Multimedia Đọc Báo in

Sức trẻ ở những làng nghề truyền thống

14:43, 26/01/2013

Những làng nghề đang rộn rã vào Xuân với bao bộn bề, khẩn trương theo đơn hàng cuối năm. Sắc Xuân rạng ngời trên gương mặt của các “nghệ nhân” trẻ, họ đang thổi hồn và mang lại sức sống mãnh liệt cho từng nghề truyền thống của bao đời cha ông để lại…

Những cô gái đam mê sắc màu thổ cẩm

Với người phụ nữ Êđê, nghề dệt thổ cẩm đã là “máu thịt”, được các thế hệ lưu truyền từ đời này sang đời khác. Người con gái Êđê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà hoặc mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết ngày hội của buôn làng. Cuộc sống phát triển, công nghệ dệt may hiện đại, sở thích trang phục thay đổi, dệt thổ cẩm mai một dần và chỉ còn một số người già nhớ nghề dệt khi nhàn rỗi. Ấy vậy mà có buôn làng, dệt thổ cẩm được nhiều bạn trẻ chọn làm nghề và gắn bó, phát triển, khai thác hết những tinh túy của nghề truyền thống để cho ra đời những sản phẩm đẹp mang hồn dân tộc mình. Đó chính là những cô gái Êđê ở buôn Tơng Ju và buôn Bông (thuộc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông) xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Những thanh nữ ở làng nghề thổ cẩm Tơng Bông.
Những thanh nữ ở làng nghề thổ cẩm Tơng Bông.

Cô gái H’Ngoi Niê đã mê đắm những hoa văn và sắc màu rực rỡ của thổ cẩm từ khi còn bé ngủ trên lưng mẹ trong vòng khăn địu bằng thổ cẩm; lớn lên, ngồi hàng giờ liền ngắm mẹ miệt mài bên khung cửi tỉ mẩn chuốt từng sợi chỉ mảnh, đan, dệt vào nhau để có những tấm vải muôn màu với nhiều hoa văn kỳ bí… “Sắc màu thổ cẩm “ăn vào máu” rồi nên luôn mê ngồi khung cửi”- H’ Ngoi tâm sự. Chính vì vậy, khi lên 10 tuổi H’ Ngoi đã giúp mẹ giăng sợi, tập dệt những tấm khăn nhỏ với hoa văn đơn giản. Năm 15 tuổi, H’ Ngoi theo gót 5 chị em gái và mẹ của mình đăng ký trở thành xã viên của HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông. Trong quá trình làm việc tại HTX, với tình yêu nghề và ham tìm tòi, học hỏi, H’ Ngoi đã dệt được nhiều hoa văn khó và được chủ nhiệm HTX chọn đi tham quan ở nhiều làng nghề thổ cẩm khác và các hội chợ, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ... Giờ đây, khi mới chỉ là cô thiếu nữ 19 tuổi với 4 năm tuổi nghề H’ Ngoi đã có trong tay số “vốn” đáng nể khi dệt thành thạo gần 100 loại hoa văn và sáng tạo nên nhiều mẫu mã mới đẹp góp phần làm phong phú thêm cho thổ cẩm dân tộc mình. Không chỉ H’ Ngoi mà nhiều bạn trẻ khác như: H’Ter Êban (21 tuổi), H’ Nhiên Bkrông (20 tuổi), H’ Xuyên Êban (23 tuổi)… đều là những hạt nhân làm nên “thương hiệu” dệt thổ cẩm Tơng Bông.

Bà H’ Yam Bkrông, chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông cho biết: HTX hiện có 42 xã viên và 100 lao động thời vụ, điều đáng mừng khi già nửa trong số đó là thanh niên. Tuổi trẻ có ưu điểm tiếp thu nhanh, học hỏi thêm nhiều hoa văn, sáng tạo trong cách dệt, may để cho ra mắt những sản phẩm thời trang, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Trong năm 2012, mặc dù nghề dệt thổ cẩm gặp nhiều khó khăn, nhưng HTX cũng đã tìm nhiều cách để tiêu thụ được sản phẩm với tổng doanh thu cả năm đạt trên 600 triệu đồng, trong đó lực lượng trẻ đóng vai trò chủ đạo. Khá nhiều bạn trẻ dệt nhanh, đẹp, sáng tạo ra những mẫu hoa văn mới vừa có thu nhập cải thiện cuộc sống cho gia đình, vừa góp phần bảo tồn, phát huy, quảng bá rộng rãi sản phẩm đặc trưng văn hóa dân tộc Êđê của mình.

Trong tiếng lạch cạch, kẽo kẹt của khung cửi, tiếng nói cười rộn ràng dưới những ngôi nhà sàn ấm áp, biết bao tấm thổ cẩm với hoa văn muôn hình dáng nghệ thuật cùng các màu sắc đặc trưng đỏ, đen của dân tộc Êđê ra đời và đi khắp muôn phương… Hy vọng làng nghề dệt thổ cẩm Tơng  Bông sẽ mãi tồn tại và ngày càng phát triển, bởi không gì không thể khi tất cả nằm trong tầm tay các bạn trẻ của buôn làng này.

Những hạt nhân của làng nghề bánh tráng

Ngày đầu năm mới, dưới ánh nắng vàng rực và những cơn gió chướng mùa khô, làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn (xã Ea Bar, Buôn Đôn) lại rộn rã vào mùa. Suốt dọc 2 bên đường nhựa vào trung tâm xã Ea Bar, qua khu vực 3 thôn 5, 6, 7 có thể thấy không khí nhộn nhịp bởi bạt ngàn liếp bánh phơi trắng sân nhà.

Trần Thị Thu Thanh đang kiểm tra độ khô của vỉ bánh tráng.
Trần Thị Thu Thanh đang kiểm tra độ khô của vỉ bánh tráng.

Ông Trần Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm HTX dịch vụ Nông nghiệp Hòa Nhơn (nơi quản lý 362 xã viên trong đó có 185 hộ làm nghề bánh tráng) cho biết: Bà con làm nghề bánh tráng đều là những người quê gốc ở 2 huyện Hòa Nhơn và An Nhơn (Bình Định), nơi nghề làm bánh tráng đã có từ cả trăm năm trước. Năm 1982, một số hộ dân vào Dak Lak, mang theo nghề truyền thống của mình lập nghiệp trên vùng quê mới. Ngoài các hộ là xã viên, hầu hết các gia đình ở đây đều có lò bánh để làm tăng thêm thu nhập những ngày nông nhàn. Trung bình mỗi hộ làm khoảng 600 đến 800 bánh mỗi ngày, những tháng Tết thì sản phẩm được tư thương vào tận nhà thu mua hết. Ở các thời điểm khác, HTX thu mua và vận chuyển xuống Tây Ninh tiêu thụ, chính vì vậy, sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng không lo đầu ra. Năm 2010, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn. Có được sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề như hiện nay, không thể không kể đến vai trò quan trọng của lực lượng thanh niên. Mỗi ngày, các gia đình đều làm trên dưới 50kg gạo, vì vậy từ khâu xay bột, tráng bánh đến mang bánh đi tiêu thụ đều cần có sự tham gia của tuổi trẻ.

Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt, nhịp nhàng tráng bánh, khéo léo cho bánh ra vỉ của cô gái Trần Thị Thu Thanh (ở thôn 6) trông thật điệu nghệ. Để có được tay nghề  thành thục như vậy, cô gái đã phải miệt mài bên lò bánh từ năm lên 15 tuổi đến nay.  Với kinh nghiệm 6 năm trong nghề, cô đã tráng được hàng trăm nghìn tấm bánh mỏng, dày, tròn đều như một. “Tùy từng loại bánh mà thời gian chín và lượng bột múc đầy hay vơi. Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Mùa mưa, người làm bánh còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem bánh phơi ngay khi nắng vừa lên… Nghề này cũng khá công phu nhưng thu nhập không cao nên không phải ai cũng mặn mà với nghề. Riêng em thì nghĩ tuổi trẻ trong làng phải cùng nhau gìn giữ, phát triển nghề truyền thống cha ông mình để lại bằng cách học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, mang máy móc vào để tự động hóa bớt các công đoạn như xay bột, tráng bánh, lò sấy cho mùa mưa… để sản phẩm làm ra nhiều hơn, bớt công lao động và đặc biệt là tạo được thương hiệu riêng cho làng nghề.”-  Thu Thanh tâm sự.

Chàng trai Lương Quốc Việt cũng chia sẻ suy nghĩ: “Từ khi được công nhận làng nghề đến nay, nhiều gia đình đã được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất, nhưng vẫn nhỏ lẻ. Làng nghề cần đầu tư vào một dây chuyền sản xuất bánh lớn hơn. Em rất muốn đi tham quan, học hỏi các làng nghề bánh tráng khác để về xây dựng phương án đầu tư sản xuất, phát triển làng nghề và tiêu thụ quy mô, ổn định hơn. Dù bây giờ lượng bánh đều tiêu thụ được hết, nhưng vẫn do thanh niên từng gia đình đưa đi bỏ mối nhỏ lẻ…”

Bí thư Đoàn xã Y Khel H’ Môk cho biết: Làng nghề bánh tráng của 3 thôn có khoảng hơn 100 đoàn viên thanh niên tham gia và đang là lực lượng nòng cốt làm tăng thêm sức sống, bước phát triển mới cho làng nghề…  

Tạm biệt làng nghề, nhớ mãi ánh nhìn đầy khát vọng của chàng trai Quốc Việt và nụ cười tươi của cô gái Thu Thanh bên những liếp bánh tráng hong rang dưới nắng vàng cùng ước mơ cháy bỏng của mình rằng một ngày không xa khắp nơi sẽ biết đến thương hiệu: bánh tráng Hòa Nhơn.

Những người trẻ ở làng cối Hòa Thuận

Xã Hòa Thuận - TP. Buôn Ma Thuột lâu nay được nhiều người biết đến bởi nghề chế tạo cơ khí, đặc biệt là cối xay, tách vỏ cà phê. Hiện nay, nhiều người trẻ ở đây vẫn tiếp tục theo đuổi, phát triển nghề làm cối, góp phần tạo nên sức sống mới cho làng nghề ven đô này.

Chàng thợ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng tỉ mẩn với từng chi tiết của sản phẩm
Chàng thợ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng tỉ mẩn với từng chi tiết của sản phẩm.

Khi cây cà phê ở Tây Nguyên bắt đầu đi vào giai đoạn phát triển mạnh thì nghề chế tạo máy xay cà phê cũng xuất hiện ở Hòa Thuận từ đầu những năm 1990 rồi đạt đến cực thịnh trong khoảng mười năm nay. Nghề này tuy không đòi hỏi nhiều kỹ năng phức tạp nhưng để có được những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt là cả quá trình nghiên cứu, chế tạo của người thợ cơ khí. Có một điểm chung ở những người chế tạo cối xay là sự cẩn thận, tỉ mỉ và nhiệt huyết đối với từng lưỡi cưa, múi hàn. Vì vậy, Hòa Thuận đã tạo nên những tên tuổi thợ cơ khí nổi tiếng. Những thợ trẻ hiện nay vẫn còn nhiều người tâm huyết và giữ được bí quyết nghề độc đáo ở đây.

Lớn lên bên rẫy cà phê, sớm tiếp xúc với những chiếc máy xay cà phê nên từ nhỏ, Phan Đình Liềng đã bị mê hoặc bởi nghề làm cối. Sau khi học xong nghề cơ khí ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Phú Yên, Liềng tìm đến một cơ sở cơ khí ở Lâm Đồng để làm và tích lũy kinh nghiệm. Khi tay nghề đã chắc, cậu về lại quê hương tiếp tục làm nghề yêu thích của mình tại xưởng cơ khí Thanh Bình. “Sinh ra giữa làng nghề mà thợ trẻ ai cũng đi làm thuê ở nơi khác thì nghề làm cối xay cà phê Hòa Thuận rồi cũng mai một. Phải gắn bó với nghề này, vừa kiếm tiền vừa giữ được nghề cho buôn làng”, chàng thợ trẻ tâm sự. Vì vậy, Liềng không ngừng trau dồi, nâng cao tay nghề và chịu khó học hỏi thêm để mẫu mã sản phẩm làm ra ngày càng phong phú.

