Nông nghiệp Đắk Lắk - Khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế
Năm 2024, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà. Với chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, ngành này không chỉ duy trì sự ổn định mà còn tạo ra bước đột phá quan trọng trong các lĩnh vực trọng yếu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế toàn diện của địa phương.
Đóng góp then chốt vào kinh tế địa phương
Năm 2024 được đánh giá là một năm thành công về nhiều mặt của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), đóng góp quyết định vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, góp phần quan trọng vào gia tăng thu nhập cho người dân lên trên 73 triệu đồng/người/năm, vượt xa kế hoạch năm 2024 (kế hoạch là 68,8 triệu đồng/người) và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra là 70,69 triệu đồng/người.
Năm 2024, giá cà phê tăng cao góp phần tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. |
Nông lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, hiệu quả hơn gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị, bảo đảm chất lượng và an toàn. Điều này thể hiện ở các lĩnh vực như: trồng trọt với tổng diện tích gieo trồng năm 2024 đạt 697.694 ha (tăng 6.280 ha so với năm 2023); tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.402.588 tấn (bằng 112,8% kế hoạch). Cùng với điều kiện thuận lợi về giá các sản phẩm chủ lực như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu duy trì ở mức tương đối cao đã làm tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp (DN), tạo nguồn lực đầu tư, phát triển mạnh mẽ, bền vững ngành hàng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục dịch chuyển mạnh mẽ từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, hiệu quả và áp dụng công nghệ mới, an toàn dịch bệnh. Tổng đàn vật nuôi chính toàn tỉnh đạt khoảng 18,48 triệu con (tăng hơn 1 triệu con so với năm trước). Sản lượng thịt hơi ước đạt 256.700 tấn (gần 103% kế hoạch); sản lượng trứng các loại ước đạt 377 triệu quả (gần 102% kế hoạch).
Nâng cao vị thế cà phê Đắk Lắk thông qua chế biến cà phê chất lượng cao. |
Tái cơ cấu ngành được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, chuyển đổi số được chú trọng; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền các cấp quan tâm hơn…
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh, năm 2024 ngành nông nghiệp có đóng góp rất quan trọng, tiếp tục khẳng định vị thế trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ngành có sự chuyển đổi toàn diện từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây là tư duy quan trọng, góp phần làm cho nông nghiệp phát triển bền vững, gắn sản xuất với thị trường, sản xuất với chế biến để gia tăng giá trị.
Xây dựng chuỗi cung ứng bền vững
Bắt nhịp với xu thế phát triển toàn cầu, với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm gần đây, Đắk Lắk đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu, nông nghiệp xanh, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Mặt hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. |
Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được 114 chuỗi liên kết (cấp tỉnh 6 chuỗi, cấp huyện 106 chuỗi, cấp xã 2 chuỗi). Ngoài ra còn có khoảng 10 chuỗi do DN và người nông dân tự liên kết. Sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp và trở thành hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất của tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 150 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN; có khoảng 34 DN và 276 trang trại, gia trại tham gia liên kết với nhau; số hộ nông dân tham gia liên kết khoảng 15.525 hộ; có 5 tổ chức khoa học tham gia liên kết. Hiện nay, việc liên kết đang tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, lúa, gạo, ca cao, mắc ca, cây ăn quả, chăn nuôi... Việc xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang được các cấp, các ngành cũng như các DN, HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả nhất định.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp HENA, hoạt động trong lĩnh vực tinh dầu và dầu ép lạnh với 10 lao động thường xuyên, 120 lao động thời vụ, 2 tổ đội sản xuất và 1 tổ hợp tác thành viên; 45 thành viên liên kết (có 38 thành viên là người dân tộc thiểu số). HTX đã xây dựng, phát triển thành viên, mở rộng được nhiều vùng liên kết sản xuất ổn định trong và ngoài tỉnh, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Cà phê Thuận An (tỉnh Đắk Nông) với tổng diện tích liên kết lên đến trên 100 ha. Đồng thời, HTX đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện máy móc phục vụ sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến sâu tinh dầu và dầu ép lạnh; từng bước tiếp cận kết nối với nhiều DN lớn về cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Thương hiệu Tinh dầu HENA của HTX đã được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng, tiếp cận vào thị trường lớn thông qua sàn thương mại điện tử, chào hàng ra quốc tế.
Ông Nguyễn Hoài Dương cho rằng, trong bối cảnh giá cả nông sản không ngừng biến động, việc tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp trở thành xu thế tất yếu. Đắk Lắk phát triển các vùng sản xuất tập trung, phát huy lợi thế tiềm năng của từng vùng để thúc đẩy tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết hợp tác. Qua đó thu hút được nhiều nhà đầu tư đến các vùng nông nghiệp, nông thôn để liên kết, hợp tác tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là thúc đẩy chế biến nông lâm sản, tạo ra giá trị gia tăng và tiêu thụ nông sản ổn định cho người dân.
Nông nghiệp Đắk Lắk năm 2024: * Tốc độ tăng trưởng 4,83% (cao gấp 1,4 lần so với bình quân chung cả nước). * Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,5 tỷ USD (chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). * Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm thủy sản của tỉnh (theo giá hiện hành) lần đầu tiên đạt 60.975 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. |
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc