Làng nghề truyền thống hối hả vào vụ Tết
Tết Nguyên đán được xem là “mùa làm ăn” lớn nhất trong năm nên thời điểm này, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc sản xuất hàng hóa để phục vụ thị trường.
Tất bật làng bún Chi Lăng
Từ đầu tháng 10 âm lịch, người dân làng nghề bún, miến, phở khô Chi Lăng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đã chủ động nguồn nguyên liệu, nhân công để đẩy mạnh sản xuất. Ghi nhận tại các hộ, hợp tác xã (HTX) sản xuất, không khí làm việc khá sôi động. Ai cũng tất bật làm, mỗi người mỗi việc từ khâu cắt, tuốt sợi đến phơi, đóng gói sản phẩm để kịp cung ứng ra thị trường.
Cơ sở sản xuất bún, phở khô của hộ ông Hà Văn Thích (tổ dân phố 7, phường Khánh Xuân) đã bắt đầu “chạy” đơn hàng tết từ đầu tháng 12, với lượng hàng hóa tăng lên gấp đôi so với ngày thường. Ông Thích cho hay, mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 1 tấn bún, phở khô. Nhờ có thâm niên hơn 20 năm làm nghề bún, phở nên cơ sở của ông có thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài tỉnh như Trà Vinh, Bình Phước, Quảng Ngãi. Vụ Tết năm nay, số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn so với mọi năm nên cơ sở đã tăng giờ làm việc lên 10 giờ/ngày và tăng nhân công từ 6 người lên 10 người để gia tăng sản xuất, kịp có hàng giao cho khách.
Đóng gói sản phẩm bún khô của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng – Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). |
Năm nay, các đơn hàng Tết của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng – Khánh Xuân tăng 40% so với ngày thường và 10% so với năm trước. Dự kiến, HTX sẽ sản xuất, cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 khoảng 100 tấn miến, bún, phở thành phẩm. Do đó, từ trung tuần tháng 12/2024, các thành viên của HTX đã tăng cường nhân công, làm tăng ca từ 4 giờ sáng đến 22 giờ đêm để đủ sản lượng phục vụ thị trường.
Ông Hà Văn Tuyến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng – Khánh Xuân cho hay, năm nay giá gạo bình ổn và đang có xu hướng giảm nên đã tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên. Để bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết, ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu thì các thành viên của HTX cũng đã chú trọng đầu tư hệ thống máy móc, xây dựng nhà lồng, thiết kế nhãn mác, bao bì nhằm cho ra những sản phẩm đồng đều về chất lượng và có mẫu mã đẹp.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân Nguyễn Đình Phúc, địa phương hiện có hơn 40 hộ làm nghề miến, bún, phở khô truyền thống. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền trong quảng bá sản phẩm, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay HTX Nông nghiệp và Dịch vụ sản xuất bún, miến, phở khô Chi Lăng – Khánh Xuân đã có hai sản phẩm là bún khô và phở khô đạt OCOP 3 sao. Để tiếp tục nhân rộng, phát triển nghề miến, bún, phở truyền thống, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ đăng ký sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền cho các hộ sản xuất chú trọng công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường và người tiêu dùng.
Nhộn nhịp làng bánh tráng Hòa Nhơn
Những ngày này, trên khắp tuyến đường dẫn vào các thôn: 5, 6 , 7, 8, 18 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) dễ dàng bắt gặp cảnh đông đúc người dân phơi bánh tráng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán.
Là một trong những hộ làm bánh tráng gia truyền lâu đời tại địa phương, bà Nguyễn Thị Thùy Quyên (thôn 6, xã Ea Bar) bộc bạch, nghề này làm quanh năm nhưng “sôi động” nhất vẫn là vào vụ Tết. Thời điểm này, người tiêu dùng có nhu cầu tiêu thụ bánh tráng lớn nên hộ nào cũng tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập. Riêng với gia đình bà, ngày thường chỉ sản xuất hơn 1.000 vỉ bánh, với khoảng 1 tạ bột và thuê 7 - 8 nhân công; nhưng vào vụ Tết, bà cần tăng số lượng bánh tráng lên gấp 3 lần (khoảng 3.000 vỉ bánh/ngày) thì mới đủ cung ứng cho thị trường. Bởi vậy, từ đầu tháng 10 âm lịch cho đến cận Tết Nguyên đán, bà sẽ phải huy động tối đa nhân lực (tăng gấp đôi so với ngày thường) và cho lò bánh hoạt động hết công suất từ 4 giờ sáng đến 21 giờ đêm.
Người dân tại làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) phơi bánh tráng. |
Những ngày này, lò bánh tráng của gia đình ông Bùi Văn Khải (thôn 7, xã Ea Bar) cũng bắt đầu hoạt động từ lúc 3 giờ sáng. Theo ông Khải, nếu như ngày thường, gia đình chỉ làm 1 tạ gạo thì vào vụ Tết ông đã tăng số lượng lên gấp đôi. Để sẵn sàng nguồn hàng xuất ra thị trường, ông chủ động chuẩn bị 4 tấn bột gạo, 2 tấn bột mì để làm bánh tráng. "Năm nay, nguyên liệu đầu vào không tăng nên giá bánh tráng vẫn được duy trì ổn định, với giá từ 21.000 - 26.000 đồng/kg (tùy loại bánh). Mong thời tiết thuận lợi, nắng nhiều để phơi bánh tráng, nhằm bảo đảm nguồn hàng đáp ứng thị trường Tết", ông Khải chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bar Trần Thị Phương Lan cho biết, các hộ làm bánh tráng chủ yếu là người Bình Định di cư đến địa phương sinh sống từ năm 1982. Trải qua hơn 40 năm, đến nay địa phương đã hình thành làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn với 63 hộ sản xuất. Những năm gần đây, nhu cầu khách hàng đặt mua báng tráng tăng cao nên người dân đã đầu tư máy móc và mở rộng quy mô sản xuất để tăng sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường. Hiện tại, mỗi năm làng nghề xuất ra thị trường hơn 1.800 tấn bánh tráng. Nghề làm bánh tráng truyền thống này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn giải quyết việc làm cho lao động dôi dư tại địa phương.
Khánh Mai
Ý kiến bạn đọc