Chàng thợ trẻ Nguyễn Mạnh Hùng sau khi học “gò hàn”  tại xưởng cơ khí Thành Đạt đã ở lại xưởng để làm nghề. 6 năm theo nghề, Hùng đã chế tạo được hầu hết các loại máy xay tiêu, cà phê…, với tay nghề lão luyện, mỗi chiếc cối xay anh chỉ làm trong vòng một ngày. Hùng chia sẻ: “Ngày đầu mới vào nghề chưa quen với cưa, hàn nên mặt bỏng rát, mắt đau nhức em muốn bỏ, nhưng làm miết rồi quen”. Nghề cơ khí làm theo mùa, trong đó cao điểm là trước mùa hái tiêu, cà phê… thời gian còn lại, một số thợ tìm việc khác nhưng mình cậu vẫn làm ở đây vì “bỏ là cảm thấy ngứa ngáy chân tay”. Theo người thợ trẻ này, nghề cơ khí đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Tuy nhiên, muốn gắn bó lâu dài thì phải thật sự yêu thích nghề này vì làm cơ khí vất vả, ai không yêu thì chỉ được thời gian ngắn là bỏ nghề ngay. Đã là một thợ sắt lành nghề, ước mơ của Hùng là có một cơ sở chuyên làm cối cà phê do mình làm chủ...

Được biết, xã Hòa Thuận có 15 xưởng cơ khí lớn, mỗi năm cho ra thị trường khoảng 30.000 cối xay cà phê các loại và tạo thu nhập cho thanh niên lao động địa phương bình quân 20 người/xưởng. Ông Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Thuận cho biết, địa phương đã có kế hoạch thành lập hội cơ khí để tạo điều kiện phát triển thương hiệu cối xay cà phê, giúp cho những thợ trẻ có điều kiện phát triển nghề, mở cơ sở sản xuất để nâng cao thu nhập.

Phát huy sức mạnh tuổi trẻ trong bảo tồn, phát triển nghề truyền thống

Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào các dân tộc. Quá trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống đang đặt ra những thách thức mới. Với mỗi làng nghề, việc hệ trọng nhất là bảo đảm cho cácsản phẩm thủ công của làng ngày càng phát triển mà vẫn giữ được đặc trưng vốn có. Trong khi lớp nghệ nhân tâm huyết đang ngày càng già đi và ít tham gia vào sản xuất, lớp trẻ có xu hướng xa quê, tìm hướng phát triển, thì việc giúp thanh niên làng nghề khởi nghiệp với nghề truyền thống là một hướng đi cần thiết để vực dậy sự hưng thịnh của các làng nghề. Chính vì vậy, người trẻ có trách nhiệm đứng ra tổ chức việc tạo nên một không gian rộng mở cho nghệ nhân cao tuổi hoạt động truyền dạy kinh nghiệm làng nghề. Cần phải làm cho thanh niên làng nghề thấy được nếu “trụ” lại với làng nghề cũng là một trọng trách của mình và được xã hội đánh giá cao. Hướng thanh niên ý thức hơn về tầm quan trọng và lợi ích kinh tế của việc phát triển, đầu tư xứng đáng cho việc đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho làng nghề truyền thống... là điều cần thiết để cùng người trẻ làm sống lại, hưng thịnh nghề cha ông.

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, việc đưa các sản phẩm vượt khỏi lũy tre làng, tới nhiều địa phương và vươn ra với thế giới nằm trong tay lớp trẻ, là những người có kiến thức, có khả năng giao tiếp và đặc biệt là có khát vọng vươn cao trong xã hội. Tương lai của làng nghề truyền thống sẽ khả quan nếu thanh niên làng nghề được khích lệ, được quan tâm đầu tư. Một mùa xuân mới lại đến ghi thêm tuổi đời của các làng nghề và lớp thanh niên trẻ trên Cao Nguyên Dak Lak như những mầm xanh căng tràn sức sống đang cùng ông cha mình tiếp “lửa” cho làng nghề vươn xa…

Minh Quân - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc