Multimedia Đọc Báo in

Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46%: Chủ động đối sách để vượt qua khó khăn

08:15, 04/04/2025

Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Chính sách này dự báo sẽ tác động mạnh đến thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu có nên quá lo lắng về thông tin này!?.

Quan ngại với thuế “có đi có lại”

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 2/4 công bố thuế quan “có đi có lại”, hay còn gọi là thuế đối ứng, áp lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, từ ngày 5/4/2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9/4, mức thuế nhập khẩu cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia đang có thâm hụt thương mại lớn với Hoa Kỳ, trong đó, các mặt hàng của Việt Nam bị áp thuế cao với mức 46%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt gần 119,6 tỷ USD (tăng 23,1% so với năm trước). Trong đó, kim ngạch các ngành xuất khẩu chủ lực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD (tăng 36,3% so với năm trước), chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD (tăng 21,1% so với năm trước), chiếm 18,4%; xuất khẩu dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu…

Thị trường Hoa Kỳ đang có nhu cầu lớn về sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam.

Với Đắk Lắk, Hoa Kỳ tuy chưa phải là thị trường chủ lực nhưng cũng đã có một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thành công. Theo Sở Công Thương, có 10 sản phẩm của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, trong đó chiếm số lượng lớn nhất là hạt điều, hạt tiêu, cà phê, hàng rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Trong quan hệ thương mại toàn cầu, hầu hết các quốc gia, DN đều coi Hoa Kỳ là đối tác lớn và cố gắng xuất khẩu vào thị trường này. Cho nên, việc Hoa Kỳ công bố mức thuế mới chắc chắn không thể tránh khỏi sự lo lắng của các DN, nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, những ngành hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ lớn nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi chính sách thuế này.

Các DN lo ngại, sau khi áp dụng thuế của Hoa Kỳ, giá thành các sản phẩm xuất khẩu vào nước này có thể tăng lên, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh tại thị trường Hoa Kỳ. Ở phạm vi lớn hơn, chính sách thuế quan mới có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các quốc gia và DN hướng đến nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do. Bên cạnh đó, điều này cũng tác động đến xuất khẩu và tăng trưởng; đồng thời khiến giá cả tăng, áp lực lạm phát và tỷ giá gia tăng, thị trường chứng khoán và tiền tệ trong nước sẽ biến động nhiều hơn. Thậm chí, thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Linh hoạt thích ứng

Thực tế, Chính phủ Việt Nam đã dự báo trước khả năng về việc Hoa Kỳ sẽ áp mức thuế mới và đã có những giải pháp chủ động. Ngày 31/3, Chính phủ có Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, trong danh mục hàng loạt mặt hàng được giảm thuế nhập khẩu có nhiều sản phẩm xuất xứ từ Hoa Kỳ. Chính sách này nhằm thúc đẩy nhập khẩu sản phẩm từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, góp phần giảm thặng dư thương mại giữa hai nước. Trước đó, đại diện Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng nhiều lần gặp gỡ, đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với những rủi ro thuế quan. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn của Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam

Ngay trong sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình, thảo luận về các giải pháp trước mắt và lâu dài sau khi phía Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành bình tĩnh, bản lĩnh, có đối sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với mọi diễn biến để tiếp tục vượt qua những khó khăn.

Một doanh nghiệp Đắk Lắk làm lễ xuất khẩu lô hàng cà phê sang thị trường Hoa Kỳ.

Cùng với việc chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt vừa lâu dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay tổ phản ứng nhanh về vấn đề này do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đứng đầu. Đồng thời, giao Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì, chỉ đạo các bộ, ngành tổ chức lắng nghe ý kiến từ các DN, trong đó có các DN xuất khẩu lớn.

Ở góc nhìn tích cực, mức thuế của Hoa Kỳ đưa ra cũng là cơ hội tạo ra thay đổi tích cực về lâu dài, trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực cải cách thể chế, phát triển khoa học công nghệ và đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông tin về mức thuế 46% phía Hoa Kỳ đưa ra là con số tổng quan, không áp dụng đồng loạt mà được chia ra theo từng dòng sản phẩm cụ thể. Mức thuế suất nhập khẩu này sẽ được áp dụng trong bao lâu cũng sẽ phụ thuộc vào kết quả của những cuộc đàm phán sắp diễn ra giữa hai chính phủ. Ngoài ra, có một thực tế là người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn có nhu cầu lớn và đánh giá cao sản phẩm từ Việt Nam (đặc biệt là hàng dệt may).

Thuế đối ứng là một loại thuế quan hoặc hạn chế thương mại mà một quốc gia áp dụng cho nước khác để đáp trả mức thuế tương tự với hàng hóa của họ. Thuế này nhằm tạo ra sự cân bằng trong thương mại giữa các quốc gia. Nếu một quốc gia tăng thuế đối với hàng hóa từ quốc gia khác, bên bị ảnh hưởng có thể phản ứng bằng cách áp dụng thuế quan của riêng mình đối với hàng nhập khẩu từ nước đó. Cũng có khi, thuế này được sử dụng như một công cụ đàm phán trong các tranh chấp thương mại hoặc để khuyến khích các quốc gia giảm, xóa bỏ thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ nước khác.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới
Vào ngày 11/4, trái bóng tròn sẽ chính thức lăn trên sân bóng cả nước tại Giải hạng Nhì quốc gia 2025. Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk đã có sự chuẩn bị cần thiết về mọi mặt về chuyên môn, sẵn sàng vượt thử thách ở mùa bóng mới.