Multimedia Đọc Báo in

Phượt ở Buôn Ma Thuột… (Bài 1)

08:38, 09/02/2025

Chỉ một cú nhấp chuột, bạn có vô vàn các gợi ý về điểm đến, những kinh nghiệm khi đến du lịch ở Buôn Ma Thuột.

Hành trình khám phá phố núi Ban Mê sẽ thêm nhiều điều thú vị khi tìm hiểu, thấu cảm được sức hút nơi đây chính là ở lịch sử, phong vị và bản sắc đại ngàn của đô thị trên cao nguyên bazan.

Bài 1:  Đến phố tìm buôn

Cách đây đã 20 năm, trong hành trang đến Buôn Ma Thuột lập nghiệp, mẹ đưa tôi một gói đất nhỏ được gói ghém cẩn thận. Đó là cách để mẹ bảo vệ con gái không bị lạ nước nơi đất khách quê người và vơi vợi nỗi nhớ khi xa nhà.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Buôn Ma Thuột, tôi được một đồng nghiệp “tiền bối” kể cho nghe câu chuyện về tiểu sử Buôn Ma Thuột. Và cũng đã 20 năm, mỗi lần tiếp đón bạn bè, món quà đầu tiên mà tôi dành tặng cũng chính là tiểu sử Buôn Ma Thuột.

Nhiều dư địa về văn hóa ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang chờ đợi "phượt thủ" đến tham quan và khám phá. Trong ảnh: Đồng bào Êđê ở buôn Akô Dhông vẫn giữ những nét truyền thống. Ảnh: Nguyễn Gia

Địa danh Buôn Ma Thuột là tên một buôn của đồng bào Êđê (nhóm Êđê Kpă) do tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Tên gọi Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột là tên gọi tắt: làng của cha Y Thuột (tiếng Êđê: Ama có nghĩa là cha, Y Thuột là chỉ tên người con trai tên Thuột). Vùng đất này vào cuối thế kỷ 19 chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài, mỗi nhà có từ 30 - 40 người. Đến những năm đầu của thế kỷ 20, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ mà đã quy tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do tù trưởng Ama Thuột, một người có uy lực và uy tín cai quản.

Ngày 22/11/1904, tỉnh Đắk Lắk được thành lập; gần một năm trở thành tỉnh lỵ của Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột đã có nhiều đổi thay và được thể hiện trên tấm bản đồ Buôn Ma Thuột năm 1905. Ngày 5/6/1930, Khâm sứ Trung Kỳ đã ký Nghị định thành lập thị xã Buôn Ma Thuột.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, mảnh đất 10/3 anh hùng đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Ngày 21/1/1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 08 thành lập thành phố Buôn Ma Thuột. Từ một đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột đã phát triển thành đô thị loại III năm 1995, được công nhận đô thị loại II năm 2005. Đầu năm 2010, Buôn Ma Thuột được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Bức tranh đô thị Buôn Ma Thuột ấn tượng và bản sắc với những nếp nhà dài. Ảnh: Hoàng Gia

Những buôn làng cũng chuyển mình theo nhịp sống của đô thị nhưng vẫn ôm chứa nhiều điều riêng có. Nhiều buôn làng ở Buôn Ma Thuột, cái đẹp và bản sắc bắt đầu từ chính những tên gọi đầy ý nghĩa, hầu hết để ghi nhớ những người có công lập buôn, tên các con suối, cánh rừng. Cũng phải, khởi nguyên nguồn sống là săn bắt và hái lượm nên đồng bào quần cư bên con sông, dòng suối, sống dựa vào rừng. Đó là cái tên buôn Tơng Jú cách trung tâm thành phố 12 km về hướng Đông Nam, gần hồ đập Ea Kao – một công trình nhân tạo đẹp nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột. Buôn hiện có gần 470 hộ, thuộc các dân tộc Êđê, Kinh, Tày, Mường. Trong tiếng Êđê, Tơng Jú có nghĩa là vực nước sâu màu đen không bao giờ cạn. Đó là buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 10 km. Trong tiếng Êđê, Kmrơng Prông có thể hiểu là rừng lớn. Sắc xanh của cây trái, của rừng nơi bến nước là tài sản quý giá, thiêng liêng được đồng bào trân quý, gìn giữ. Buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi đã ở tuổi đời hơn 60. Akô Dhông theo tiếng Êđê có nghĩa là đầu nguồn, buôn được lập ở thượng nguồn của 6 dòng suối: Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, Thun M'nung và Ea Nuôl. Sự sầm uất, trù phú nơi đây mang sắc nét riêng của hoa thắm, rừng xanh, suối nguồn, nhà dài, hương cà phê, những món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào Êđê.

