Độc đáo bảo tàng "sống" giữa buôn làng
Hiện hữu ngay trong lòng buôn làng có một bảo tàng tư nhân lưu giữ, trưng bày hàng nghìn hiện vật liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đến nay. Đó là Bảo tàng Ama H’Mai tại buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).
Chủ nhân bảo tàng là ông Mẫn Phong Sơn, người đã nhiều năm miệt mài sưu tầm các hiện vật liên quan đến Tây Nguyên. Hiện số lượng hiện vật đang lưu giữ tại bảo tàng lên đến hàng nghìn đơn vị ở nhiều thể loại, nhiều nhất là hiện vật về đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có thể kể đến loại dụng cụ sinh hoạt hằng ngày như: ghế k’pan, gùi, bát, xà gạc, ché, chén bát gốm/đồng/đất; vật trang sức với khuyên tai, vòng, thắt lưng, trang phục; công cụ lao động: dụng cụ săn bắn trên cạn, dưới nước; hay các bộ cồng chiêng, trống của các dân tộc… cùng nhiều dòng ché với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo và hoa văn đặc sắc.
Chia sẻ về cơ duyên sưu tầm các hiện vật này, ông Sơn cho hay, trong quá trình đi công tác tại các buôn làng, được chứng kiến và tham gia một số lễ hội của người dân, ông thấy rất nhiều điều mới lạ, thú vị, từ những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ như cách cắm cần rượu, uống rượu, thứ tự người vít cần cho đến nét sinh hoạt hằng ngày… Do đó, ông để tâm quan sát, tìm hiểu và sưu tầm hiện vật cho đến nay.
Ông Mẫn Phong Sơn (bên phải) đón tiếp đồng nghiệp đến tham quan tại bảo tàng. |
Một trong những hiện vật ông sưu tầm được nhiều và yêu thích là ché. Bộ sưu tập ché tại Bảo tàng Ama H’Mai gần như đầy đủ các dòng ché của các dân tộc Tây Nguyên như Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng, Êđê, M’nông, Mạ… Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi lần đầu tiên uống rượu cần đựng trong những chiếc ché được chôn dưới đất, khi uống vẫn còn hơi ấm của đất và nghe người già kể chuyện, ông Sơn được biết người Tây Nguyên đặc biệt coi trọng những chiếc ché. Với họ, đó không chỉ là vật dụng mà còn là tài sản, là đồ gia bảo truyền từ đời này sang đời khác. Trong tất cả các lễ cầu cúng từ nhỏ đến lớn đều có sự hiện diện của ché rượu cần, họ tin rằng có thần linh (Yàng) trong ché sẽ nghe và thấu hiểu những lời khấn cầu. Thông qua chiếc ché, người ta có thể phân biệt được giàu, nghèo trong một cộng đồng, buôn làng…
Điểm nhấn trong Bảo tàng Ama H’Mai là thư viện sách, trong thư viện có đến hàng trăm tác phẩm về Tây Nguyên từ truyện cổ tích đến sách nghiên cứu hay luật tục các dân tộc. Đó cũng chính là nguồn tư liệu để ông Sơn nghiên cứu thêm về các nét văn hoá của các dân tộc sống ở Tây nguyên, cũng như các hiện vật còn lưu giữ đến ngày nay. |
Cũng từ đó, ông Sơn thích thú, bắt đầu tìm hiểu và rồi đam mê sưu tầm. Ngoài ché, ông còn sưu tầm những câu chuyện, những quyển sách viết về ché. Càng hiểu nhiều, ông Sơn càng trăn trở làm sao để có thể giữ lại nhiều nhất những loại ché Tây Nguyên.
Đặc biệt hơn, ông Sơn đã để những hiện vật này được sống cùng với người Êđê, với buôn làng, khi dựng lên bảo tàng ngay giữa lòng buôn Kmrơng Prông B. Bởi theo ông, toàn bộ những hiện vật đang lưu giữ vốn được sinh ra, nuôi dưỡng và phát triển trong môi trường cộng đồng, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. Vì vậy, phải trả nó về cộng đồng, công chúng để họ cùng chung sức giữ gìn và phát triển trong môi trường gốc thì mới phát huy được hết giá trị.
Thế nên, từ khi xây dựng cho đến nay, cứ mỗi sáng tại Bảo tàng Ama H’Mai, ông Sơn đều nhóm lửa, pha trà và mở cửa để đón khách. Những vị khách của ông chủ yếu là người dân trong buôn, từ người già cho đến trẻ em, ai cũng quý và coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi người đến bảo tàng lại có những cảm nhận riêng. Đối với người già, đây chính là nơi được trở về ký ức khi ngắm nhìn những hiện vật rất quen thuộc thời thơ bé như chiếc gùi, chiếc ché, bếp củi... Với những cháu nhỏ, đấy chính là cơ hội để các em biết đến những đồ vật “ngày xưa” trong lời kể của ông bà, bố mẹ một cách sống động.
Aduôn Tuệ, một người cao tuổi trong buôn cho hay: “Bà con buôn làng rất vui khi ông Sơn xây dựng bảo tàng lưu giữ các hiện vật về văn hóa Tây Nguyên, vui hơn nữa là bà con được thoải mái đến tham quan, có thể tìm thấy nơi đây đầy đủ các đồ vật quen thuộc trong đời sống người Êđê như: nồi đồng, chiêng, ché, gùi…, qua đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, để mỗi người thấy mình cũng cần có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy văn hoá dân tộc”.
Ông Mẫn Phong Sơn (bìa trái) cùng các nhà sưu tầm, cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk trao đổi về một hiện vật. |
Còn những vị khách ở xa đến tham quan cũng không khỏi ngạc nhiên và vui mừng vì có cơ hội chiêm ngưỡng tận mắt nhiều vật dụng truyền thống hầu như đã vắng bóng ở các buôn làng. Theo ông Sơn, mỗi một hiện vật đều có ngôn ngữ riêng độc đáo, mỗi người đến thăm, chiêm ngưỡng hiện vật và cùng trao đổi thông tin là có thêm một cơ hội hiểu được giá trị của chúng. Kể cả những hiện vật bị khiếm khuyết về mặt hình thức, không còn nguyên vẹn do lý do khách quan cũng vẫn được ông lưu giữ một cách trân trọng, vì đó là một phần của văn hóa, của hiện thực.
Đầu năm 2021, Bảo tàng Ama H’Mai đã được UBND tỉnh cấp phép công nhận hoạt động bảo tàng ngoài công lập, trở thành bảo tàng ngoài công lập thứ hai được hoạt động trên địa bàn tỉnh, sau Bảo tàng Thế giới Cà phê. Đây là một trong những kênh đưa hiện vật đến gần hơn với công chúng, đóng góp thêm nguồn lực của xã hội cho sự phát triển giá trị di sản, giúp công chúng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, mở mang hiểu biết về văn hóa. Đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa Tây Nguyên nói chung và các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc