Ngành y tế tích cực chuyển đổi số
Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tối ưu hóa quy trình làm thủ tục thăm, khám bệnh… được triển khai trong ngành Y tế Đắk Lắk đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, nhân viên y tế.
Trong hoạt động khám, chữa bệnh tại địa phương thời gian gần đây đã có sự thay đổi tích cực nhờ hoạt động chuyển đổi số (CĐS). Các đơn vị y tế trong tỉnh đã tích cực triển khai, đưa ra nhiều giải pháp trong CĐS để nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng khám, chữa bệnh.
Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị khá đông. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và hơn 1.600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Để tạo thuận lợi cho người dân, rút ngắn thời gian tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã triển khai đăng ký khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD), sử dụng ứng dụng VNeID, VssID thông qua phần mềm của bệnh viện; liên thông đơn thuốc với Cổng đơn thuốc quốc gia (đối với đơn khám bệnh và bán thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện), thanh toán không dùng tiền mặt…
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân đăng ký khám bệnh trên hệ thống kiosk tự phục vụ tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Thường xuyên khám, điều trị tại bệnh viện, anh Đỗ Hồng Tới (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) chia sẻ, bệnh viện hiện đã có nhiều hình thức đăng ký nhận bệnh phù hợp, thuận tiện cho người dân. Hiện nay, mỗi lần đi khám, anh không cần phải mang quá nhiều loại giấy tờ như trước, thay vào đó, anh sử dụng phần mềm trực tuyến để thực hiện các thủ tục. Với hình thức này, bệnh nhân chỉ mất khoảng một phút là đã đăng ký xong.
Ngoài ra, bệnh viện cũng đã bố trí các hàng ghế chờ, triển khai bốc số thứ tự tự động, có bảng điện tử thông báo số thứ tự tại các quầy đăng ký khám, thanh toán, nhận thuốc. Nếu như trước đây, thay vì chen chúc chờ nghe gọi số, thì nay người bệnh có thể chủ động theo dõi bảng điện tử và chờ đến lượt khám, thanh toán viện phí, nhận thuốc theo số thứ tự đã có. Chưa dừng lại ở đó, vào cuối tháng 10 vừa qua, bệnh viện đã triển khai hệ thống kiosk tự phục vụ. Giải pháp hiện đại này hỗ trợ bệnh viện tiếp đón bệnh nhân tự động, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, việc tích hợp công nghệ, áp dụng CĐS vào các hoạt động của bệnh viện đã giúp tối ưu hóa quản lý, tăng độ chính xác và nâng cao hiệu suất, chất lượng phục vụ người bệnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế kịp thời, nhanh chóng.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Nhật Anh |
Đối với Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, việc CĐS cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột cho biết, chủ trương CĐS triển khai phù hợp với điều kiện thực tế và được bệnh viện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác thông tin mã định danh cá nhân, CCCD của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh để lưu vào hồ sơ bệnh án, làm cơ sở liên thông dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện liên thông dữ liệu các chứng từ lên Cổng giám định BHYT. Nhằm tích hợp tra cứu thông tin thẻ BHYT và đăng ký khám chữa bệnh bằng CCCD thay thẻ giấy, bệnh viện đã lắp đặt 5 đầu đọc mã vạch có tính năng đọc mã QR trên CCCD. Tính đến nay, đơn vị đã thực hiện tiếp đón 5.995 lượt bệnh nhân khám BHYT bằng thẻ CCCD gắn chip.
Theo Sở Y tế, thời gian qua, ngành y tế địa phương đã tích cực đẩy mạnh CĐS, đồng loạt đưa nhiều phần mềm vào áp dụng và ứng dụng trong quản lý, khám, chữa bệnh, tạo sự thay đổi rõ nét, góp phần giảm thời gian chờ khám của người bệnh, giảm tải áp lực cho nhân viên y tế. Theo đó, các đơn vị y tế đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã sử dụng CCCD để tra cứu khám chữa bệnh BHYT; 21 đơn vị đã được trang bị hệ thống hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; triển khai phần mềm “bác sĩ cho mọi nhà” nhằm cải thiện tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tại các đơn vị y tế cơ sở. Không chỉ ở tuyến tỉnh, đối với tuyến huyện, 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và trạm y tế cấp xã đều đã triển khai Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia…
Từ những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành y tế địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc khám, chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID, bảo đảm việc liên thông dữ liệu thực hiện dịch vụ công; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm, tạo tài khoản trên phần mềm "bác sĩ cho mọi nhà"; đẩy mạnh triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kiosk tự phục vụ; chú trọng hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; đẩy mạnh thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc