Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện môi trường kinh doanh - “Đấu pháp” để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

15:31, 21/05/2010

Năm 2009, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Dak Lak tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Dak Lak dẫn đầu các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên về kết quả xếp hạng PCI. Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một vài chia sẻ về kết quả cũng như những giải pháp Dak Lak nên lưu ý để tiếp tục nâng cao chỉ số này trong các năm tiếp theo…

* Năm 2009, PCI của tỉnh Dak Lak đã được nâng từ trung bình lên khá và tiếp tục dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về kết quả xếp hạng PCI. Ông có đánh giá gì về nỗ lực trên của địa phương trong những năm qua?

Ông Đậu Anh Tuấn (người đang phát biểu)
Ông Đậu Anh Tuấn (người đang phát biểu)
- Chỉ số PCI của Dak Lak đã có những cải thiện đáng kể trong 4 năm qua. Cụ thể, từ năm 2006 (năm đầu tiên tỉnh Dak Lak tham gia vào cuộc điều tra này) đến 2008, Dak Lak đều nằm trong nhóm xếp hạng trung bình của PCI; sang năm 2009 chuyển sang nhóm khá. Điểm số cũng tăng dần từ mức 51 điểm những năm trước lên 57,37 năm 2009 và xếp thứ 38/63 tỉnh thành. Đặc biệt, Dak Lak luôn là tỉnh đứng đầu trong khu vực Tây Nguyên về kết quả xếp hạng PCI. Qua điều tra PCI, một số lĩnh vực Dak Lak được các doanh nghiệp đánh giá khá cao và có chuyển biến lớn như: Đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian. Cũng cần lưu ý rằng những cải thiện của Dak Lak tuy tích cực nhưng các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng đã có những cải cách rất mạnh mẽ và ấn tượng.

* Vậy ông có thể chia sẻ một vài cách làm, kinh nghiệm hay của các tỉnh thành để có được những cải cách mạnh mẽ và ấn tượng theo như ông đánh giá?

- Hiện nay, nhiều địa phương đã rất chú trọng các chương trình nâng cao chỉ số PCI và cải thiện môi trường kinh doanh. Nhiều tỉnh có xếp hạng PCI chưa cao xem đây là dịp để rà soát, đánh giá các “điểm yếu” của mình và thúc đẩy quá trình cải cách tại địa phương. Qua thực tiễn điều tra tại một số tỉnh thành, tôi thấy các hoạt động chính để có thể cải thiện PCI như:
+ Phân tích sâu để tìm hiểu đúng thực trạng môi trường kinh doanh của tỉnh. Từ dữ liệu điều tra PCI, nhiều địa phương tiến hành đánh giá riêng về môi trường kinh doanh của mình, qua đây UBND tỉnh và các sở, ngành biết được các lĩnh vực, điểm yếu cụ thể để có hướng khắc phục…
+ Tổ chức tọa đàm, diễn đàn, gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị cụ thể từ cộng đồng doanh nghiệp.
+ Tham khảo kinh nghiệm tốt các tỉnh, thành phố khác đặc biệt là các tỉnh có cùng điều kiện và xuất phát điểm.
+ Từ việc nhận dạng được các “điểm yếu” của tỉnh, đúc rút kinh nghiệm tốt từ nhiều địa phương khác, tiến hành xây dựng các chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh và nên tham vấn rộng rãi các hiệp hội, doanh nghiệp trước khi ban hành.

* Với những chia sẻ trên có thể thấy cải thiện môi trường kinh doanh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chỉ số PCI. Vậy từ thực tiễn của địa phương, theo ông, Dak Lak nên tập trung vào những chỉ số thành phần nào để nâng cao chỉ số này?

- Có hai loại chỉ số thành phần mà Dak Lak nên tập trung vào. Trước hết đó là nhóm chỉ số thành phần trong PCI mà có trọng số cao, tức là có ảnh hưởng nhất đến hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, như: tính minh bạch, đào tạo lao động. Thứ hai là nhóm chỉ số thành phần mà Dak Lak còn xếp hạng thấp so với cả nước như chi phí gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý.

* Theo như ông cho biết thì hiện nay nhiều tỉnh có xếp hạng PCI chưa cao xem đây là dịp để rà soát, đánh giá các “điểm yếu” của mình và thúc đẩy quá trình cải cách tại địa phương. Vậy những lý do nào để khẳng định “uy tín” của kết quả điều tra, xếp hạng PCI?

-Tôi cho rằng tính khách quan là ưu điểm nổi bật của nghiên cứu PCI mà VCCI và VNCI (Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam) tiến hành. VCCI là một tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, có vị trí độc lập so với các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, theo đó có ưu thế nhất định, bảo đảm tính khách quan khi thực hiện đánh giá hay điều tra doanh nghiệp và người dân. Thứ hai, điều tra PCI là điều tra doanh nghiệp thực hiện lấy mẫu ngẫu nhiên, việc lập và chọn mẫu điều tra sử dụng phần mềm nên nhóm nghiên cứu hoàn toàn không biết doanh nghiệp nào tại tỉnh sẽ được chọn để tham gia điều tra. VCCI cũng bảo đảm cho doanh nghiệp là sẽ không tiết lộ thông tin cá nhân sau khi gửi thông tin. Do vậy các doanh nghiệp được khuyến khích “nói thẳng, nói thật”. Một vị lãnh đạo chính quyền cao nhất tại một tỉnh sau khi nghe nhóm nghiên cứu PCI trình bày phản ánh của các doanh nghiệp, đã rất bất ngờ vì chưa từng có doanh nghiệp nào trực tiếp phản ánh với ông những vấn đề gai góc, “khó nói” như vậy, thay vào đó toàn những lời tốt đẹp.
Tất nhiên, mọi cuộc điều tra và nghiên cứu đều có điểm mạnh và hạn chế riêng. Đây cũng là lý do mà VCCI thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm về phương pháp, đồng thời đều đặn lấy ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện hơn nữa về phương pháp của mình. Dữ liệu điều tra của PCI hàng năm cũng đều được công bố công khai để mọi nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, các tổ chức, cá nhân có thể sử dụng.
 
*Xin cảm ơn ông!

Đàm Thuần – Lê Ngọc (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.