Phát triển chuỗi giá trị cà phê Đắk Lắk: Từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu toàn cầu
Giữa làn sóng hội nhập toàn cầu, việc hoàn thiện chuỗi giá trị cà phê từ nông trại đến định vị thương hiệu quốc tế đang trở thành động lực để khai phá tiềm năng của cà phê Đắk Lắk. Đây chính là “chìa khóa” để cà phê Việt Nam có một vị thế xứng tầm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kết nối để vươn ra biển lớn
Đắk Lắk từ lâu đã được biết đến như "thủ phủ” cà phê của Việt Nam, đóng góp hơn 30% sản lượng cà phê cả nước. Hạt cà phê từ vùng đất này đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, phía sau con số ấn tượng đó, chuỗi giá trị cà phê Đắk Lắk vẫn tồn tại nhiều bất cập như: gần 90% diện tích và sản lượng cà phê là thuộc về các hộ nông dân; 90% sản lượng vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp trong khi các thương hiệu cà phê nội địa vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
![]() |
Đại diện Công ty TNHH Dakman Việt Nam - đối tác của HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu thăm vùng nguyên liệu sản xuất cà phê. |
Thực tế này đã thúc đẩy Đắk Lắk tìm kiếm các giải pháp phù hợp để xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xây dựng thương hiệu và phân phối. Hiện nay, các mô hình liên kết sản xuất và chế biến sâu đang mở ra hy vọng mới để cà phê Đắk Lắk không chỉ là vùng nguyên liệu xuất khẩu mà còn trở thành thương hiệu toàn cầu. Đơn cử như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, dịch vụ công bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) là đơn vị tiên phong trong xây dựng chuỗi liên kết với các hộ nông dân để sản xuất cà phê bền vững, đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài 49 thành viên chính thức và hơn 60 ha có chứng nhận Fairtrade, đến nay HTX đã liên kết với 200 nông dân để chế biến cà phê chất lượng cao, đưa sản phẩm đến với các cuộc thi cà phê đặc sản của Việt Nam và thế giới. Cùng với đó, HTX còn liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn. Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX đã được nhiều khách hàng ở các nước như: Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… biết đến và đặt mua.
Cùng với các HTX, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng khẳng định được vai trò chủ công trong chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó có Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) - DN đã tạo liên kết sản xuất với hệ thống nông hộ từ 15 năm trước. Hiện Simexco Daklak đang có vùng nguyên liệu lớn, đạt tiêu chí bền vững, canh tác xanh lên đến 40.000 nông hộ, với diện tích 48.000 ha. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu cà phê chính để Simexco Daklak xuất khẩu đến 89 quốc gia trên thế giới.
![]() |
Thu hoạch quả chín là tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng cà phê tại vùng nguyên liệu của Simexco Daklak. |
Tổng Giám đốc Simexco DakLak Thái Anh Tuấn cho biết, năm 2024, Simexco Daklak là đơn vị duy nhất đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho sản phẩm cà phê nhân, với vùng trồng canh tác bền vững, đa dạng sản phẩm, đặc biệt là cà phê đặc sản Fine Robusta, giúp xây dựng và phát triển giá trị của cà phê nhân Việt Nam. Thành tích này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ cam kết của một thương hiệu Việt luôn lấy chất lượng sản phẩm là tiêu chí hàng đầu để cạnh tranh, tạo nên uy tín thương hiệu Simexco Daklak trên thị trường trong nước và quốc tế.
Định vị cà phê Đắk Lắk như một thương hiệu cao cấp
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện Đắk Lắk có đến 70 - 80% diện tích cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng trong nước và thế giới. Đắk Lắk kỳ vọng thông qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 sẽ kết nối được nhiều DN đầu tư vào chuỗi liên kết để nâng cao hơn nữa chất lượng vùng nguyên liệu, đáp ứng chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm cà phê phân khúc cao cấp, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm cà phê Đắk Lắk cũng như tăng trưởng kinh tế của tỉnh. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn khẳng định, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh và là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới. Đây cũng là một giải pháp để phát triển bền vững ngành hàng, khẳng định thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và hướng tới mục tiêu trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Đắk Lắk có khoảng 51 HTX cà phê có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với DN. Để thu mua hàng hóa của người dân trên địa bàn với số lượng lớn và chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, các DN chủ động liên kết với các HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, DN có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; các HTX là cầu nối có trách nhiệm gắn kết thành viên HTX với DN thực hiện đúng các cam kết đã thỏa thuận.
Đây là mô hình liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm đầu ra ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững.
![]() |
HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân với giá ổn định và cao hơn thị trường. |
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tỉnh đang tập trung tổ chức ngành hàng theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ người dân, HTX và DN để bảo đảm ngành hàng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng, có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, phù hợp, phát triển bền vững và hiệu quả.
Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường và tiết kiệm trong chi phí để ra được sản phẩm có chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Trên cơ sở sản phẩm có chất lượng, Đắk Lắk tập trung xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm cũng như bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột để định vị thương hiệu cà phê của Đắk Lắk ở thị trường trong nước và thế giới.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc