Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk cần thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh

08:31, 26/08/2024

Theo kết quả Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Đắk Lắk năm 2023 tăng 3,55 điểm và 9 bậc so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt mục tiêu và kỳ vọng mà tỉnh đặt ra. PCI của tỉnh được đánh giá là chưa có nhiều bứt phá, tăng giảm không ổn định về điểm số và thứ hạng.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số PCI và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) chung quanh nội dung này.

* Thưa ông, Chỉ số PCI được xem là công cụ đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh một cách khá chính xác, đa khía cạnh trong hoạt động điều hành kinh tế địa phương. Vậy ông đánh giá như thế nào về năng lực cạnh tranh cũng như chất lượng điều hành nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk thông qua kết quả Chỉ số PCI năm 2023?

Đắk Lắk có sự thuận lợi về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Quy mô dân số, vị trí trung tâm và tỷ lệ đô thị hóa đang cao hơn so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên, điều này tạo cho tỉnh những điều kiện thuận lợi hơn về chất lượng nhân lực, chất lượng dịch vụ và hỗ trợ kinh doanh... Tuy nhiên, với kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN) cùng kết quả Chỉ số PCI, dường như hiện nay Đắk Lắk đang phát triển dưới mức tiềm năng của mình.

Điểm tích cực là Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk có sự cải thiện về điểm số và thứ hạng so với năm 2022. Trong 10 chỉ số thành phần, có đến 8 chỉ số tăng điểm và 7 chỉ số tăng thứ hạng. Điển hình là chỉ số Tiếp cận đất đai (xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố) trong khi nhiều địa phương rất khó khăn trong vấn đề này. Đây rõ ràng là sự đánh giá cao hơn của DN về sự chuyển đổi tích cực trong môi trường kinh doanh của tỉnh. Tôi tin rằng qua PCI thể hiện kỳ vọng của DN về những cải cách mạnh mẽ trong môi trường đầu tư của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số PCI và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) Đậu Anh Tuấn.

* Theo ông, hiện nay tỉnh Đắk Lắk đang phải đối mặt với những thách thức nào và cần phải làm gì trong việc nâng cao Chỉ số PCI?

Mặc dù Chỉ số PCI năm 2023 của tỉnh Đắk Lắk có thay đổi tích cực nhưng qua dữ liệu điều tra các DN thì chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền có rất nhiều điểm cần cải thiện. Hầu hết các lĩnh vực còn lại của tỉnh nằm trong nhóm nửa sau của bảng xếp hạng. Từ dữ liệu điều tra DN Đắk Lắk trong PCI 2023 có thể thấy sự năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền tỉnh Đắk Lắk đang có chiều hướng chững lại.

Tồn tại lớn nhất trong việc nâng cao Chỉ số PCI của các địa phương, trong đó có Đắk Lắk là chất lượng thực thi sau khi đề ra các chính sách. Bởi đưa ra, ban hành được những chính sách tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh thì hầu như địa phương nào cũng làm được nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để các chính sách này đến được với DN một cách tốt nhất, đây là vấn đề quan trọng mà không phải tỉnh nào cũng làm được. Bộ máy chính quyền các cấp cần thực hiện chính sách đã ban hành một cách đồng nhất và hiệu quả mới là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, bên cạnh việc đề ra các chính sách thì việc tổ chức thực thi, giám sát thực thi, thúc đẩy thực thi cần được quan tâm để tạo cho bộ máy chính quyền động lực để thực thi các chính sách một cách hiệu quả hơn.

Để tạo sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh có một yếu tố rất quan trọng và cần thiết là văn hóa hỗ trợ, đồng hành với DN. Hiện nay, các địa phương có điểm số PCI cao và DN hài lòng với môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh phần nào đó đã xác lập được văn hóa hỗ trợ, đồng hành DN. Văn hóa hỗ trợ này nằm ở cách hành xử của một cán bộ trong quá trình hỗ trợ DN, nó ở trong sự vận hành của một bộ máy của chính quyền các cấp, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khi tương tác với DN. Để hình thành được văn hóa hỗ trợ, đồng hành DN hoàn toàn không dễ, liên quan đến chất lượng cán bộ, liên quan đến văn hóa hành chính, cần có quyết tâm lớn của chính quyền và thời gian, sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp tại địa phương.

* Ông có khuyến nghị gì thêm để phát triển DN, thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2024, cũng như trong giai đoạn tới, thưa ông?

Để phát triển DN và thu hút đầu tư thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp từ phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nhưng tôi đánh giá cao các giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính.

Về thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước một mặt phải thực hiện tốt và đầy đủ các chính sách, quy định của Nhà nước, nhưng mặt khác cần phải đánh giá đầy đủ về sự vận hành và hiệu quả thực tiễn trong thực thi các chính sách, thủ tục. Chẳng hạn như, để đánh giá hiệu quả quy trình thủ tục của dự án đầu tư không chỉ thực hiện tốt và đầy đủ các quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch, bảo vệ môi trường… mà còn phải đo đếm, tính toán được hết điều gì đang diễn ra khi dự án được triển khai trên thực tế; chẳng hạn thời gian, chi phí, vướng mắc, phiền hà mà các nhà đầu tư đang phải gánh chịu trên thực tế. Điều này rất quan trọng vì biết được hết, biết được thực tiễn thì chúng ta mới có thể thay đổi và cải cách được.

Bên cạnh đó, để phát triển DN và thu hút đầu tư, tỉnh cần tập trung vào hai nhóm chính sách lớn.

Thứ nhất là với DN đang hoạt động tại địa phương thì cần tăng cường hoạt động chăm sóc, hỗ trợ, đối thoại với các DN, chuyên sâu đến từng lĩnh vực cụ thể để nắm bắt nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho DN. Cần tiếp tục nâng cấp sự thuận lợi của các thủ tục hành chính tại địa phương. Tăng cường vai trò và phát triển các hiệp hội DN để tạo kênh kết nối hiệu quả nhất. Từ đó hạn chế tối đa những khó khăn mà DN gặp phải, để họ hài lòng về chất lượng điều hành của chính quyền.

Thứ hai là cần thực hiện các đổi mới, đột phá trong xúc tiến đầu tư. Cụ thể là cần có những chương trình mời gọi, vận động, tìm kiếm các dự án đầu tư phù hợp với địa phương.

* Xin cảm ơn ông!

Khả Lê (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.