Multimedia Đọc Báo in

Chứng tích lịch sử Bến phà vượt sông Sêrêpốk

07:42, 27/04/2025

Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ trải dài hàng nghìn kilômét.

Rất nhiều công trình vĩ đại đã được quân và dân ta xây dựng trên tuyến đường khói lửa này, trong đó có khu vực vượt sông Sêrêpốk (còn gọi là Bến phà vượt sông Sêrêpốk) thuộc địa bàn xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Ghi dấu một thời lửa đạn

Khu vực vượt sông Sêrêpốk chỉ cách Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk vài trăm mét. Với khoảng cách thuận lợi ấy, mỗi dịp có đoàn công tác đến làm việc tại đồn, đơn vị thường giới thiệu cho đoàn khách quý đến thăm, chụp hình lưu niệm tại Bến phà vượt sông Sêrêpốk nhằm hiểu hơn về công trình quân sự vĩ đại, kết tinh của ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm của dân và dân ta trong kháng chiến.

Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk thông tin, năm 1973, Bến phà vượt sông Sêrêpốk được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 470 chịu trách nhiệm xây dựng nhằm chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt.

Với vai trò đặc biệt ấy, bến phà vượt sông trở thành trọng điểm mà địch đã đánh phá ác liệt hòng dập tắt ý chí đấu tranh của quân và dân ta. Đã có 57 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 470 hy sinh và nhiều đồng đội bị thương tại khu vực vượt sông Sêrêpốk, nhưng quân dân ta vẫn quyết tâm giữ vững mạch máu giao thông, bảo đảm cho các đoàn xe được nối tiếp đôi bờ.

Trải qua thời gian dài, từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bến phà vượt sông Sêrêpốk đã hoàn thành trọng trách, sứ mệnh lịch sử và toàn bộ hệ thống cầu, phà đã được lực lượng bộ đội ta chuyển đi nơi khác. Hiện nay, phía bên trái bờ phía Bắc vẫn còn 1 cọc sắt và bên phải còn 1 cọc gỗ có đường kính khoảng 15 cm, trong chiến tranh dùng để cột dây neo giữ phà…

Cán bộ, chiến sĩ dâng hương tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ.

50 năm kể ngày đất nước giải phóng, Bến phà vượt sông Sêrêpốk năm nào không còn nữa, nhưng những dấu tích lịch sử này vẫn mãi được nhắc nhớ. Trên bia di tích khắc rõ: “Từ mùa khô năm 1973 đến tháng 5 năm 1975, Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 công binh - Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã thi công cầu đường từ đường 19 vào Nam Tây Nguyên, bảo đảm đường ngang hướng đi Buôn Ma Thuột, làm ngầm cho xe tăng, cầu nổi cho xe ô tô, pháo binh hạng nặng, bộ binh vượt sông Sêrêpốk, góp phần vào chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, thần tốc tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn ngày 30/4/1975”.

Năm 2013, Bến phà vượt sông Sêrêpốk được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Phát huy giá trị lịch sử

Vừa qua, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tiếp nhận các học viên khóa 35 của Học viện Biên phòng về thực tập. Trong tất cả các điểm đơn vị giới thiệu với học viên không thể thiếu Bến phà vượt sông Sêrêpốk và Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ (được xây dựng cạnh bến phà). Việc đưa các học viên đến tham quan, nghe kể chuyện tại hai "địa chỉ đỏ" này không chỉ thông tin, tuyên truyền, mà còn giúp những người trẻ có cơ hội "chạm" vào lịch sử bằng những xúc cảm thật sự trên chính quê hương mình.

Tại Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, Đại úy Trần Minh Hiếu, đại diện cho Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk giới thiệu: “Tại vị trí chúng ta đang đứng chân là Nhà bia ghi danh 71 anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia của Tổ quốc. Các liệt sĩ hy sinh thuộc các đơn vị: Sư đoàn 470, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Đồn Biên phòng Bo Heng, Đại đội 5 – Công an nhân dân vũ trang tỉnh Đắk Lắk”…

Lãnh đạo Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk thông tin, giới thiệu về khu vực từng xây dựng Bến phà vượt sông Sêrêpốk.

Cẩn thận ghi chép lại các thông tin được đồn cung cấp, Trung sĩ Tôn Thất Bảo Châu bày tỏ niềm cảm phục: “Có đến tận nơi, chứng kiến dòng sông Sêrêpốk rộng lớn, cuồn cuộn chảy mới cảm nhận được phần nào những khó khăn, gian khổ mà cha anh đã vượt qua trong quá trình xây dựng bến ngầm, bến phà, bảo đảm giao thông thông suốt trên bến phà vượt sông. Chúng tôi luôn ghi nhớ và biết ơn thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sự quả cảm, lòng gan dạ và tình yêu quê hương đất nước của họ luôn khiến chúng tôi khâm phục, học hỏi. Bến phà vượt sông Sêrêpốk hay bất cứ "địa chỉ đỏ" nào cũng đều là minh chứng rõ ràng, sống động cho sự dũng cảm, hy sinh lặng thầm nhưng vĩ đại của bậc cha anh”.

Trong đoàn học viên thực tập có Trung sĩ Lê Trung Nguyên, là con của một cán bộ từng nhiều năm công tác tại Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk. May mắn và vinh dự khi nhiều lần được đến thăm, trở lại đồn, Lê Trung Nguyên bày tỏ: “Kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, chúng tôi xin hứa sẽ không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất, nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn; quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh và phát triển”.

Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk cho biết, không chỉ tổ chức cho các đoàn công tác đến thăm tại các "địa chỉ đỏ"; đơn vị còn thường xuyên tổ chức dâng hương, dâng hoa, giáo dục truyền thống lịch sử cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ nhằm nhắc nhở thế hệ hôm nay, mai sau sẽ mãi mãi nhớ, tri ân những người đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ mảnh đất thân yêu này…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc