Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV:

Có lộ trình phù hợp khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại hàng hóa

19:35, 27/11/2024

Chiều 27/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến thảo luận, các đại biểu thống nhất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt để khắc phục những bất cập của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự chuyển dịch về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe của hân dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Bày tỏ ủng hộ việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng xa xỉ, nhằm định hướng tiêu dùng, đại biểu cho rằng cần tránh việc điều chỉnh thuế đối với những mặt hàng thiết yếu, đồng thời đề nghị cần rà soát, đánh giá, nhất là đánh giá tác động tới môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đại biểu, nếu tăng thuế gấp quá sẽ tác động ngay tới doanh nghiệp và môi trường kinh doanh. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Quan tâm đến nội dung khấu trừ và hoàn thuế đối với các loại ô tô chuyên dùng, đại biểu cho biết, hiện nay, việc sản xuất các loại xe ô tô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân và xe ô tô chuyên dùng khác còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại biểu đề nghị phải có cơ chế khấu trừ và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp dùng ô tô thương mại để sản xuất ô tô chuyên dùng.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung hàng hóa không thân thiện với môi trường vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt như pin, lốp xe ô tô, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, đại biểu cho rằng, việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá; ảnh hưởng đến an ninh biên giới; thu ngân sách giảm. 

Đại biểu cho rằng, hai phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá điếu như dự thảo luật là quá cao và liên tục tăng trong thời gian 5 năm cần được đánh giá tác động thận trọng ở nhiều giác độ: kinh tế, xã hội, an ninh để xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.

Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đối với nước giải khát có đường, dự thảo luật quy định chỉ áp dụng một mức thuế 10% đối với nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100 ml. Đại biểu cho rằng, mức áp thuế này còn thấp hơn so với một số quốc gia, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia theo hướng tăng, có thể là 20%, thay vì 10% như dự thảo và xây dựng lộ trình tăng thuế phù hợp đến năm 2030.

Tương tự như vậy, đại biểu cũng đề nghị cân nhắc về mức độ và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia trong bối cảnh tình hình buôn lậu rượu, bia vẫn còn phức tạp.

Về áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, đại biểu cho rằng nếu quy định tăng thuế điều hòa lên 10% thì người dân vẫn dùng điều hòa và không thay đổi hành vi, không chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác được. Vì vậy, đối với các sản phẩm thiết yếu, đại biểu cho rằng, không nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt, điển hình như mặt hàng điều hòa nhiệt độ.

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng. Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc đánh thuế này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn về hàm lượng đường sẽ do Chính phủ quy định, các sản phẩm như nước dừa, sữa, nước hoa quả nguyên chất sẽ không phải chịu thuế.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thuốc lá gây ra hậu quả nghiêm trọng, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc lá, và Việt Nam phải tốn khoảng 1 tỷ USD để chữa trị các bệnh liên quan. Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 6.000 - 20.000 đồng/bao, ở Singapore là 200.000 đồng/bao. Ngoài thuốc lá điếu, các sản phẩm khác như xì gà, thuốc lá để hút, hít, nhai, ngửi cũng sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 75%.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng việc đánh thuế điều hòa cũng nhằm hạn chế việc sử dụng năng lượng hóa thạch, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, và các chất gây hại cho tầng ozon…

* Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.