyên nhân.
Theo nhận định, bờ sông Krông Nô bị sạt lở trong thời gian qua do một số tác nhân như hoạt động khai thác cát, thủy điện khiến sông bị biến dạng, thay đổi dòng chảy tự nhiên. Cụ thể, khu vực này có Nhà máy Thủy điện Buôn Tua Srah và Thủy điện Chư Pông Krông đang hoạt động; 2 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát và một số đơn vị hoạt động khai thác cát trái phép. Trước tình hình trên, UBND huyện Lắk đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã Nam Ka, Ea Rbin tiến hành kiểm tra; đồng thời, đề nghị cấp trên đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở để có cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, đền bù về đất và tài sản gắn liền với đất cho người dân yên tâm sản xuất. Huyện cũng đã tổ chức đối thoại nhiều lần với bà con có đất bị sạt lở, ngập úng và các DN kinh doanh thủy điện, khai thác cát trên sông Krông Nô.
Hai bên bờ sông Krông Nô có nhiều diện tích đất sản xuất của người dân huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) |
Cần có giải pháp lâu dài
“Hơn một năm trước, hơn 1,5 sào mía của gia đình đang độ thu hoạch bị cuốn trôi sạch chỉ sau một ngày. Đến thời điểm hiện tại, diện tích cà phê trồng lâu năm của gia đình bị sông “nuốt” dần. Tôi lo lắng vì sắp tới đất canh tác bị cuốn hết, gia đình lấy gì làm ăn” - ông Lò Kim Sơn (xã Nam Kar, huyện Lắk). |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đang diễn ra phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã phối hợp giải quyết, xử lý tình trạng này trên địa bàn huyện Lắk nói riêng và toàn tỉnh nói chung, đặc biệt là việc phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Mới đây, ngày 4/10/2024, tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và DN liên quan để chia sẻ, hỗ trợ khẩn cấp một phần thiệt hại với người dân, các đơn vị thống nhất Tổng Công ty Phát điện 3 hỗ trợ cho người dân 90% thiệt hại, 10% còn lại do Công ty TNHH Xây lắp điện Hưng Phúc hỗ trợ.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chưa thể khẳng định một cách chính xác nếu không thực hiện quan trắc, đánh giá tác động của dòng chảy. Để có phương án xử lý, giải quyết một cách khoa học tình trạng này, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương mời chuyên gia nghiên cứu, đánh giá, đề xuất tỉnh giải pháp giải quyết tình trạng sạt lở bờ sông; nghiên cứu xây dựng đề tài khoa học liên quan đến giải quyết bền vững tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý việc cấp phép khai thác cát tại khu vực liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô theo quy định, trong đó cần có đánh giá, rà soát đối với khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay của Công ty TNHH Xuân Bình và Công ty TNHH Phú Bình.
Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lắk và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do sạt lở, nhất là xem xét các trường hợp có thuộc diện được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hay không.
Hoạt động hút cát được cho là một trong những tác nhân gây sạt lở bờ sông Krông Nô. |
Đối với huyện Lắk, khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xây dựng dự thảo phương án tạm tính về số tiền bồi thường, hỗ trợ và đề xuất dự kiến mức hỗ trợ của các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng do tình trạng sạt lở bờ sông gây ra trên sông Krông Nô thuộc địa bàn huyện Lắk theo quy định.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị quản lý, vận hành thủy điện Buôn Tua Srah) cho biết, có thể hoạt động thủy điện là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua huyện Lắk. Thời gian qua, đơn vị đã hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn cần có đánh giá về nguyên nhân, mức độ sạt lở một cách khách quan, khoa học và có cơ sở pháp lý để có giải pháp hữu hiệu nhất cho vấn đề này.
Minh Chi – Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc