Multimedia Đọc Báo in

Giá cà phê xác lập kỷ lục mới: Nông dân hưởng lợi, doanh nghiệp gặp nhiều áp lực

07:00, 02/12/2024

Từ đầu niên vụ 2024 – 2025 đến nay, giá cà phê liên tục tăng cao kỷ lục, hiện đang nằm ở mức trên 130.000 đồng/kg cà phê nhân và gần 30.000 đồng/kg cà phê tươi, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bán cà phê tươi cũng có lãi

Những ngày này, gia đình bà H Lem Êban (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đang tất bật thu hoạch cà phê. Với diện tích 7 sào, bà dự tính thu về khoảng 5 tấn cà phê tươi. Năm nay, do nắng nóng kéo dài, rệp sáp tấn công cây trồng, cộng với việc trồng giống cà phê cũ khiến năng suất vườn cây không cao.

Hiện vườn cà phê đã chín khoảng 80%, vì rẫy nằm xa nhà, lại gần đường nên để tránh bị mất cắp khi giá cà phê đang rất cao, gia đình bà quyết định thu hoạch toàn bộ. Sau khi thu hoạch xong, gia đình bà H Lem quyết định bán trước một phần sản lượng cà phê tươi để trả chi phí thu hoạch. Hiện nay, cà phê tươi được thương lái thu mua với giá từ 24.000 - 27.000 đồng/kg, trong khi các năm trước, có thời điểm giá chỉ còn 4.000 - 6.000 đồng/kg.

“Giá cà phê tăng cao là tín hiệu vui đối với người trồng. Điều này không chỉ giúp nhà nông nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn có điều kiện tái đầu tư sản xuất, ổn định diện tích cà phê”, bà  H Lem chia sẻ.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hái cà phê chín đạt tỷ lệ cao.

Tương tự, gia đình bà Triệu Thị Oanh (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) cũng đang khẩn trương thu hoạch 1,7 ha cà phê đang cho trái bói, với sản lượng năm nay ước đạt khoảng 2 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, thời điểm này trên địa bàn thường xuất hiện những cơn mưa làm quá trình thu hoạch, xay và phơi khô cà phê phải kéo dài. Do đó, gia đình bà quyết định bán cà phê tươi cho thương lái, vì năm nay giá cà phê tươi tăng cao ngay đầu vụ nên lợi nhuận vẫn cao. “Năm nay, cà phê tươi có giá gần 30.000 đồng/kg, trong khi giá cà phê nhân đã vượt ngưỡng 130.000 đồng/kg. Vì vậy, dù người nông dân bán cà phê tươi hay cà phê khô, sau khi trừ chi phí đầu tư, họ vẫn có lãi”, bà Oanh cho hay.

Theo Sở NN-PTNT, hiện tại các địa phương đang thu hoạch vụ mới đạt khoảng 20 - 30% do một phần diện tích đã chuyển sang trồng giống chín muộn. Cùng với đó là tâm lý không lo giá giảm, nhiều hộ cũng không lo thiếu tiền chi phí và ý thức cao trong việc thu hoạch quả chín nên không vội thu hoạch sớm mà đợi cà phê chín đều mới hái, phơi và tích trữ.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Hà cho rằng, giá cà phê đã thiết lập mặt bằng giá mới nằm ngoài sức tưởng tượng của hầu hết mọi người. Giá tăng cao liên tục khiến người trồng cà phê bước vào vụ thu hoạch mới trong tâm trạng phấn khởi. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí (khoảng 30%), lợi nhuận bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, bà con cũng nên tranh thủ giá cao để bán ra, không nên giữ hết, nếu doanh nghiệp (DN) không mua được hàng, họ sẽ tìm kiếm nguồn hàng ở những nước khác, người dân sẽ mất cơ hội về giá.

Áp lực cho cà phê chất lượng cao

Giá cà phê tăng cao, không chỉ các DN thu mua mặt hàng xô xuất khẩu gặp khó khăn vì khan hiếm nguồn cung mà các đơn vị chế biến cà phê chất lượng cao cũng gặp áp lực không nhỏ.

Theo bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) cho biết, đơn vị hiện có 150 ha cà phê, năng suất niên vụ này dự tính sụt giảm khoảng 30% so với năm ngoái (năm ngoái đạt 3 tấn/ha) do bị ảnh hưởng của đợt khô hạn vừa qua. Hằng năm, sản lượng cà phê chất lượng cao của HTX đạt khoảng 15 tấn, tuy nhiên năm nay giá cà phê xô quá cao đã tác động không nhỏ đến hoạt động chế biến cà phê chất lượng cao của các hộ thành viên.

Hiện số lượng đăng ký làm cà phê chất lượng cao giảm đến 50%, chỉ đủ để duy trì những khách hàng truyền thống đã đặt sẵn. Vì trên thực tế, chế biến cà phê chất lượng cao rất kỳ công, mất nhiều thời gian và công sức, mà khách hàng thì không nhiều, hơn nữa giá cộng thêm thấp (từ 10.000 – 15.000 đồng/kg) nên với mức giá cà phê nhân xô đang tăng cao đã khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với cà phê chất lượng cao và đẩy HTX vào tình thế khó khăn trong chiến lược phát triển phân khúc cà phê cao cấp này.

Người dân xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) để vườn cà phê chín rộ mới tập trung thu hoạch.

Đối với các DN chế biến cà phê chất lượng cao, phát triển phân khúc cà phê đặc sản thì việc giá cà phê tăng cao đang tạo một áp lực rất lớn cho hoạt động chế biến, vì giá nguyên liệu đầu vào (cà phê tươi chín 100%) hiện đang rất cao, từ 33.000 – 50.000 đồng/kg (tùy vào vùng nguyên liệu), tăng gần gấp ba lần so với niên vụ năm ngoái.

Ông Hoàng Mạnh Tường, Giám đốc Công ty TNHH Carabu Coffee (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, hiện nay DN đang liên kết với các hộ dân sản xuất cà phê tại tỉnh Lâm Đồng để làm cà phê chất lượng cao, với giá thu mua quả chín 100% cao hơn giá thị trường 6 giá (ví dụ hiện giá thị trường trái tươi là 27.000 đồng/kg thì DN sẽ thu mua của các hộ liên kết là 33.000 đồng/kg). So với mức giá năm ngoái bình quân là 14.000 đồng/kg thì năm nay đã tăng lên rất cao, trong khi giá đầu ra của mặt hàng này thì không thể tăng để giữ khách hàng. Với tốc độ tăng giá liên tục của cà phê hiện nay là một áp lực cực kỳ lớn cho các đơn vị chế biến cà phê chất lượng cao vì chi phí tăng cao.

Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện nay nhu cầu về cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản đang phát triển nhanh chóng. Điều này tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và nông dân chuyển hướng sang phân khúc cao cấp hơn để tăng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, giá cà phê tươi tăng cao khiến các đơn vị tham gia vào phân khúc này đối diện với nhiều áp lực về chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh khốc liệt. Những yếu tố này gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và ổn định giá cả, đòi hỏi các nhà sản xuất phải có những giải pháp sáng tạo và bền vững.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, tính đến ngày 28/11, giá hai mặt hàng cà phê cùng tăng phiên thứ tư liên tiếp và xác lập mức kỷ lục mới. Theo đó, giá cà phê Arabica tăng 4,6%, thiết lập mức kỷ lục mới trong 47 năm và giá cà phê Robusta ghi nhận phiên tăng kỷ lục với 6,92%, xác lập mức giá cao nhất lịch sử.

 

Minh Thuận – Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.