Multimedia Đọc Báo in

Bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm

08:28, 27/12/2024

Nhằm bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp cuối năm, các ngành chức năng và doanh nghiệp (DN) của tỉnh đang tích cực triển khai những giải pháp bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến.

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đến nay các DN, cửa hàng, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào với giá bán ổn định để phục vụ thị trường. 

Từ giữa năm 2024, Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng trị giá trên 80 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng thiết yếu (gạo, dầu ăn, các loại gia vị, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau, củ, quả...), thực phẩm chế biến, phi thực phẩm và các mặt hàng đặc trưng Tết.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột cho biết, dự kiến doanh số bán Tết năm nay tăng 5% so với năm trước. Do đó, số lượng hàng hóa kinh doanh trong hai tháng cuối năm của đơn vị tăng thêm từ 30 – 50% (tùy theo từng nhóm hàng) so với tháng thông thường. Về nguồn hàng, siêu thị đã đàm phán, làm việc với các nhà phân phối, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn… để bảo đảm chất lượng và giá cả ổn định.

Thời điểm này, các cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng dự trữ nhằm cung ứng nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm. Theo ông Lê Xuân Hoan, quản lý hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Đắk Lắk, ngoài các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, nước giải khát, thực phẩm tươi sống… thì năm nay các cửa hàng còn nhập thêm một lượng lớn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh và đặc sản vùng miền, với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là 200 tỷ đồng.

“Dự báo sức mua của người dân sẽ tăng cao do tình hình kinh tế năm nay có nhiều khởi sắc khi các loại nông sản (cà phê, sầu riêng, tiêu) đều được giá. Chính vì vậy, đơn vị đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng tăng 50% so với năm trước. Đồng thời, tính toán, cân đối lại thu – chi để đưa ra mức giá bán hợp lý cho người tiêu dùng và tổ chức nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn nhằm kích cầu cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng”, ông Hoan cho hay

Ngoài ra, có một số siêu thị, DN cũng đã dự trữ lượng hàng hóa lớn để phục vụ thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột (85 tỷ đồng); Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên (70 tỷ); Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (11,7 tỷ đồng)…

Tăng cường kiểm soát thị trường

Theo dự báo, sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sẽ tăng khoảng 15%.

Để bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh có tổng giá trị hơn 1.394 tỷ đồng. Theo đó, UBND tỉnh giao các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý nhằm bảo đảm hoạt động thương mại cuối năm diễn ra ổn định, thông suốt.

Trong đó, Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa; tổ chức điều phối hàng hóa của các DN khi thị trường có biến động; chủ động phương án bổ sung nguồn hàng đầy đủ, kịp thời, không để xảy ra đứt gãy, gián đoạn nguồn cung hàng hoá.

Nguồn cung hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị phong phú, dồi dào với giá cả ổn định để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Giám đốc Sở Công Thương Lưu Văn Khôi cho biết, đến thời điểm này, nguồn cung và giá cả hàng hóa trên thị trường vẫn duy trì ổn định, chưa có sự tăng giá bất hợp lý hay tình trạng thiếu hàng. Sở sẽ tiếp tục nắm bắt thông tin thị trường, diễn biến cung cầu hàng hóa nhằm kịp thời đề xuất các biện pháp ứng phó. Đồng thời, động viên, khuyến khích các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa phục vụ Tết; triển khai các điểm bán hàng bình ổn và tổ chức các đợt bán hàng lưu động, phiên chợ hàng Việt về nông thôn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhằm bảo đảm ổn định thị trường cuối năm, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết (bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, xăng dầu…) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng chú trọng kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, website, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến; tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện những quy định của pháp luật về giá…

Hiện đã có 11 doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nguồn hàng dự trữ phục vụ Tết với tổng giá trị hơn 507 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 36,4% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp xảy ra tình trạng khan hiếm nguồn hàng hóa. Ngoài ra, một lượng lớn hàng hóa được dự trữ tại các cửa hàng, các chợ trên địa bàn cũng là một kênh lớn đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân trong dịp Tết.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc