Giữ vững dòng chảy tín dụng chính sách
Ngày 5/7, nhiều điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức phiên giao dịch đầu tiên sau khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động.
Không để đứt vốn
Cũng như nhiều người dân khác, bà Nguyễn Thị Thanh Thu (thôn Nho Lâm) đã có mặt từ rất sớm tại điểm giao dịch Hòa Quang Nam của xã Phú Hòa 2. Đợt này, bà được vay 80 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để trồng keo. “Khi nghe nói tổ chức lại chính quyền địa phương hai cấp, tôi cũng lo không biết khi nào mới được giải ngân. Nhưng hôm nay, ngân hàng về đúng hẹn. Giải ngân vốn kịp thời lúc này là rất quý, gia đình tôi có thêm động lực để làm ăn”, bà Thu giãi bày.
Tương tự, bà Võ Thị Bích Liên cũng ở thôn Nho Lâm cho hay: “Gia đình tôi đang cần vốn để xây, sửa lại công trình nước sạch, vệ sinh và giếng khoan. Rất mừng là thủ tục được thực hiện thuận lợi, không bị gián đoạn dù có thay đổi về địa giới hành chính”.
![]() |
Hoạt động giao dịch tại điểm giao dịch Tam Giang 2. Ảnh: M. Chi |
Tại điểm giao dịch Tam Giang 2 thuộc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Krông Năng, mặc dù trời mưa nhưng hoạt động giao dịch vẫn diễn ra đúng theo kế hoạch. Một trong những người được giải ngân vốn đợt này là anh Cao Báo Tâm (thôn Giang Thọ, xã Tam Giang). Anh Tâm chia sẻ, anh hơi bất ngờ vì mặc dù chính quyền địa phương theo mô hình mới vừa đi vào hoạt động nhưng cán bộ tín dụng vẫn sâu sát với cơ sở, địa bàn. Đợt này anh được vay 100 triệu đồng cho mục đích trồng và chăm sóc cà phê. Nhà anh cách trung tâm xã mới 15 km nhưng vẫn giao dịch tại địa điểm cũ, nên anh chỉ phải đi chừng 5 km.
Ngân hàng CSXH Chi nhánh Đắk Lắk cho biết, đây đang là thời điểm người dân cần vốn để chăm sóc cây trồng, nên đơn vị tập trung đưa vốn nhanh chóng, kịp thời để bà con có điều kiện phát triển kinh tế. Ông Lê Hồng Phong, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Hòa cho biết: “Ngay sau khi có quyết định sắp xếp lại tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, chúng tôi đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch đầu tiên trong tháng 7 một cách chu đáo. Chúng tôi đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách diễn ra bình thường, đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”".
Tại tỉnh Đắk Lắk có 6 phiên giao dịch đầu tiên sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, được tổ chức tại Tam Giang 2, Hòa Hiệp, Đức Bình Tây, Xuân Lãnh, An Ninh Đông và Hòa Quang Nam. Việc tổ chức phiên giao dịch ngay đầu tháng 7 không chỉ thể hiện sự liên tục, thông suốt trong dòng vốn chính sách mà còn là cam kết của Ngân hàng CSXH trong việc phục vụ người dân một cách hiệu quả, bảo đảm các chính sách an sinh được triển khai đồng bộ, kịp thời. Theo ghi nhận, hoạt động giao dịch diễn ra thông suốt, ổn định, an toàn. Hầu hết điểm giao dịch được bố trí tại trụ sở UBND các xã cũ nên người dân không phải đi lại nhiều. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại điểm giao dịch được bảo đảm, phục vụ hiệu quả giao dịch của người dân. Khách hàng bày tỏ sự hài lòng về công tác giải ngân, thu nợ và công tác hỗ trợ của cán bộ tín dụng.
Bám địa bàn, nâng cao chất lượng phục vụ
Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 18.096 km2, quy mô dân số hơn 3,3 triệu người, với 2.801 thôn, buôn, tổ dân phố.
Ông Đào Thái Hòa, quyền Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngay sau khi chính quyền địa phương hai cấp hoạt động, đơn vị đã ổn định tổ chức, sắp xếp bộ máy nhân sự hợp lý, bảo đảm hoạt động xuyên suốt, không bị gián đoạn, xáo trộn nhằm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Chi nhánh cũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp một số nội dung liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách sau khi chính quyền địa phương hai cấp đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, các phòng giao dịch triển khai vận hành ngay, bảo đảm các hoạt động giải ngân, thu nợ, thu lãi. Toàn tỉnh có 102 xã, phường nhưng chi nhánh duy trì gần 300 điểm giao dịch để phục vụ tốt cho người dân, bảo đảm quyền lợi của người vay vốn không bị ảnh hưởng.
![]() |
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Đông Hòa tổ chức giao ban với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tại điểm giao dịch Hòa Hiệp Nam thuộc xã Hòa Hiệp. Ảnh: L. Hảo |
Tổng dư nợ tín dụng CSXH tại Đắk Lắk hiện đạt hơn 13.730 tỷ đồng, với 256.544 khách hàng còn dư nợ. Ngoài hội sở tỉnh, toàn tỉnh có 23 phòng giao dịch, 6.253 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động. Với đơn vị hành chính mới, công tác tín dụng chính sách gặp một số khó khăn do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, một số xã vùng sâu vẫn còn hạn chế về hạ tầng thông tin.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường năng lực phục vụ; triển khai các kế hoạch điều phối vốn, tái phân bổ chỉ tiêu phù hợp với nhu cầu từng địa bàn. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, giám sát và hỗ trợ vốn tín dụng chính sách. Để phục vụ tốt cho người dân, cán bộ tín dụng trực tiếp xuống tận địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ bà con làm hồ sơ vay vốn đúng quy định, không gây phiền hà cho người dân, thời gian thẩm định hồ sơ và giải ngân được rút ngắn tối đa.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngân hàng, các địa phương sau sáp nhập cũng tích cực quan tâm, tạo điều kiện cho các điểm giao dịch tín dụng CSXH. Ông Lê Ký Sự, Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, xã Tam Giang được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 xã của huyện Krông Năng (cũ) gồm Ea Tam, Cư Klông và Tam Giang. Địa phương hiện có 34 thôn, buôn, diện tích gần 196 km2, với 5.830 hộ dân. Chính quyền xã đã hỗ trợ 3 điểm giao dịch tại trụ sở UBND các xã cũ. Đồng thời, bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn về con người, tài sản cho cán bộ ngân hàng và người dân đến giao dịch. Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã hiện đạt 125,8 tỷ đồng, với 3.007 khách hàng còn dư nợ.
Còn ông Trương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Phú Hòa 2 cho hay, ngay sau khi sắp xếp lại chính quyền địa phương hai cấp, UBND xã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH nhanh chóng rà soát danh sách hộ vay, hỗ trợ người dân hoàn thiện hồ sơ để kịp tiến độ giải ngân. Địa phương cũng quan tâm bố trí các điểm giao dịch ở địa bàn cũ, bảo đảm gần dân, sát dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn thuận lợi.
Lê Hảo - Minh Chi
Ý kiến bạn đọc