Trải nghiệm buôn trong phố núi Ban Mê, sức hút còn ở những nếp nhà dài. Giữa nhịp sống đô thị, xen lẫn với kiến trúc hiện đại vẫn còn những ngôi nhà dài có tuổi đời cũng hơn nửa thế kỷ. Dấu tích thời gian, nét cổ xưa và cả những cũ nát như càng minh chứng thêm sức sống của nó trong đời sống đồng bào. Buôn Tuôr, xã Hòa Phú có 122 hộ, 558 khẩu 100% là đồng bào Êđê. Trong buôn vẫn còn những ngôi nhà dài thách thức thời gian và dằng dặc miền ký ức một thuở với những người già như bà H’Eo Byă đã hơn 80 tuổi. Bà cùng con cháu sang sống ở ngôi nhà xây bên cạnh, nhà dài dù đã quá cũ, không an toàn để ở nhưng ai mua cũng không bán, bà và các con vẫn để lại, coi đó như một thành viên gạo cội của gia đình.

Thiếu nữ Êđê trong trang phục truyền thống. Ảnh: Hữu Hùng

Nếu ai biết nhà dài là chứng nhân của sự sinh sôi và gắn kết thì sẽ càng hiểu nỗi lòng dằng dặc ký ức của những người già. Chính nơi đây, bao thế hệ trong đại gia đình sinh ra, lớn lên, gắn bó, đùm bọc, san sẻ những thăng trầm dâu bể. Hồn cốt tạo nên sự cố kết cộng đồng không chỉ có sợi dây nghĩa tình máu thịt mà hữu hình với bếp lửa trong  nhà dài. Không gian sống trước đây mênh mông núi rừng sông suối, bếp lửa trong nhà dài sưởi ấm và kết nối các thành viên gia đình. Y Tư Êban ở buôn Kmrơng Prông B chia sẻ rằng: Ký ức về tuổi thơ của anh là mỗi sớm thức dậy, việc đầu tiên là nhóm bếp lửa, cả gia đình ngồi sưởi ấm cho lưu thông mạch máu, rồi pha cà phê uống. Ngôi nhà dài xây dựng từ năm 1990 của ông bà hiện vẫn là nơi cư ngụ của ba thế hệ, có rất nhiều người đã hỏi mua nhưng dù khó khăn thiếu thốn đến mấy, gia đình anh cũng không bán. Môi sinh rừng và tâm thức với rừng không chỉ là khởi nguồn để khai sinh ra những tên đất tên buôn, mà còn nuôi đồng bào, với những món ăn dân dã, tạo nên văn hóa ẩm thực độc đáo và hấp dẫn, riêng có và đặc trưng như lá mì, cá khô, cà đắng, cây gia vị thông dụng là sả và ớt. Trên gác bếp của đồng bào Êđê, một vật dụng phổ biến là chiếc vá làm bằng cây lồ ô, được gọt đẽo để sử dụng rất đa năng, vừa làm chày nhỏ giã ớt, vừa làm vá múc canh.

Rừng, bếp lửa, nhà dài cũng là không gian văn hóa sản sinh và nuôi dưỡng các lễ nghi, tập tục thiêng liêng, sử thi, cồng chiêng…

Nắm đất nhỏ mẹ gói ghém cho tôi, tôi đã trộn hòa chung vào đất đỏ bazan. Một quê hương thứ hai của tôi, cũng sâu đậm những ân tình. Buôn Ma Thuột hấp dẫn và níu chân người không phải bởi những tòa nhà cao tầng, những công trình kiến trúc bề thế. Thương hiệu "buôn trong phố" tạo nên những nét chấm phá bản sắc, truyền thống cho bức tranh đô thị; để mê hoặc bằng những điều huyền sử; khám phá đời sống văn hóa độc đáo của cư dân bản địa trên mảnh đất này. Đến phố tìm buôn. 33 buôn đồng bào dân tộc thiểu số trong thành phố Buôn Ma Thuột sẽ không làm bạn mỏi bước chân…

(Còn nữa)

Bài 2: Rừng trong phố

Việt Minh Khôi


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025)"
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu “50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025)" diễn ra trong 3 tuần (từ 10/2/2025-28/2/2025). Công dân Việt Nam sinh sống trong và ngoài tỉnh tham gia thi, đặc biệt không hạn chế số lần thí sinh dự thi.